Tăng lương cơ sở cho công chức - viên chức: Tiền đề để cải cách tiền lương

THÀNH CHUNG |

Tại cuộc họp báo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cho ý kiến về việc điều chỉnh tăng lương cơ sở.

Tăng lương cơ sở cho công chức - viên chức: Tiền đề để cải cách tiền lương - Ảnh 1.

Hơn hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức gặp nhiều khó khăn. Với đề xuất tăng lương cơ sở dự kiến từ tháng 7-2023 sẽ giúp giảm bớt phần nào khó khăn cho đội ngũ này - Ảnh: TỰ TRUNG

Chính phủ đang trình Quốc hội điều chỉnh tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 20,8% lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, việc đề xuất tăng chi lương hưu, trợ cấp BHXH cũng được đưa ra để áp dụng cho đối tượng do ngân sách nhà nước chi trả khoảng 12,5%; hỗ trợ thêm với người nghỉ hưu trước năm 1995; tăng trợ cấp ưu đãi cho người có công và các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%.

Việc thực hiện điều chỉnh này dự kiến thực hiện từ 1-7-2023. Riêng điều chỉnh tăng phụ cấp nghề với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở dự kiến thực hiện từ 1-1-2023.

Tùy thuộc vào "sức khỏe" nền kinh tế

Ông Mai cho hay việc tăng lương cơ sở dựa trên nhiều yếu tố. Trong đó có tính toán theo thang bảng lương, phụ cấp nghề, các quy định khác tại nghị định 38/2019 của Chính phủ... Sau khi tăng lương cơ sở, các cơ quan chức năng sẽ tính toán, đề xuất thời điểm thực hiện cải cách tiền lương.

Để thực hiện cải cách tiền lương, ông Mai cho rằng đây là vấn đề rất lớn, trong đó có thách thức liên quan đến nguồn lực, đặc biệt trong bối cảnh đất nước vừa trải qua hơn hai năm chống dịch COVID-19 và mới bắt đầu phục hồi kinh tế.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng nhấn mạnh nghị quyết 27 của Trung ương khóa XII đã xác định lộ trình cải cách tiền lương. Tuy nhiên, hai năm qua dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng hết sức nặng. Do đó, theo ông Cường, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị cũng cần chia sẻ với Đảng, Nhà nước trong việc chưa tăng lương mà dành nguồn lực đó cho phòng chống dịch để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

Hiện kinh tế đã phục hồi, tăng trưởng và đã có dấu hiệu khả quan, vì vậy chúng ta tính tăng lương cơ sở trước sau đó sẽ có lộ trình để thực hiện cải cách tiền lương. Ông Cường cũng nhấn mạnh việc thực hiện cải cách tiền lương còn phụ thuộc vào ngân sách, nguồn lực quốc gia. Trong đó, phải cân đối kỹ lưỡng giữa đầu tư cho phát triển và đầu tư cho con người.

"Tất nhiên tăng lương cho cán bộ, công chức cũng là đầu tư cho phát triển nhưng nếu không có thúc đẩy khác nữa sẽ rất khó", ông Cường nói và nhấn mạnh đầu tư cho phát triển để thu thuế, ngân sách tốt hơn. Lúc đó sẽ có lộ trình cải cách tiền lương.

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Mai cho hay mức đề xuất tăng lương cơ sở mà Chính phủ trình Quốc hội đã được tính toán trên nhiều khía cạnh và phù hợp với tình hình, nguồn lực. Ông Mai nói quyết định cuối cùng sẽ thuộc thẩm quyền của Quốc hội xem xét, quyết định.

Đứng trên khía cạnh cơ quan thẩm tra nội dung đề xuất này của Chính phủ, đại biểu Trần Văn Lâm, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho hay thu nhập của người lao động trong khu vực công trong ba năm qua bị ảnh hưởng nhiều do lạm phát, mất giá đồng tiền, dịch bệnh COVID-19.

Bên cạnh đó, ba năm qua theo tinh thần nghị quyết 27 của Trung ương phải tiến hành cải cách tiền lương nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các nguồn lực được dành cho phòng chống dịch, phục hồi, phát triển kinh tế, do vậy chưa thực hiện được việc này. Trước tình hình trên, Chính phủ đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,49 lên 1,8 triệu đồng/tháng, mức tăng này khoảng hơn 300.000 đồng (tương ứng khoảng 20,8%).

Ông Lâm đánh giá việc tăng này các cơ quan chức năng đã tính toán phù hợp với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, mất giá của đồng tiền, đồng thời phù hợp với tăng năng suất lao động.

Cụ thể theo ông Lâm, trong ba năm qua kiểm soát lạm phát của Việt Nam được đánh giá tốt và trượt giá có nhưng không phải quá nhiều. Thêm vào đó, tăng trưởng kinh tế năm nay mới phục hồi lại.

"Mức tăng lương này đã được tính toán tương đối sát với tình hình và phù hợp với năng lực của ngân sách. Nếu tăng quá lên ngân sách cũng không chịu được. Với mức tăng hơn 20% tính ra mỗi năm cũng được khoảng 7% là khá cao so với mức tăng năng suất lao động", ông Lâm nói.

Về một số ý kiến cho rằng nên tăng lương cơ sở ngay từ 1-1-2023 thay cho 1-7-2023, ông Lâm nói việc này nên cân nhắc và trong thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách khi thẩm tra cũng có ý kiến đưa ra như vậy. Ông cho rằng nếu tăng lương cơ sở được sớm sẽ giúp cải thiện đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức. Song việc này còn phụ thuộc vào yếu tố cân đối ngân sách.

Tăng lương cơ sở cho công chức - viên chức: Tiền đề để cải cách tiền lương - Ảnh 2.

Dự kiến sẽ tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ tháng 7-2023 - Ảnh: HỮU HẠNH

Tăng lương cơ sở từ 1-1-2023?

Cũng trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Đình Quảng, phó Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), cho hay trong ba năm qua lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức không được điều chỉnh nên việc đề xuất tăng lần này của Chính phủ là phù hợp, kịp thời, đáp ứng được mong mỏi.

Theo ông Quảng, trong bối cảnh chưa cải cách tiền lương triệt để theo nghị quyết 27 và hiện dịch COVID-19 cơ bản đã được khống chế, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội có khởi sắc nên việc đề xuất tăng lương cơ sở có đủ điều kiện để tổ chức thực hiện.

Về mức đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng (tương đương gần 20%) ông Quảng cho rằng những lần trước, mức tăng lương cơ sở hằng năm đều khoảng 10%/lần. Song từ 1-7-2019 đến nay là ba năm chưa điều chỉnh nên nếu điều chỉnh như định kỳ phải ở mức khoảng 30%. Với mức 20,8% này mới chỉ là đề xuất, còn phải phụ thuộc vào cân đối ngân sách.

"Ba năm qua chúng ta dù là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế nhưng thực tế nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, nguồn thu bị ảnh hưởng và phải tăng cường cho phòng chống dịch. Do vậy, việc dành nguồn lực để điều chỉnh mức tăng lương cơ sở cao sẽ gặp khó khăn. Chúng ta mong muốn nhiều nhưng với mức đề xuất của Chính phủ hiện nay đã được tính toán kỹ và cân đối được ngân sách. Việc này sẽ giúp cải thiện được một phần đời sống của cán bộ, công chức", ông Quảng nói.

Nói về thời điểm tăng lương, một vị đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Quốc hội xem xét cân đối ngân sách để có thể tăng lương cơ sở sớm hơn, thực hiện ngay từ 1-1-2023 thay như đề xuất của Chính phủ là từ 1-7-2023. Việc điều chỉnh sớm sẽ góp phần bù đắp trượt giá, cải thiện đời sống cho công chức, viên chức.

Còn nếu tính lâu dài, ông Lê Đình Quảng cho hay cần sớm thực hiện cải cách căn bản tiền lương theo tinh thần nghị quyết 27. Trong đó, việc cải cách cần gắn với sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và trả lương cần căn cứ vị trí việc làm, hiệu quả, năng suất, chất lượng công việc... Tuy nhiên thời gian qua việc chuẩn bị chưa tốt và nguồn lực chưa đảm bảo, dẫn tới chưa thực hiện được.

"Việc tăng lương cơ sở chỉ là giải pháp tình thế, còn trong kiến nghị của tổng liên đoàn với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vẫn đề xuất cần sớm trình cơ quan có thẩm quyền tiến hành thực hiện đề án cải cách tiền lương theo nghị quyết 27. Đây mới là giải pháp căn cơ, cốt lõi để đảm bảo thu nhập cho cán bộ, công chức", ông Quảng nói thêm.

Nguyên thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cũng chỉ rõ cải cách tiền lương là câu chuyện dài, được bàn thảo khá lâu. "Và việc sắp xếp lại bộ máy tổ chức tinh gọn hiệu quả giúp công cuộc cải cách tiền lương đã thành công được một nửa. Tiền tăng lương công chức, viên chức chính là ở đó", ông Huân nói thêm.

Tăng lương cơ sở cho công chức - viên chức: Tiền đề để cải cách tiền lương - Ảnh 3.

Người dân làm thủ tục tại BHXH TP Thủ Đức - Ảnh: DUYÊN PHAN

* Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (phó trưởng Ban Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội): Người lao động nên chia sẻ

Việc đề xuất tăng lương cơ sở của Chính phủ dựa trên cơ sở tham mưu của các cơ quan chuyên môn và phụ thuộc vào cân đối chung ngân sách nhà nước. Thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 dẫn đến nguồn lực gặp khó khăn nên chưa thực hiện được việc cải cách tiền lương.

Mong muốn của người lao động trong khu vực công còn nhiều nhưng với mức đề xuất tăng lương cơ sở của Chính phủ là tốt và sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người lao động. Ngoài ra, người lao động trong khu vực công cũng nên chia sẻ chung với những khó khăn của Nhà nước. Việc quyết định tăng lương sẽ do Quốc hội xem xét nhưng nếu cân đối được nguồn lực, thực hiện sớm sẽ tốt hơn và đáp ứng mong mỏi của người lao động.

* Bà Nguyễn Thị Lan Hương (nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động): Cần định nghĩa lại lao động trong khu vực công

logo-npthuechicucthuetpthuduc-7-1read-only-16661493722961921630582

Lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan của Nhà nước được đề nghị tăng vào tháng 7-2023 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Mức đề xuất tăng lương cơ sở mà Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thực chất chưa đủ để xóa đi chênh lệch giữa lương khu vực công và tư. Tuy nhiên, nó cũng góp phần giảm bớt đi khó khăn cho vấn đề thu nhập của người lao động.

Điều tra mức sống dân cư lao động năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật có mức thu nhập 8,4 triệu đồng (trình độ đại học). Nếu mỗi năm tăng lương bình quân là 7% thì năm 2022 mức lương của lao động tốt nghiệp đại học sẽ khoảng hơn 9 triệu đồng.

Trong khi lương một công chức tốt nghiệp đại học (đi làm khoảng 10 năm) với hệ số bình quân là 3,6 nhân với mức đề xuất tăng là 1,8 triệu đồng thì được khoảng 6,5 triệu. Nếu lấy mức này chia cho con số hơn 9 triệu trên thì bằng khoảng 80%. Như vậy mức lương của công chức, viên chức chưa bằng được trung bình của thị trường.

Do vậy, điều quan trọng nhất là cần sớm thực hiện cải cách tiền lương để đưa tiền lương về đúng giá trị thực, tạo động lực cho phát triển. Trong đó, phải định nghĩa lại lao động trong khu vực công và xác định không phải tất cả những người làm trong khu vực này đều được gọi là công chức, viên chức mà chỉ một nhóm nào đó, còn những người khác có thể là chế độ hợp đồng...

Nhóm công chức, viên chức được hưởng lương nhà nước cần phải đảm bảo mức trên trung bình xã hội, thị trường bởi các quyết định trong công việc của họ sẽ ảnh hưởng đến đất nước. Đồng thời, phải thay đổi phương pháp tiếp cận lương, thay đổi cách tính lương, bỏ tính lương theo hệ số, tiền lương cơ sở bằng cách tính lương dựa trên vị trí việc làm và có tính tới đặc điểm yếu tố địa hình, vùng miền...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện Bộ Nội vụ cho biết việc tăng lương cơ sở đã được Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến tại Hội nghị Trung ương 6 mới đây. Hiện Chính phủ đã có tờ trình gửi Quốc hội để xem xét về nội dung này.

Về mức tăng, thời gian tăng, vị này nói tờ trình của Chính phủ đã đưa ra còn Quốc hội sẽ xem xét, quyết định cụ thể. Vị này cũng nêu rõ bộ sẽ tiếp tục chủ động nghiên cứu, tham mưu các cấp có thẩm quyền trên cơ sở điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước để triển khai thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo tinh thần của nghị quyết số 27 vào thời điểm phù hợp theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị.

* Cô giáo Bùi Thị Nhài (giáo viên trung học cơ sở ở Hưng Yên): Mong tăng lương từ đầu năm 2023

Tôi vào biên chế ngành từ năm 2014. Hiện nay tôi dạy môn văn, mức lương đang ở bậc 3 cao đẳng sư phạm là hơn 4 triệu đồng cộng với phụ cấp đứng lớp 30% thì tổng thu nhập hằng tháng khoảng 5,1 triệu đồng/tháng. So với nhiều bạn bè làm doanh nghiệp ở ngoài, mức lương của tôi thấp hơn nhiều. Tôi phải làm thêm một số việc kinh doanh khác để kiếm thêm thu nhập chứ lương giáo viên không đủ sống.

Đợt này Chính phủ đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng không chỉ tôi mà nhiều thầy cô giáo khác đều rất mong chờ. Chúng tôi cũng mong Quốc hội, các cơ quan xem xét nếu được thực hiện tăng lương sớm hơn, có thể vào ngay đầu năm 2023.

* Ông H.Đ.K. (phó chủ tịch UBND xã ở ngoại thành Hà Nội): Lương của tôi không bằng công nhân

Tôi được tuyển dụng vào làm việc ở UBND xã từ năm 2003. Sau gần 20 năm làm việc, hiện nay tôi đang là phó chủ tịch UBND xã và hưởng hệ số lương 3,99. Hệ số này nhân với mức lương cơ bản là 1,49 triệu đồng sẽ ra thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng. Nếu nhìn nhận về tổng thu nhập thì lương của chúng tôi không thể bằng công nhân hay người phụ hồ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại