Dẹp cà phê đường tàu: Không phát triển du lịch bằng mọi giá

Trung Nguyên |

Khi được hỏi về những nguy hiểm từ các quán cà phê đường tàu, nhiều người dân Thủ đô đều bày tỏ sự lo ngại, bởi chưa có tai nạn xảy ra ở đây nhưng không đồng nghĩa với an toàn tuyệt đối. Do vậy, việc đóng cửa loại hình kinh doanh này nhận được nhiều ý kiến đồng tình.

Hiện đã có nhiều quán kinh doanh cà phê và nước giải khát trên tuyến “phố đường tàu” (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đóng cửa. Phía bên ngoài hàng rào được dựng lên những chiếc barie, nhiều khách du lịch quốc tế bất ngờ vì không được vào chụp ảnh, còn người dân địa phương - nhất là chủ hộ kinh doanh thì tiếc nuối; không khí ở đây không còn nhộn nhịp như trước.

Người kinh doanh tiếc nuối

Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Mai Anh (một trong những người đầu tiên kinh doanh cà phê ngay sát tuyến đường tàu) cho biết, phần lớn cư dân ở đây là nhân viên của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, được cơ quan phân về khu tập thể đường sắt từ thời những năm 1980 trở về trước. Ngày ấy, nhiệm vụ của những nhân viên này là duy trì an ninh dọc tuyến đường sắt cho tàu chạy thông suốt. Sau này, những cán bộ công nhân viên này định cư tại đây và lập gia đình, sinh con đẻ cái, mưu sinh ngay sát hành lang an toàn đường tàu.

Cũng theo bà Mai Anh, hai bên tuyến phố khang trang như vậy cũng là do người dân địa phương tự bỏ tiền cùng nhau vệ sinh sạch sẽ, khách du lịch rất thích đến đây, nhất là ngày cuối tuần. Từ thứ 2 đến thứ 6, ban ngày không có tàu chạy. Thứ 7 và chủ nhật có nhiều chuyến tàu chạy hơn, giờ tàu chạy cũng được người dân nắm rõ và có biển thông báo.

Video phóng viên ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp về hoạt động kinh doanh cà phê đường tàu:

“Quy định cấm thì chúng tôi chấp hành, tuy nhiên chúng tôi cần được giải quyết các kiến nghị. Nếu đã cấm thì phải cấm triệt để, cứ cấm xong một thời gian lại “bung” ra cho làm. Khi người dân mua sắm, đầu tư, nâng cấp hạ tầng để đón khách thì lại cấm… Dân không đảm bảo cuộc sống được. Nếu xác định cấm thì nên có quyết định di dời các hộ dân, bên cạnh đó là có phương án hỗ trợ để chúng tôi an cư lập nghiệp”, bà Mai Anh bày tỏ.

Mong muốn được giữ lại mô hình kinh doanh này, anh N.V.T (chủ quán cà phê đường tàu trên phố Phùng Hưng) chia sẻ: "Trong khi Hà Nội đang nỗ lực thu hút khách du lịch đến Thủ đô thì việc tạo ra những điểm đến đặc sắc, được du khách hưởng ứng cần được duy trì. Không nên cứng nhắc, cấm đoán... mà cần phải có phương án quản lý tốt hơn".

Cùng chung quan điểm trên, anh Lê Anh Tuấn, chủ một quán cà phê ngay sát đường tàu (đoạn đi qua phố Cửa Nam) cho biết, việc đóng cửa quán cà phê cũng làm mất đi kế sinh nhai của nhiều người dân. Anh Tuấn cho rằng ít có tai nạn xảy ra bởi cả ngày chỉ có 1 hoặc 2 chuyến tàu qua đây, giờ tàu chạy cũng đã có thông báo rõ ràng, các hộ kinh doanh đều bố trí người nhắc nhở du khách.

"Tôi nghĩ cần có cơ chế quản lý linh động hơn, quy định khung giờ đóng và mở cửa. 21 giờ tàu chạy thì yêu cầu các quán cà phê đóng cửa trước 21 giờ, chứ không thể đóng cửa cả ngày được. Giữa tuần tàu bắt đầu chạy từ lúc 21h đêm, vì sao bắt chúng tôi đóng cửa cả ngày?", anh Tuấn cho hay.

Có nên phát triển cà phê đường tàu như một sản phẩm du lịch?

Dù biết rõ những nguy cơ về an toàn hành lang đường sắt, cũng như cơ quan chức năng đã cắm biển cảnh báo, nhưng nhiều người vẫn bất chấp nguy hiểm khi cố tình tạo dáng, thậm chí nằm lăn ra giữa thanh ray để chụp ảnh. Nói về vấn đề này, một chủ quán trên phố Trần Phú cho hay, quán kê bàn, ghế cho khách ngồi uống cà phê ở trong nhà, mỗi khi tàu đến, quán còn giăng xích sắt ngang cửa đề phòng khách cố nhoài ra ngoài để chụp ảnh.

Tất nhiên không phải quán nào cũng căng xích xác định vị trí cho du khách chụp ảnh. Bà Nông Ngọc Thanh, người dân sinh sống lâu năm tại phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm cho rằng, các quán cà phê này khá nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Lỡ có tai nạn, chưa biết ai sẽ là người chịu trách nhiệm. Cứ bảo tàu đến thì chủ quán gọi khách vào, nhưng một người có thể quản lý nổi bao nhiêu khách?

Dẹp cà phê đường tàu: Không phát triển du lịch bằng mọi giá - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng tuyên truyền đến du khách quốc tế về dừng hoạt động cà phê đường tàu.

Theo các chuyên gia, cà phê đường tàu đi qua 3 quận trung tâm của TP Hà Nội (quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và Đống Đa) là điểm thu hút du khách du lịch. Tuy nhiên việc lượng lớn khách đổ về tuyến phố này để chụp ảnh luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Do vậy các chuyên gia cho rằng việc thành lập hàng rào để tránh việc đi lại trên đường tàu là một giải pháp hạn chế tai nạn, đồng thời phải có tính toán bền vững để đảm bảo sự an toàn của người dân.

Ông Phạm Văn Hà, Bí thư Chi bộ Khu dân cư số 5, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa tỏ ra băn khoăn vì chưa rõ mức độ đóng góp của các cửa hàng ở đây đem lại nguồn thu thế nào cho ngân sách, nhưng theo quy định pháp luật, loại hình kinh doanh này là tự phát, không chỉ vi phạm an toàn giao thông, trật tự xã hội, mà cũng chưa có cơ sở để được coi là phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế.

Cũng theo ông Phạm Văn Hà, việc có ý kiến nào đó của du khách nước ngoài muốn “gìn giữ” hay “phát triển” thực chất chỉ là suy luận, cảm nhận mang tính hiếu kỳ dựa trên sự thú vị nhất thời. Nhìn tổng thể, mô hình này chỉ đem lại lợi ích cho một bộ phận rất nhỏ cư dân khu vực đó. Nhưng vì nó thu hút đông người dân từ các vùng miền khác, thì tự nó đã tiềm ẩn hệ lụy khó lường, nếu không ngăn chặn sẽ tạo ra tiền lệ tiêu cực.

Bày tỏ quan điểm rõ ràng, ông Phạm Văn Hà nhấn mạnh, bất kỳ hành vi nào ảnh hưởng đến hành lang an toàn đều phạm luật. Do vậy, không thể vì sở thích ưa mạo hiểm của một số người mà đánh tráo khái niệm, cho đó là nét văn hóa đặc sắc, thu hút du khách quốc tế, phát triển du lịch.

Dẹp cà phê đường tàu: Không phát triển du lịch bằng mọi giá - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm cho rằng 100% các hộ đang kinh này đang vi phạm hành lang an toàn đường sắt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.

Liên quan đến việc siết chặt quản lý mô hình này, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm cho rằng: Những hành vi đi lại, thậm chí nằm trên đường ray để chụp ảnh không chỉ tiềm ẩn nguy hiểm mà còn là hình ảnh xấu, ảnh hưởng quá trình tuyên truyền pháp luật. Hiện, UBND phường Hàng Bông đã phối hợp với các phường có đường sắt đi qua thành lập tổ công tác chung nhằm rà soát toàn bộ quán “cà phê đường tàu” trên địa bàn, yêu cầu ký cam kết dừng kinh doanh vì sự an toàn, sức khỏe, tính mạng của chính người dân, du khách. Lực lượng chức năng sẽ làm việc 3 ca để tránh tình trạng các cửa hàng mở bán sai quy định.

Trước đó vào ngày 15/9, trả lời phỏng vấn báo Tin tức, ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã khẳng định, quận Hoàn Kiếm không đánh đổi sự an toàn của người dân với bất kể lợi ích kinh tế nào. Bên cạnh đó, quận Hoàn Kiếm cũng đã chỉ đạo UBND các phường Hàng Bông, Cửa Nam, Cửa Đông ra quân tuyên truyền và quán triệt rõ ràng với người dân và du khách. Về hướng ngăn chặn tái diễn vi phạm, quận sẽ nghiên cứu thêm các đề án gắn với tuyến đường sắt để tạo điểm nhấn về du lịch, nhưng vẫn phải trên cơ sở đúng quy định pháp luật và đảm bảo sự an toàn tính mạng cho nhân dân.

Giải pháp nào cho cà phê đường tàu?

Chia sẻ từ ông Trần Cao Thắng, Trưởng ban An ninh - An toàn Giao thông Đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho thấy một góc nhìn khác: Các lái tàu mỗi lần chạy tàu qua đây đều căng thẳng, phải kéo còi liên tục do lo ngại xảy ra va chạm giao thông. Trước khi tàu chạy qua khoảng 10 phút, cả khu phố bỗng nhốn nháo bởi tiếng còi ầm ĩ, những người ngoài đường ray chạy vội vào quán để tránh tàu… Rồi khách du lịch với điện thoại, máy ảnh trên tay cùng hướng về đoàn tàu một cách háo hức, từ lúc xuất hiện cho đến khi rời đi, mà dường như mọi người đã quên đi mối hiểm họa khi khoảng cách tàu sắt chạy lướt cách người chưa đầy 1 mét.

Dẹp cà phê đường tàu: Không phát triển du lịch bằng mọi giá - Ảnh 4.

Hà Nội quyết liệt trong việc dừng hoạt động cà phê đường tàu.

Theo Trưởng ban An ninh - An toàn Giao thông Đường sắt VNR, muốn giữ loại hình kinh doanh này, cần thành lập một một ban quản lý; thường xuyên phân công cử người cầm còi, phất cờ báo hiệu cảnh giới khách giữ cự ly an toàn. Bên cạnh đó cần sự phối hợp thông tin giữa nhà ga và khu phố để thông tin giờ tàu chạy; có sự quản lý giám sát chặt chẽ của chính quyền sở tại. Và đặc biệt là luôn rà soát các quán cà phê không đủ điều kiện đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho khách, không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm và chấp hành không tốt quy định về kinh doanh để chấn chỉnh kịp thời.

Cũng phải nhấn mạnh rằng, VNR chính là đơn vị gửi văn bản kiến nghị UBND TP Hà Nội và Cục Đường sắt Việt Nam xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán, chụp ảnh tại các tụ điểm cà phê đường tàu gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường sắt. Đại diện của VNR khẳng định, loại hình kinh doanh này vi phạm nghiêm trọng đến hành lang an toàn đường sắt, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người dân, khách du lịch.

Ủng hộ đề nghị của VNR, TS. Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, quy định về đường sắt nêu rõ khoảng cách tối thiểu của hành lang bảo vệ là 3m. Với các tuyến đường sắt đang khai thác, bất kỳ hành vi nào ảnh hưởng đến hành lang an toàn này đều phạm luật. Khách du lịch có thể thấy lạ vì tò mò, nhưng việc mở quán cà phê hay buôn bán gần đường ray khó có thể xem là một nét văn hóa.

Do vậy, TS. Đào Ngọc Nghiêm đồng tình với việc dẹp bỏ, đóng cửa các hàng quán, cà phê hoạt động vi phạm hành lang an toàn đường sắt. Bởi không thể vì mục tiêu kinh tế mà bỏ qua sự an toàn cho du khách.

An toàn tính mạng cho người dân là trên hết

Đây không phải là lần đầu tiên VNR đặt ra vấn đề vi phạm hành lang an toàn đường sắt tại phố cà phê đường tàu. Trước đó, đã nhiều lần các cơ quan quản lý đường sắt và chính quyền địa phương vào cuộc xử lý. Cao điểm trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 vừa qua, quận Hoàn Kiếm đã tiếp nhận thông tin, có nhiều giải pháp, từ tuyên truyền vận động đến xử lý các hộ kinh doanh ở đây, kể cả với khách vi phạm an toàn hành lang đường sắt nên hiện tượng này đã giảm đi rất nhiều. Sau dịch bệnh, khi khách du lịch phục hồi trở lại thì dịch vụ này cũng tự phát theo.

Trao đổi với báo chí, Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, Phó Trưởng Công an phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm cho biết, để đảm bảo an toàn tuyến phố này, Công an phường thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm của các hộ dân kinh doanh. Về phía khách du lịch, do chủ yếu du khách vi phạm là người nước ngoài nên cũng ít nhiều gây khó khăn trong công tác vận động, nhắc nhở.

Trước nhiều ý kiến cho rằng, trong khi Hà Nội đang nỗ lực thu hút khách du lịch đến Thủ đô thì việc tạo ra những điểm đến đặc sắc, được du khách hưởng ứng cần được duy trì và quản lý tốt. Phố cà phê đường tàu có tên ở nhiều trang tin du lịch thế giới, được khách nước ngoài tìm đến rất đông. Tuy vậy, ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định đặt vấn đề an toàn cho tính mạng của nhân dân lên trên hết.

Dẹp cà phê đường tàu: Không phát triển du lịch bằng mọi giá - Ảnh 5.

Không khí trầm lắng tại phố cà phê đường tàu sau lệnh cấm.

Dẹp cà phê đường tàu: Không phát triển du lịch bằng mọi giá - Ảnh 6.

Hàng loạt hộ dân đã chấp hành việc dừng kinh doanh.

Dẹp cà phê đường tàu: Không phát triển du lịch bằng mọi giá - Ảnh 7.

Hành lang an toàn đường sắt giữa nhà dân và tàu chạy qua rất hẹp..

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, lãnh đạo địa phương nhận thức rất rõ việc giải quyết trật tự đô thị và an toàn giao thông đường sắt khu vực phố đường tàu là trách nhiệm của chính quyền cơ sở, của quận Hoàn Kiếm và các phường liên quan. Trước khi cơ quan quản lý đường sắt và UBND TP Hà Nội chỉ đạo, quận đã triển khai nhiều giải pháp xử lý, đặc biệt đã tổ chức rào chắn để ngăn du khách vào check-in, tránh gây mất an toàn đường sắt. Việc kinh doanh tại đây có phát sinh dịch vụ cà phê giải khát, trở thành điểm check-in cho du khách là vi phạm an toàn hành lang đường sắt, cần phải giải quyết triệt để.

“Chúng tôi trân trọng, ghi nhận những kiến nghị của nhân dân mang tính xây dựng giúp quận Hoàn Kiếm thu hút khách du lịch nhiều hơn và đây là một trong những chỉ tiêu Hoàn Kiếm hết sức quan tâm. Tuy nhiên, về xử lý vi phạm thì quan điểm của quận là xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật; không đánh đổi tính mạng của người dân để lấy kinh tế", Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định.

Hiện nay, để có được một sản phẩm du lịch với sức thu hút khách thường xuyên như mô hình cà phê đường tàu tại Hà Nội vốn đã khó, nhưng rõ ràng, để quản lý đảm bảo hài hoà lợi ích và đúng quy định pháp luật càng khó hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại