Các nhà khoa học chỉ ra sự bất thường của lỗ thủng tầng ozone

Quỳnh Chi |

Lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực sẽ đóng lại muộn hơn một tháng so với thông thường trong năm thứ ba liên tiếp.

Đây là nội dung theo một báo cáo gần đây của Chương trình Quan sát Trái đất Copernicus thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Mặc dù lỗ thủng tầng ozone hầu như đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 2000 nhưng các nhà khoa học không thể giải thích tại sao hiện tại nó lại tồn tại lâu hơn.

Lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực thường mở ra vào tháng 9 trước khi thu hẹp lại vào tháng 11, trùng với mùa xuân ở vùng Nam bán cầu. Các nhà khoa học Copernicus đã viết vào tuần trước rằng năm nay, lỗ hổng này dự kiến sẽ đóng lại trong những ngày tới.

Năm 2021, lỗ thủng tầng ozone đóng lại muộn hơn, đến ngày 23/12 và năm 2020 đến ngày 28/12, khoảng thời gian dài nhất được ghi nhận. Lỗ thủng năm 2019 là nhỏ nhất và tồn tại trong thời gian ngắn nhất kể từ khi việc quan sát bắt đầu được thực hiện vào năm 1979. Diện tích lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực đạt đỉnh vào năm 2000 và đang dần thu hẹp kể từ đó.

Các nhà khoa học chỉ ra sự bất thường của lỗ thủng tầng ozone - Ảnh 1.

(Ảnh: PBS)

Trong khi nhóm Copernicus không biết chính xác tại sao lỗ thủng lại tồn tại quá lâu trong những năm gần đây, họ đã đưa ra một số gợi ý. Đầu tiên, nhóm này viện dẫn tình trạng nóng lên toàn cầu, điều mà họ cho rằng làm cho tầng bình lưu ở giữa và trên nguội đi, kéo dài thời gian của lỗ thủng.

Thứ hai, họ cho rằng sự phun trào của núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai vào tháng 1 có thể đã phá vỡ sự cân bằng sol khí bình thường của tầng bình lưu. Tuy nhiên, "vai trò chính xác" của vụ phun trào trong lỗ thủng tầng ozone năm nay "vẫn là một vấn đề cần được nghiên cứu".

Tầng ozone lọc từ 97% đến 99% bức xạ tia cực tím (UV) của ánh sáng mặt trời, cho phép sự sống phát triển trên Trái đất. Việc tiếp xúc với bức xạ tia cực tím làm tăng nguy cơ ung thư da, tổn thương mắt và lão hóa sớm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại