Những câu chuyện xúc động năm 2022: Từ cậu bé cứu người trên đường ray đến cụ ông gom tiền dưỡng già xây cầu từ thiện

PHẠM TRANG, |

Những con người vốn chẳng có gì đặc biệt, thậm chí chịu nhiều thiệt thòi, khiếm khuyết nhưng vẫn mang trong mình mầm sống mãnh liệt, đức hy sinh cao cả, trở thành những bông hoa đẹp nhất cho cuộc đời.

Trưởng bản liều mình cứu hàng chục người từ cơn lũ dữ

Cơn lũ quét lịch sử xảy ra ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) vào rạng sáng ngày 2/10 vẫn khiến nhiều người dân nơi đây không khỏi rùng mình khi nhắc tới. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi, nước từ đầu nguồn ồ ạt đổ về kéo theo cây gỗ, đất, đá khổng lồ khiến nhiều người không kịp trở tay.

Vào thời điểm nguy cấp ấy, trưởng bản Hòa Sơn - anh Vi Văn Truyền cùng một số người khác đã không ngần ngại lao vào dòng nước lũ cứu những người dân còn đang mắc kẹt.

Những câu chuyện xúc động năm 2022: Từ cậu bé cứu người trên đường ray đến cụ ông gom tiền dưỡng già xây cầu từ thiện - Ảnh 1.

Anh Vi Văn Truyền - trưởng bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Xuân Hoàng

Anh Truyền nhớ lại lần đầu tiên nước về là khoảng 1-2 giờ sáng 2/10, nhận được điện thoại báo lũ, anh cùng vợ đã lập tức bật dậy chạy ra xem. Khi thấy một số nhà ở sát khe ngập, anh đã chờ nước rút rồi cùng bà con dọn dẹp. Khoảng 4 giờ sáng cùng ngày, nước lũ lại một lần nữa chảy về mỗi lúc một mạnh. 7 giờ sáng, nước cuồn cuộn chảy vô cùng nguy hiểm.

Khi quan sát thấy gia đình ông Lô Trọng Hải (2 người lớn và 7 học sinh) đang cố gắng vùng vẫy thoát ra nhưng không được, anh Truyền đã lao vào dòng nước tiếp cận với những người đang gặp nạn.

Ngay khi đưa 9 người trong gia đình ông Hải đến nơi an toàn, anh Truyền cũng phát hiện gia đình ông Vi Văn Hùng cũng đang bị cô lập trong ngôi nhà sàn. Anh cùng nhiều thanh niên bản đã vượt dòng lũ chảy siết, đưa những người trong gia đình rời khỏi căn nhà, trong đó có 2 trẻ sơ sinh.

Chia sẻ với VOV, anh Truyền kể lại: “Khoảng cách giữa tôi đến nhà đó (nhà ông Hùng) là khoảng 5m. Nhưng thấy trong nhà còn có trẻ sơ sinh, chạy không được, tôi đã nhảy qua bờ rào. Nước chảy mạnh quá làm cứa đứt cả lòng bàn tay. Ngôi nhà sàn cao thế mà không nghĩ nước chảy mạnh đến mức rung bần bật. Người già, trẻ con trong nhà hoảng loạn kêu khóc nên bằng mọi cách tôi phải trấn an dân”.

Những câu chuyện xúc động năm 2022: Từ cậu bé cứu người trên đường ray đến cụ ông gom tiền dưỡng già xây cầu từ thiện - Ảnh 2.

Vết thương trên tay anh Truyền trong khi cứu bà con (Ảnh: VOV)

Nhiều ngày sau cơn lũ dữ, anh Truyền vẫn sát cánh cùng bà con trong bản Hòa Sơn khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra. Gần như toàn bộ căn nhà trong bản đều không còn nguyên vẹn, tài sản của bà con cũng trôi sạch theo dòng lũ. Điều may mắn đối với người dân bản, có lẽ chính là không có thiệt hại về người.

Khi được hỏi về việc quên mình lao qua dòng nước lũ để cứu người khỏi “lưỡi hái tử thần”, anh Vi Văn Truyền chỉ gạt vội những giọt mồ hôi trên mặt nhẹ nhàng nói “Bà con mình mà, mình chỉ nghĩ phải cứu bằng được thôi”.

"Người hùng nhí" cứu người đàn ông mắc kẹt trên đường ray trong gang tấc

"Người hùng nhí" Hoàng Mạnh Chiến, học sinh lớp 7A2, trường THCS Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả) đã thu hút sự chú ý của cộng đồng khi cứu sống một người đàn ông mắc kẹt trên đường ray khỏi lưỡi hái tử thần trong gang tấc.

Vào khoảng 19h ngày 26/11, ông Nguyễn Thanh Vót chạy xe máy đến đoạn cắt ngang với đường sắt thì bị ngã trên đường ray đúng lúc đoàn tàu đang đến gần. Đúng lúc này, em Hoàng Mạnh Chiến đang đạp xe ngang qua. Thấy ông Vót đang gặp nguy hiểm, em vội lao đến kéo ông ra khỏi đường ray.

Những câu chuyện xúc động năm 2022: Từ cậu bé cứu người trên đường ray đến cụ ông gom tiền dưỡng già xây cầu từ thiện - Ảnh 3.

"Người hùng nhí" Hoàng Mạnh Chiến (Ảnh: Ngọc Linh)

Khi được hỏi về giây phút "ngàn cân treo sợi tóc" ấy, người hùng nhí kể lại: "Trên đường về, cháu thấy một bác chạy xe máy bị ngã ngay trên đường ray. Đồng thời khi ấy, tàu hú còi đang gần đến nơi. Cháu không nghĩ gì, chạy đến cố đẩy chiếc xe máy và tự kéo người ra khỏi đường ray".

"Khoảng cách từ đầu tàu đến vị trí bác bị ngã chỉ khoảng gần chục mét. Bác có thân hình to lớn, kèm chiếc xe máy đang đè lên khiến cháu phải cố sức nhiều lần mới kéo ra được. Ngay sau đó, đoàn tàu vụt qua trước mặt cháu" - Chiến kể thêm.

Ông Vót thoát chết trong gang tấc, chỉ bị thanh gạt của đầu tàu va vào làm ông bị thương nhẹ ở tai trái và tay trái. Chiếc xe máy của ông Vót bị đoàn tàu đẩy trượt đi 3m rồi văng ra ngoài.

Những câu chuyện xúc động năm 2022: Từ cậu bé cứu người trên đường ray đến cụ ông gom tiền dưỡng già xây cầu từ thiện - Ảnh 4.

Đường tàu nơi xảy ra tại nạn (Ảnh: Ngọc Linh)

Ngay sau khi nghe tiếng hô thất thanh của Chiến, ông Trung - bố của Chiến cùng bà con hàng xóm ngay lập tức chạy ra nơi xảy ra tai nạn, lúc này trời đã nhá nhem không nhìn rõ mặt người.

"Ông Vót đau đớn, thều thào: Tôi mệt quá; sau đó ngất đi. Chúng tôi gọi xe đưa ông đi cấp cứu và liên hệ ngay với người nhà" - ông Trung nhớ lại.

Sau khi vụ việc xảy ra, dù ông Vót đã an toàn nhưng em Chiến vẫn khá lo lắng. Bình thường chàng trai 12 tuổi có thói quen ngủ một mình, nhưng đêm hôm đó phải xin ngủ cùng bố. Trằn trọc mãi không ngủ được, em thủ thỉ với bố: "Không biết bác có sao không bố nhỉ, có nguy hiểm đến tính mạng không…".

"Sáng hôm sau, nhận tin sức khỏe của ông Vót đã ổn định, cháu Chiến mới yên tâm thở phào". - ông Trung nói.

Bố của người hùng nhí vui vẻ, chia sẻ thêm: "Đến giờ nghĩ lại, chính bản thân tôi cũng không tin con trai mình dũng cảm như vậy. Bởi, Chiến là cậu bé trầm tính, có phần nhút nhát. Cháu làm được việc tốt, gia đình rất vui mừng, phấn khởi".

Giải thích lý do không sợ nguy hiểm, một mình cứu người, Chiến nói: "Lúc đó cháu chỉ muốn kéo bác ấy ra khỏi đường ray bởi tàu đến mỗi lúc một gần mà không có bất cứ ai cứu bác. Dù trong lòng rất sợ hãi nhưng cháu nghĩ nếu cứ đứng nhìn, chắc chắn bác ấy sẽ gặp nạn".

Những câu chuyện xúc động năm 2022: Từ cậu bé cứu người trên đường ray đến cụ ông gom tiền dưỡng già xây cầu từ thiện - Ảnh 5.

Chiến là một người con chăm ngoan, thường giúp cha mẹ làm việc nhà (Ảnh: Ngọc Linh)

Chiến cũng chia sẻ nhỏ: "Cháu rất thích những câu chuyện, bộ phim về siêu anh hùng. Chưa bao giờ cháu nghĩ mình lại ở trong hoàn cảnh giống trong phim như vậy. Hiện giờ mọi người gọi cháu là 'anh hùng', 'idol',… và rất nhiều bạn xin chữ kí, cháu rất vui".

"Cháu mong mọi người khi đi trên các con đường gần đường ray tàu thì cần phải chú ý quan sát và không nên uống rượu bia, say xỉn khi đi qua các đoạn đường tàu". - Người hùng nhí nhắn nhủ.

Cụ ông 80 tuổi mang hết tiền dưỡng già xây 28 cây cầu cho các vùng quê nghèo khó

Đó là ông Nguyễn Đình Phùng, ngụ phường An Xuân, TP Tam Kỳ, Quảng Nam. Từng là lính đặc công, vào sinh ra tử trong những năm chống Mỹ và trở về quê hương với thương tật 61%, nay người thương binh ấy vẫn thầm lặng cống hiến cho đất nước. Ngày ngày, trên chiếc xe máy cọc cạch, rong ruổi khắp các vùng quê, thấy nơi nào khó khăn thì ông lão tóc bạc trắng lại tự bỏ tiền túi để xây cầu dân sinh giúp bà con thuận tiện đi lại.

"Mỗi lần về quê tôi thấy nhiều cây cầu hư hỏng và chứng kiến nhiều người gặp nạn khi đi qua những cây cầu tạm bị tai nạn, thậm chí tử vong, nên tôi chợt nghĩ mình phải làm điều gì đó thiết thực giúp đỡ bà con. Từ đó, tôi tích góp lương hưu của cả hai vợ chồng, rồi huy động thêm từ các con để xây những cây cầu miễn phí. Mỗi năm gia đình tôi cố gắng tặng ít nhất 4 cây cầu cho người dân", ông Phùng tâm sự.

Những câu chuyện xúc động năm 2022: Từ cậu bé cứu người trên đường ray đến cụ ông gom tiền dưỡng già xây cầu từ thiện - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Đình Phùng, ngụ phường An Xuân, TP Tam Kỳ, Quảng Nam (Ảnh: Hà Nam)

Từ năm 2016 đến nay, ông Phùng đã tự bỏ kinh phí xây gần 30 cây cầu dân sinh (trung bình mỗi cây cầu khoảng 65 triệu đồng) và làm 150m đường bê tông.

Là thương binh 2/4, với cánh tay phải thương tật, cử động khó khăn nhưng cứ hễ nghe tin nơi nào có cầu tạm nguy hiểm, ông Phùng đều lặn lội đến tận nơi để khảo sát. Từng khâu trong xây dựng cầu ông đều vô cùng sát sao, kiểm tra chất lượng từng cây cầu đã được đưa vào sử dụng.

Lý giải việc tất cả cầu đều tên "Phùng Hiệp", ông bảo, Phùng là tên mình, còn Hiệp là tên một người bạn đã khuất - người góp kinh phí cùng gia đình ông xây cây cầu đầu tiên: "Tôi đã từng hứa với người bạn quá cố tên Hiệp là sẽ xây dựng được 50 cây cầu khi còn sống. Mỗi cây cầu được hoàn thành, không chỉ là niềm vui của người dân, mà còn là hạnh phúc của tôi vì đang tiến gần đến lời hứa đó", ông Phùng trải lòng.

Những câu chuyện xúc động năm 2022: Từ cậu bé cứu người trên đường ray đến cụ ông gom tiền dưỡng già xây cầu từ thiện - Ảnh 7.

Ông Phùng lặn lội tìm đến khắp những vùng quê nghèo khó để khảo sát xây dựng cầu (Ảnh: Hà Nam)

Ngoài việc xây cầu giúp dân, từ năm 2014 đến nay, ông Phùng còn tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội. Số tiền lương hưu 15 triệu đồng hàng tháng vẫn luôn được vợ chồng ông cố gắng tiết kiệm, tích góp để cùng với các con xây cầu và hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn.

Đến nay, dù đã tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng chưa bao giờ ông Phùng nghĩ đến việc dừng xây cầu giúp người dân. "Lúc nào hết tiền, hết sức thì tôi mới thôi đi xây cầu. Nói thật, giờ tuổi cũng lớn rồi, cũng không biết lúc nào nằm xuống, nên còn giúp đời được gì thì mình vẫn cố gắng giúp thôi", ông Phùng cười hiền.

Nữ sinh viên không chân chạy xe máy đi học di chuyển bằng đầu gối suốt 25 năm

Phạm Thị Thu Thủy (SN 1997) - sinh viên năm 4 khoa Giáo dục đặc biệt của trường ĐH Sư phạm TP.HCM - đã ngày ngày dùng đầu gối của mình để đến trường, từng bước tiến gần đến ước mơ.

Những câu chuyện xúc động năm 2022: Từ cậu bé cứu người trên đường ray đến cụ ông gom tiền dưỡng già xây cầu từ thiện - Ảnh 8.

Phạm Thị Thu Thủy vẫn luôn mang trong mình ước mơ trở thành cô giáo (Ảnh: Văn Tiên)

Thủy từ nhỏ đã lớn lên trong sự yêu thương của những cô chú trong làng Hòa Bình (BV Từ Dũ) sau khi bị mẹ bỏ rơi. Càng đau đớn hơn khi cơ thể em gặp nhiều khiếm khuyết:

"Em rất muốn được đi học nhưng ngay ngày đầu tiên vào lớp 1, em bị các bạn kêu không cha không mẹ, đi bằng đầu gối kìa. Lúc đó em không muốn đi học nữa.

Khoảng thời gian cấp 1, em không thích và rất ghét cha mẹ em, em nghĩ vì cha mẹ mà em bị trêu chọc. Ước gì cha mẹ đừng sinh ra con ra. Sau này lớn hơn, em mới hiểu ra dù cha mẹ có thế nào đi nữa vẫn là cha mẹ của em. Em không cho phép mình đối xử tệ với cha mẹ…", Thủy nghẹn lời.

Vượt qua nỗi mặc cảm của bản thân, Thủy dần dần lớn lên, nuôi dưỡng niềm khát khao được học, được phát triển của bản thân. Năm cấp 2, Thủy được chuyển vào trường chuyên biệt dành cho người khuyết tật:

"Khi em học cấp 2, 3 chung với các bạn khuyết tật, em được là chính mình, em không còn co mình lại vì sợ những ánh nhìn từ mọi người bình thường khác. Em nhận ra chỉ có làm cô giáo, em mới có thể dạy các bạn khuyết tật giống như em, truyền cho các bạn sự tự tin, kiến thức của mình.

Em chỉ muốn các bạn giống như em tự tin hơn, cứ tích cực sống, mạnh dạn với mọi người xung quanh và đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình", Thủy hào hứng nói.

Trải qua những ngày tháng "khổ luyện", Thủy đã trúng tuyển vào ngành Giáo dục đặc biệt, trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Cuộc sống của cô gái trẻ bước qua một trang mới. Thời gian đầu vì di chuyển quá nhiều bằng 2 đầu gối, Thủy bị viêm khớp nặng. Mặc dù vậy, cô gái nhỏ chưa từng suy nghĩ bỏ cuộc.

Những câu chuyện xúc động năm 2022: Từ cậu bé cứu người trên đường ray đến cụ ông gom tiền dưỡng già xây cầu từ thiện - Ảnh 9.

Đôi giày đặc biệt cùng cô gái nhỏ từng bước thực hiện ước mơ của mình (Ảnh: Văn Tiên)

Để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo, Thủy cho biết em ngoài việc học tập trên giảng đường, em cũng tham gia các hoạt động cộng đồng, bắt đầu xin việc ở các trung tâm, dạy thêm cho trẻ đặc biệt. Còn ước mơ xa hơn, Thủy rưng rưng nước mắt:

"Em muốn tìm lại cha mẹ. Dù cha mẹ có gì đi chăng nữa vẫn là cha mẹ của em.”

Bỏ qua những điều chưa trọn vẹn với mình, sự tự tin, lạc quan và nụ cười là thứ luôn thường trực trên khuôn mặt của Thủy. Trước ống kính máy quay, trước những câu hỏi có thể khiến cô gái trẻ chạnh lòng, Thủy vẫn tự tin vì em là em, luôn đặc biệt với chính mình.

Bị liệt hơn 20 năm, người phụ nữ không nản lòng, cố viết sách để gom tiền chạy thận níu giữ sự sống

Ngồi trên chiếc xe lăn cũ, chị Cao Châu Việt Đồng Tâm (SN 1976) - tác giả hai quyển sách Cô Bé Ước Mơ và Tin Vào Điều Kỳ Diệu vẫn luôn ấp ôm trong mình những hy vọng vào cuộc sống sau những biến cố của cuộc đời.

Năm 18 tuổi, trong lúc đang học chuyên sâu về khối ngành ngôn ngữ, tin học văn phòng, chị Tâm bất ngờ phát hiện bản thân mắc bệnh viêm tủy cắt ngang, nửa phần thân dưới của chị bị liệt hoàn toàn.

Những câu chuyện xúc động năm 2022: Từ cậu bé cứu người trên đường ray đến cụ ông gom tiền dưỡng già xây cầu từ thiện - Ảnh 10.

Từ một người khỏe mạnh sau biến cố năm 18 tuổi, chị Tâm phải làm bạn với xe lăn suốt quãng đời còn lại (Ảnh: Văn Tiên)

"Lúc đó chị cũng tự tin lắm, nghĩ là sau này sẽ biết đi thôi. Ra viện, chị cũng tập đêm tập ngày, rồi một bên chân cũng cử động được, đi được một đoạn nhỏ. Nhưng rồi đùng một cái, chị bị suy thận mạn, phải phẫu thuật liên tục khiến chị không thể tập đi như trước. Giờ thì chị bị liệt phần dưới, làm bạn với xe lăn cũng 20 năm rồi", chị Tâm nhìn xuống đôi chân teo tóp, thở dài.

Dù gần 40 lần lên bàn mổ, mỗi tuần ra vào bệnh viện đến 3 lần để tiến hành chạy thận, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn khi ba qua đời, mẹ lớn tuổi bệnh tật liên miên lại thêm người chị gái tâm thần nhẹ… nhưng chị Tâm không vì thế mà buông bỏ.

"Chị vẫn luôn tin vào những điều thiện lành trong cuộc sống, về những người tốt vẫn luôn xung quanh mình. Và chị tìm đến sách, tập tành viết những mẩu chuyện nhỏ để gửi đến mọi người".

10 năm trước, cuốn sách đầu tiên với tựa đề Cô Bé Ước Mơ đã ra đời, phần nào đó cũng chính là cuộc đời của chị Tâm muốn gửi gắm vào từng trang sách.

Những câu chuyện xúc động năm 2022: Từ cậu bé cứu người trên đường ray đến cụ ông gom tiền dưỡng già xây cầu từ thiện - Ảnh 11.

Cuốn sách "Tin vào điều kỳ diệu" mang theo bao ấp ủ của chị Tâm về lòng tốt, sự yêu thương giữa con người với nhau (Ảnh: Văn Tiên)

Ngày nào không chạy thận, chị lại tìm đến sách rồi nắn nót viết thành những mẩu chuyện nhỏ. Những cuốn sách được bán ra cũng là cách để chị có thể kiếm tiền chữa bệnh và chăm lo cho cuộc sống của gia đình mình.

"Lúc trước chị có nhiều ước mơ lắm nhưng giờ thì ước mơ, hạnh phúc lớn nhất của chị là còn mẹ, chị vẫn còn tiếp tục viết sách và gặp gỡ những người bạn tốt. Chị chỉ ước những ngày sắp tới, chị có thể tiếp tục được chạy thận, tiếp tục sống để ở bên cạnh chăm sóc, lo lắng cho mẹ là chị mãn nguyện rồi", chị Tâm chia sẻ.

Trong không gian chật hẹp của căn nhà nhỏ, chị Tâm đưa mắt nhìn quyển sách trên tay và tin vào điều kỳ diệu của chính mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại