Philippines chấm dứt thảo luận thăm dò dầu khí với Trung Quốc

Xuân Mai |

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr. hôm 23-6 cho biết Tổng thống Rodrigo Duterte đã ra lệnh chấm dứt các cuộc thảo luận thăm dò dầu khí chung của Philippines với Trung Quốc.

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr. cho biết các cuộc thảo luận thăm dò dầu khí chung của Philippines với Trung Quốc đã chấm dứt. Ảnh: AP

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr. cho biết các cuộc thảo luận thăm dò dầu khí chung của Philippines với Trung Quốc đã chấm dứt. Ảnh: AP

Ông Locsin cho hay Philippines đã từ bỏ thỏa thuận do các ràng buộc về hiến pháp và vấn đề chủ quyền của đất nước. Ông Locsin phát biểu tại lễ kỷ niệm 124 năm thành lập Bộ Ngoại giao: "Tổng thống đã phát biểu. Tôi thực hiện các chỉ đạo của tổng thống. Các cuộc thảo luận về thăm dò dầu khí chấm dứt hoàn toàn. Không còn hạng mục nào trong trạng thái chờ. Mọi thứ đã kết thúc".

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines nhấn mạnh: "3 năm trôi qua và chúng ta đã không đạt được mục tiêu của mình, việc phát triển các nguồn tài nguyên dầu khí rất quan trọng đối với Philippines nhưng không thể trả giá bằng chủ quyền".

Nhiều người cho rằng một số khu vực ở vùng biển phía Tây Philippines rất giàu trữ lượng dầu và khí đốt. Tuy nhiên, do vấp phải yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông, việc nghiên cứu và phát triển theo kế hoạch của Philippines ở vùng biển tranh chấp chưa thể thành hiện thực.

Ông Locsin cho biết phía Philippines đã cố gắng trong 3 năm để đi đến một thỏa thuận, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thăm dò khai thác dầu và khí đốt ở vùng biển phía Tây.

Ông Locsin lý giải: "Chúng ta đã đi xa nhất có thể về mặt hiến pháp. Tiến thêm một bước nữa, chúng ta có thể đứng trên bờ vực rơi vào khủng hoảng hiến pháp".

Vào tháng 11-2018, Philippines và Trung Quốc đã ký một biên bản ghi nhớ (MOU), trong đó cả hai chính phủ đồng ý thành lập một ủy ban chỉ đạo chung liên chính phủ để xem xét khả năng hợp tác năng lượng. Biên bản ghi nhớ cũng quy định rằng mỗi nhóm công tác từ hai nước sẽ bao gồm đại diện từ các doanh nghiệp được chính phủ hai nước ủy quyền.

Ông Locsin, người sắp mãn nhiệm, cho biết quyền quyết định giờ đây thuộc về chính quyền Tổng thống đắc cử Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr. Theo nhà ngoại giao hàng đầu Philippines, việc nhượng bộ bất kỳ phần lãnh thổ nào thuộc chủ quyền của Philippines đều không phải là lựa chọn.

Theo GMA News, Philippines đã gửi hơn 300 công hàm ngoại giao phản đối đến Trung Quốc về cáo buộc liên tục xâm phạm chủ quyền. Hồi năm 2016, Toà Trọng tài thường trực (PCA) ở Hà Lan bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh nhiều lần không công nhận phán quyết trên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại