Ngoại trưởng Blinken: Mỹ sẽ bảo vệ Philippines nếu bị tấn công ở Biển Đông

Thái An |

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vừa đảm bảo với Philippines rằng Mỹ sẽ bảo vệ Philippines nếu nước này bị tấn công ở Biển Đông, nhằm giảm mức độ lo ngại của Manila về mức độ cam kết của Washington đối với hiệp ước phòng thủ chung, CNN đưa tin ngày 7/8.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Phủ tổng thống Philippines ở Manila để gặp Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. ngày 6/8. Ảnh: Getty Images.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Phủ tổng thống Philippines ở Manila để gặp Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. ngày 6/8. Ảnh: Getty Images.

Trong các cuộc hội đàm, hội kiến ngày 6/8 ở Manila trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng sau chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, Ngoại trưởng Antony Blinken nói rằng, hiệp ước phòng thủ 70 năm tuổi với Philippines là một sự bảo đảm chắc chắn.

Đến nay, Ngoại trưởng Blinken là quan chức cấp cao nhất của Mỹ gặp gỡ tân Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., con trai của vị cố tổng thống mà Washington đã giúp đỡ chạy sang Hawaii lưu vong trong cuộc nổi dậy “nhân dân quyền lực” năm 1986 kết thúc hai thập kỷ cầm quyền của ông.

Ông Blinken nói trong một cuộc họp báo: “Một cuộc tấn công vũ trang vào các lực lượng vũ trang, máy bay và tàu thuyền công của Philippines sẽ kích hoạt các cam kết phòng thủ chung của Mỹ theo hiệp ước. Philippines là bạn, là đối tác và đồng minh không thể thay thế của Mỹ”.

Trong phát biểu mở đầu với Ngoại trưởng Blinken, Tổng thống Marcos nói rằng ông tin chuyến đi của bà Pelosi “không làm tăng cường độ” của tình hình eo biển Đài Loan vốn đã biến động.

Philippines là điểm nóng trong sự cạnh tranh địa - chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc và Tổng thống Marcos phải đối mặt khó khăn, thách thức trong việc cân bằng mối quan hệ giữa hai cường quốc.

Mối quan hệ Mỹ-Philippines đã bị lung lay bởi những lời lẽ “lúc bổng lúc trầm” của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte đối với Trung Quốc và những luận điệu chống Mỹ nổi tiếng của ông, bao gồm lời đe dọa hạ cấp quan hệ quân sự.

Ông Marcos đã không đến Mỹ trong hơn một thập kỷ qua; ông từ chối tuân thủ phán quyết của một tòa án Hawaii. Năm 1995, tòa yêu cầu gia đình Marcos trả lại 2 tỷ USD tài sản nhà nước bị mất đến tay những nạn nhân dưới sự lãnh đạo của bố ông. Ông và mẹ mình còn phải đối mặt khoản tiền phạt 353 triệu USD.

Hôm 6/8, Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mời Tổng thống Marcos đến Washington và hai bên đang làm việc cho chuyến thăm. Ngoại trưởng Philippines nói rằng Mỹ là một đồng minh quan trọng, nhưng liên quan đến Đài Loan (Trung Quốc) gần đó, ông nói với ông Blinken rằng Philippines “trông chờ vào các cường quốc để giúp làm dịu vùng biển”. Ông Manalo nói: “Chúng tôi không thể chịu được bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào nữa”.

 Ngoại trưởng Blinken: Mỹ sẽ bảo vệ Philippines nếu bị tấn công ở Biển Đông  - Ảnh 2.

Lực lượng đặc nhiệm Philippines và Mỹ nhảy dù từ máy bay vận tải KC-130J trong một cuộc tập trận bắn đạn thật ở Philippines. Ảnh: Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ/Nikkei


Hải quân Mỹ sẽ trở lại căn cứ quân sự Subic?

Theo một thỏa thuận thương mại được ký kết gần đây giữa Chính phủ Philippines, thông qua Cơ quan Quản lý đô thị Vịnh Subic (SBMA) và công ty Cerberus Capital Management có trụ sở tại Mỹ, Hải quân Mỹ có thể quay trở lại một nhà máy đóng tàu cũ bị bỏ hoang bởi Hanjin Heavy Industries & Construction-Philippines sau khi công ty này phá sản vào năm 2019, báo Philippines Philstar đưa tin. Công ty Hàn Quốc Hanjin Heavy Industries & Construction thành lập Hanjin Heavy Industries & Construction-Philippines vào năm 2006.

Theo nhiều nguồn tin, công ty Mỹ đã mua nhà máy đóng tàu cũ ở vịnh Subic với giá 300 triệu USD. Trước đó, có thông tin cho rằng 2 doanh nghiệp Trung Quốc cũng muốn mua nhà máy này. “Cơ sở được điều hành bởi các nhà thầu. Tôi chưa thấy kế hoạch cho lực lượng thường trực của Mỹ ở đó, ngoài nhân viên liên lạc”, một nguồn tin nói.

“Tôi biết quân đội Mỹ đã cử một số nhân viên đến khảo sát Subic và xác định một khu vực mà họ dự định đặt kho vật tư và thiết bị”, một sĩ quan Philippines nói. Theo đó, hợp đồng kho hàng là cung cấp vật tư cứu trợ thiên tai cũng như vật tư quân sự nhưng công việc thực tế hoàn toàn thuộc về các nhà thầu dân sự.

Một nguồn tin khác từ quân đội Philippines cho biết, quân đội Mỹ cũng quan tâm đến việc thiết lập một trung tâm hậu cần để chuẩn bị vật tư, thiết bị được sử dụng trong các cuộc tập trận quân sự hằng năm càng lúc càng tăng sau khi cựu Tổng thống Duterte có ý định chấm dứt Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng vào năm 2020.

Một công ty đóng tàu của Úc và một công ty hậu cần của Nhật Bản cũng bày tỏ mong muốn được chuyển đến nhà máy đóng tàu cũ của Hàn Quốc.

Thỏa thuận với Cerberus là một hợp đồng 25 năm có thể tạo ra hàng chục nghìn việc làm ở Subic để thay thế lực lượng lao động bị thay thế do Hanjin đóng cửa. Thỏa thuận được chính thức công bố bởi Đại sứ Philippines tại Mỹ, Jose Manuel Romualdez, người đã tổ chức tiệc chiêu đãi hồi tháng 4 để kỷ niệm quan hệ song phương bền chặt với Washington.

Ông Romualdez nói: “Việc hoàn thành nhà máy đóng tàu vịnh Subic sẽ mang lại lợi ích cho đất nước, mang lại công ăn việc làm cho cộng đồng địa phương, tăng cường hoạt động kinh tế và đồng thời củng cố các biện pháp an ninh chiến lược của chúng tôi. Làm việc với Mỹ trong dự án này sẽ giúp đảm bảo rằng chúng tôi có thể bảo vệ lợi ích của chúng tôi không chỉ cho đất nước của chúng tôi mà cho cả khu vực”. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana và Bộ trưởng Tài chính Philippines Carlos Dominguez đã chứng kiến ​​việc ký kết thỏa thuận với SBMA.

 Ngoại trưởng Blinken: Mỹ sẽ bảo vệ Philippines nếu bị tấn công ở Biển Đông  - Ảnh 4.

Các sĩ quan Hải quân Philippines đứng cạnh tàu tàu khu trục được triển khai tại một căn cứ hải quân mới ở Vịnh Subic ngày 24/5. Ảnh: Hải quân Philippines/Kyodo.


Mỹ có hai cơ sở quân sự lớn nhất ở nước ngoài, Căn cứ Hải quân vịnh Subic và Căn cứ Không quân Clark ở Philippines cho đến đầu những năm 1990. Chúng đã bị đóng cửa sau khi Quốc hội Philippines bỏ phiếu chấm dứt hợp đồng thuê vào cuối Chiến tranh Lạnh. Sau khi lực lượng Mỹ rút đi, cả hai địa điểm này đã được chuyển đổi thành các cảng và khu đầu tư tự do. Trước khi hết nhiệm kỳ, ông Duterte nói rằng, sẵn sàng cho phép các lực lượng Mỹ sử dụng các căn cứ ở Philippines nếu cuộc khủng hoảng ở Ukraine lan sang châu Á.

Quân đội Mỹ đã xây dựng một thỏa thuận với Philippines vào năm 2014 để tăng cường hợp tác quốc phòng. Quân đội Mỹ được phép xây dựng các cơ sở bên trong các căn cứ của Philippines, mở đường cho việc Mỹ trở lại đóng quân tại Philippines.

Vài năm qua, Hải quân Mỹ đã sử dụng vịnh Subic làm cảng đổ bộ khi tiến hành các cuộc tập trận chung với Hải quân Philippines. Một số lượng nhỏ tàu Hải quân Philippines đã đóng tại cảng thương mại kể từ khi chính quyền cảng đồng ý cho Hải quân Philippines thuê miễn phí một phần cảng vào năm 2015.


Mới đây, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. nói rằng mặc dù Philippines và Mỹ đã có mối quan hệ “rất bền chặt và rất thuận lợi” trong nhiều năm, ông cũng có ý định duy trì liên lạc với Trung Quốc về tranh chấp biển đảo . “Tôi không chấp nhận suy nghĩ cũ về Chiến tranh Lạnh nơi chúng ta có phạm vi ảnh hưởng. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải có chính sách đối ngoại độc lập, nơi chúng ta là bạn của tất cả mọi người. Đó là cách duy nhất”, ông nói.

Manila đương đầu Bắc Kinh

Theo báo Philippines Inquirer và hãng tin Nhật Bản Kyodo, cuối tháng 5, Philippines bắt đầu sử dụng vịnh Subic trông ra Biển Đông làm căn cứ hải quân. Một trong hai khinh hạm mang tên lửa dẫn đường của Hải quân Philippines đã được triển khai tại căn cứ mới vào cuối tháng 5, khoảng 30 năm sau khi Hải quân Mỹ rút khỏi khu vực chiến lược cách thủ đô Manila khoảng 80 km về phía tây.

Căn cứ này nằm trên khu đất rộng khoảng 100 ha của một nhà máy đóng tàu được công ty Mỹ Cerberus Capital Management LP mua và cho hải quân thuê. Có thể quân đội Mỹ sẽ tìm cách sử dụng chung cơ sở này, nằm bên kia vịnh so với vị trí của căn cứ hải quân cũ của Mỹ.

Trong khi đó, lực lượng Không quân Philippines có kế hoạch đặt máy bay tại Sân bay Quốc tế vịnh Subic để theo dõi và ứng phó với các tranh chấp trên biển, theo một quan chức cảng vịnh Subic. Sân bay từng là một phần của căn cứ Mỹ. Sau khi Mỹ rút quân vào tháng 11/1992, căn cứ hải quân cũ đã được biến thành một cảng rộng lớn được gọi là Subic Bay Freeport.

Nhưng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở các vùng biển gần đó, nơi Manila và Bắc Kinh đang tranh chấp lãnh thổ, người ta đã đánh giá cao tầm quan trọng chiến lược của vịnh. Ông Rolen Paulino, lãnh đạo SBMA (cơ quan giám sát cảng), nói rằng vịnh Subic đã trở nên “quan trọng hơn” do “vị trí chiến lược” của nó. Ông Paulino cho biết, phần còn lại của hạm đội Hải quân có thể di chuyển vào căn cứ “trong năm 2022”.

Ông Paulino nói rằng ông hoan nghênh các chuyến ghé cảng của các tàu Hải quân Mỹ và Nhật Bản. Theo ông, sự hiện diện của Hải quân Mỹ trong khu vực sẽ giúp giữ cân bằng vì Hải quân Philippines không thể sánh với Hải quân Trung Quốc - lực lượng đang trở nên mạnh mẽ hơn.

 Ngoại trưởng Blinken: Mỹ sẽ bảo vệ Philippines nếu bị tấn công ở Biển Đông  - Ảnh 6.

Đường băng của Trạm Hàng không Hải quân Mỹ Cubi Point ở rìa Căn cứ hải quân vịnh Subic ngày 6/2/1988. Ảnh: Wikipedia.


Theo Zharrex Santos, một quan chức phụ trách hoạt động tại sân bay Subic Bay, vào tháng 2, cảng vụ đã ký thỏa thuận với Bộ Quốc phòng Philippines để “khoanh vùng” một phần sân bay làm căn cứ tiền phương của lực lượng không quân. Ông nói, sân bay cho phép rút ngắn thời gian đáp ứng vì nó gần “hơn hai phút” bằng đường hàng không đến các khu vực tranh chấp ở Biển Đông so với Căn cứ Không quân Basa ở tỉnh Pampanga, phía tây bắc Manila.

Cuối tháng 5, một hạm đội Philippines đã chuyển tới địa điểm mới tại Nhà máy đóng tàu Hanjin ở Subic. Hải quân giành được bến cảng chiến lược lý tưởng cho các tàu hạm đội lớn. Căn cứ mới hỗ trợ các dịch vụ cơ sở cần thiết cho các tàu mớn nước sâu như khinh hạm lớp Jose Rizal, tàu tuần tra lớp Del Pilar và tàu đổ bộ lớp Tarlac. Căn cứ mới được kích hoạt sẽ chứa các đơn vị thủy quân lục chiến chọn lọc, các cơ sở bảo dưỡng và bổ sung.

Hàng nghìn lính Mỹ luân phiên đồn trú tại Philippines

Mối quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines dựa trên 3 trụ cột chính. Một là, Hiệp ước Phòng thủ chung ký năm 1951, quy định hai bên sẽ bảo vệ nhau trong trường hợp một bên bị lực lượng nước ngoài tấn công. Hai là, Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng được ký năm 1998, có hiệu lực từ năm 1999. Ba là, Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng ký năm 2014, cho phép quân đội Mỹ sử dụng 5 căn cứ quân sự trên lãnh thổ Philippines.

Ba thỏa thuận này là cơ sở pháp lý để hàng nghìn quân nhân Mỹ cùng nhiều vũ khí, khí tài được đồn trú luân phiên tại Philippines, cho phép quân đội hai nước tổ chức huấn luyện quân sự, tập trận chung thường niên, hỗ trợ nhân đạo… Mỗi năm quân đội Mỹ có khoảng 300 hoạt động như vậy tại Philippines.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại