Bộ GD&ĐT: Sách giáo khoa phải được sử dụng lại nhiều lần, nhà xuất bản phải giảm giá thành

Phương Anh |

Trước thắc mắc của phụ huynh về việc tái sử dụng SGK và tăng giá lên 2-3 lần, Bộ GD&ĐT ra chỉ thị mới yêu cầu nhà xuất bản đưa phương án giảm giá thành, chống lãng phí sách cũ.

Sử dụng lâu bền sách giáo khoa 

Chị Nguyễn Thị Hiên (40 tuổi, Hà Nội) có hai con đang học lớp 2 và lớp 7. Năm nào chị cũng phải mua 2 bộ sách theo đơn đăng ký với nhà trường, giá khoảng 600.000 - 800.000 đồng mỗi bộ.

Khi hết năm học, bộ sách này biến thành đống giấy bán đồng nát vì không thể tái sử dụng. “Sách còn rất mới, thậm chí có những cuốn hiếm khi dùng”, chị nói. “Nếu có ai sử dụng, tôi sẽ tặng lại để tiết kiệm chi phí nhưng lớp sau cũng phải mua sách cải cách mới. Vả lại, mỗi nơi sẽ có danh sách sách tự chọn khác nhau hoặc sử dụng bộ sách khác, nên không thể truyền lại cho đàn em”.

Năm học mới chưa bắt đầu, nhưng chị Nguyễn My đã than phiền vì phải trả 896.000 đồng cho bộ SGK lớp 5 của con. “Tôi thấy một bộ sách có giá đó là đắt đỏ, lãng phí”, chị My nói. “Dù biết vậy nhưng vẫn phải “cắn răng” để mua theo gợi ý của nhà trường, vì không biết con có thực sự cần đến nó hay không. Năm nào tôi cũng thấy có quyển sách không học tới, vậy mà vẫn có trong danh mục SGK.”

Bộ GD&ĐT: Sách giáo khoa phải được sử dụng lại nhiều lần, nhà xuất bản phải giảm giá thành - Ảnh 1.

Một phụ huynh đăng danh sách những cuốn trường đề xuất để mua cho con và cho rằng có vài cuốn không cần thiết.

Trước các thắc mắc của phụ huynh học sinh, Bộ GD&ĐT hôm 10/6 ký chỉ thị, yêu cầu các trường học không lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác để học sinh, phụ huynh mua và sử dụng. 

Bộ đồng thời quán triệt không vận động, tư vấn để phụ huynh mua những xuất bản phẩm ngoài sách giáo khoa trong danh mục đã được phê duyệt.

Trong chỉ thị, Bộ yêu cầu các Phòng GD&ĐT, trường học phải tuyên truyền đến giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản SGK; không viết, vẽ vào SGK để có thể sử dụng lại lâu bền. Ngoài ra, cần mua SGK cho các thư viện trường học, tổ chức cho học sinh mượn SGK để học tập, vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách cũ để các lớp sau tiếp tục sử dụng.

Chỉ đạo này của Bộ nhằm chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng SGK, nâng cao tỷ lệ sách giáo khoa được sử dụng lại nhiều lần.

Yêu cầu hạ giá thành trong cơn “bão giá”

Năm 2018, chương trình giáo dục phổ thông mới được thông qua, bắt đầu áp dụng với lớp 1 trong năm học 2020. Đi kèm với chương trình, SGK mới cũng được thiết kế và đưa vào sử dụng. Lần đầu tiên, Việt Nam triển khai "một chương trình, nhiều sách giáo khoa".

Năm 2021, chương trình triển khai với lớp 2 và 6, sau đó là ba lớp 3, 7, 10 (năm 2022), 4, 8 và 11 (2023), cuối cùng là 5, 9, 12 (2024).

Hiện nay, có 5 đơn vị đang biên soạn, xuất bản và phát hành SGK trong nước. Năm học 2020-2021, khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1, giá sách giáo khoa cao hơn 3-4 lần so với sách cũ. 

Năm nay, NXB Giáo dục Việt Nam công khai giá sách các lớp 3, 7, 10, với hai bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo" sử dụng cho năm học 2022-2023, mức giá tiếp tục cao hơn từ hai đến ba lần so với bộ sách hiện hành.

Bộ GD&ĐT: Sách giáo khoa phải được sử dụng lại nhiều lần, nhà xuất bản phải giảm giá thành - Ảnh 2.

Bảng giá sách hai bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo".

Trong quá trình triển khai chương trình mới, Bộ Giáo dục và các nhà xuất bản thường xuyên đối mặt với những chỉ trích về việc SGK không thể tái sử dụng, gây lãng phí lớn và  liên quan đến giá sách cao,…

Về nguyên nhân tăng giá, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, trong phiên thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội hôm 25/5, cho biết các loại sách giáo khoa mới được biên soạn với khổ lớn hơn, giấy tốt hơn. Quy trình từ biên soạn cho đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành là các doanh nghiệp hoàn toàn đảm nhiệm.

“Nếu như so với sách của hệ thống cũ thì chúng ta thấy giá khác nhau. Nhưng nếu so với sách của chương trình mới thì nó đồng đẳng, nên hợp lý hơn. Nếu so với các bộ sách mà nhà nước tổ chức trước đây mà chúng ta nói nó tăng thì sự so sánh đấy nó không tương đồng”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Bộ GD&ĐT: Sách giáo khoa phải được sử dụng lại nhiều lần, nhà xuất bản phải giảm giá thành - Ảnh 3.

Phụ huynh thêm gánh nặng vì giá SGK tăng cao.

Khi biết giá sách sẽ tăng cao, chị Hiên không khỏi hoảng hốt và cảm thấy thêm gánh nặng khi chi phí học tập của con tăng mạnh.

“Giá SGK tăng gấp 2-3 lần, chưa kể sách bồi dưỡng, tham khảo được "gợi ý", cùng với hàng loạt chi phí sinh hoạt tăng theo. Rõ ràng đó là một gánh nặng không hề nhỏ đối với phụ huynh vào đầu năm học. 

Tôi cho rằng, việc nâng cao chất lượng nội dung, chất lượng giấy hay hình thức thể hiện là cần thiết, nhưng ngành giáo dục nên có lộ trình điều chỉnh giá phù hợp bởi SGK là mặt hàng "thiết yếu", bất cứ học sinh nào cũng phải mua”, chị Hiên chia sẻ.

Trước phản ánh của các phụ huynh, trong chỉ thị hôm 10/6, Bộ GD&ĐT yêu cầu nhà xuất bản giảm giá sách giáo khoa. Các nhà xuất bản có sách giáo khoa được phê duyệt phải báo cáo kết quả rà soát, đánh giá và phương án giảm giá thành sách trước khi phát hành hoặc tái bản.

Đồng thời, các nhà xuất bản tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành sách giáo khoa để tiết kiệm, giảm giá thành sách.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại