Thủ tướng Anh Johnson trước nguy cơ mất quyền lực do nội bộ phản đối

Trung Hiếu |

Thủ tướng Anh Boris Johnson đang phải vật lộn bảo đảm sự sống còn về chính trị của bản thân sau khi một số bộ trưởng Anh đột ngột từ chức để phản đối cách thức cầm quyền và điều hành của ông.

Thủ tướng Anh Johnson. Ảnh: New Yorker.

Thủ tướng Anh Johnson. Ảnh: New Yorker.

Liên tiếp 3 vị bộ trưởng trong nội các ông Johnson từ chức

Cụ thể Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Bộ trưởng Y tế Sajid Javid ngày 5/7 đã lần lượt đệ đơn từ chức (chỉ sau nhau vài phút) lên Thủ tướng Johson. Hành động này của các vị bộ trưởng là nhắm vào năng lực của ông Johnson trong điều hành chính quyền tuân thủ các chuẩn mực.

Thủ tướng Johnson đã nhanh chóng bổ nhiệm cựu doanh nhân và hiện giờ là Bộ trưởng Giáo dục Anh Nadhim Zahawi làm tân Bộ trưởng Tài chính. Trong khi đó, ông Steve Barclay được chỉ định vào vị trí Bộ trưởng Y tế.

Động thái này được cho là thể hiện quyết tâm của ông Johnson tiếp tục tại vị.

Hai vụ từ chức xảy ra khi ông Johnson đang xin lỗi về việc chỉ định một nhà lập pháp vào vai trò liên quan đến mục vụ cho đảng của ông (đảng Bảo thủ), ngay cả sau khi ông đã được thông báo rằng chính trị gia đó bị cáo buộc có các hành vi sai trái về tình dục.

Theo thông tin mới nhất, Will Quince - Bộ trưởng phụ trách gia đình và trẻ em của Anh cùng vừa từ chức.

Hiện các nhân vật cao cấp khác vẫn dành sự ủng hộ cho ông Johnson. Ngoại trưởng Liz Truss, được xem là ứng viên hàng đầu để thay thế ông Johnson, cũng tuyên bố bà “hậu thuẫn 100% cho Thủ tướng”.

Ngoài 3 bộ trưởng từ chức nói trên, còn có 4 nghị sĩ khác từ bỏ các vị trí nhỏ trong chính quyền.

Nhiều vụ scandal

Thời gian qua, Thủ tướng Johnson đã trải qua nhiều chỉ trích về thông tin ông dự tiệc tùng ngay tại nơi ở và văn phòng của mình ở Phố Downing (London) vi phạm quy định về phong tỏa ngừa Covid-19 và ông đã bị cảnh sát phạt tiền vì chuyện đó.

Ngoài ra, Thủ tướng Johnson còn bị phê phán vì bảo vệ một nghị sĩ khác đã vi phạm các quy định về vận động hành lang. Ông cũng bị công kích vì đã không nỗ lực ở mức cần thiết nhằm xử lý cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt mà nhiều người Anh đang phải đương đầu trong bối cảnh giá nhiên liệu và giá lương thực tăng cao.

Giới kinh tế học cho rằng nước Anh đang chuẩn bị khựng lại về đà phát triển kinh tế, thậm chí có thể hứng chịu một đợt suy thoái.

Cả ông Sunak và ông Javid trước đó công khai ủng hộ ông Johnson, nhưng trong đơn từ chức, hai ông đều nói rằng thế là quá đủ rồi.

Trước đó có thông tin cho hay, ông Sunak đã va chạm riêng với Thủ tướng Anh về vấn đề chi tiêu.

Ông Sunak nói: “Đối với tôi, việc từ chức Bộ trưởng Tài chính trong lúc thế giới đang hứng chịu các hậu quả kinh tế của đại dịch, cuộc chiến ở Ukraine và các thách thức nghiêm trọng khác là một quyết định mà tôi không hề xem nhẹ”.

Ông Sunak bổ sung: “Công chúng chờ mong một cách chính đáng rằng chính phủ phải được điều hành một cách đúng đắn, có năng lực và nghiêm túc. Tôi thừa nhận đây có thể là chức vụ bộ trưởng cuối cùng của tôi, nhưng tôi tin các tiêu chuẩn này xứng đáng để chúng ta phấn đấu và đó là lý do tôi từ chức”’.

Ông Sunak được ca ngợi sau khi xử lý tương đối ổn thỏa tình trạng kinh tế hỗn loạn do đại dịch Covid-19 nhưng sau đó danh tiếng của ông đã bị tổn hại khi có các tiết lộ về việc vợ ông đã trốn một số loại thuế ở Anh.

Trong khi đó, ông Javid cho biết nhiều nghị sĩ Anh và công chúng đã mất niềm tin vào năng lực của ông Johnson trong việc quản lý vì lợi ích quốc gia.

Lá thư từ chức của ông Javid có đoạn: “Điều rõ ràng đối với tôi là tình hình sẽ không thay đổi dưới sự lãnh đạo của ngài. Do vậy ngài đã đánh mất sự tín nhiệm của tôi”.

Độ tín nhiệm giảm mạnh, Thủ tướng Johnson liệu có trụ nổi?

Việc từ chức của ông Sunak và Javid diễn ra chỉ vài phút sau khi ông Johnson lên truyền hình xin lỗi về việc bổ nhiệm nghị sĩ Christopher Pincher vào vai trò liên quan đến mục vụ (công việc của mục sư - ND) trong đảng Bảo thủ. Đây là lần mới nhất Thủ tướng Johnson bày tỏ về các lỗi lầm của mình.

Thủ tướng Johnson nói trên truyền hình: “Tôi xin lỗi bất cứ ai đã bị ảnh hưởng tiêu cực vì điều đó. Tôi chỉ muốn nói thật rõ rằng không có chỗ trong chính phủ này cho bất cứ ai làm dụng chức vụ”.

Bản thân ông Pincher cũng đã từ chức vào tuần trước. Việc ông Pincher từ chức đã gây ra một loạt các giải thích thay đổi liên tục từ phía Văn phòng Thủ tướng Anh về những gì Thủ tướng biết về vụ bê bối này.

Trước đó vào ngày 5/7, một cựu quan chức hàng đầu đã tố cáo Văn phòng của Thủ tướng Johnson nói dối. Khi ấy, phát ngôn viên của Thủ tướng đã buộc phải nói rằng nhà lãnh đạo Anh đã được thông báo vắn tắt theo một hình thức nào đó về vụ việc này và sau đó ông… quên mất sự việc đó.

Đối với nhiều người trong đảng cầm quyền (đảng Bảo thủ), một cáo buộc nói dối nữa và việc giải thích bị quên chỉ làm tăng thêm sự bực mình của họ đối với chính quyền của ông Johnson. Một số nghị sĩ cho rằng chính quyền ông Johnson bị tê liệt vì phải xử lý các vụ bê bối.

Một số nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ đang tiếp tục nỗ lực “hạ bệ” Thủ tướng vào thời điểm ông Johnson đã vượt qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm cách đây một tháng.

Một nghị sĩ giấu tên từng trung thành với đảng Bảo thủ tuyên bố: “Ông ta coi như đã xong. Ông ấy không nên kéo dài nỗi đau đớn. Như vậy là thiếu tôn trọng đồng nghiệp, đảng và đất nước của ông ấy”.

Một nghị sĩ khác chia sẻ: “Tất cả đã qua. Tôi sẽ kinh ngạc nếu ông ấy còn tại vị đến hết mùa hè này”.

Tuy nhiên một số vị kỳ cựu trong đảng Bảo thủ cho rằng ông Johnson có thể ở lại và hy vọng cài đặt lại nội các.

Trong khi đó, Thủ lĩnh Công đảng đối lập Keir Starmer cho biết những ai từng hậu thuẫn ông Johnson là đồng lõa với cách quản lý của ông ấy. Ông dự báo, chính phủ của Thủ tướng Johnson sắp sụp đổ./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại