Cổ động viên đặc biệt U70, 20 năm làm hình linh vật SEA Games

Nguyễn Ngoan |

Về hưu ông Tuấn bắt đầu sống với đam mê bóng đá của mình, 9 mùa SEA Games năm nào ông cũng làm mũ linh vật đi khắp các nước cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam.

Ông Tuấn trước giờ ra sân trận Việt Nam - Indonesia.

Ông Tuấn trước giờ ra sân trận Việt Nam - Indonesia.

20 năm làm mũ linh vật

21h tối 6/5, khi tiếng còi kết thúc trận đấu Việt Nam gặp Indonesia trong vòng loại SEA Games 31 vang lên, chiến thắng 3 – 0 nghiêng về đội nhà, ông Nguyễn Quang Tuấn (73 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đầu đội mũ linh vật sao la, tay thoăn thoắt gõ liên hồi chiếc trống trước mặt, miệng hô to Việt Nam vô địch.

"Thật không uổng công tôi ngày đêm làm mũ linh vật, lặn lội từ Hà Nội xuống Phú Thọ cổ vũ các cháu. Việt Nam thắng rồi", ông Tuấn vui vẻ hét lên.

Ông Tuấn được coi là cổ động viên đặc biệt, bởi ông đã trải qua cùng đội tuyển Việt Nam 9 mùa SEA Games khắp các sân cỏ trong và ngoài nước.

Cổ động viên U70 xuất thân là lính quân đội, năm 1990 ở tuổi 41 ông rời quân đội về kinh doanh quán cà phê, từ đấy có thời gian đi xem, cổ vũ cho bóng đá nước nhà. Có người nhà là cầu thủ bóng đá nên thường xuyên được tặng vé, ông bắt đầu với các giải đá trong nước ở sân vận động Hàng Đẫy, rồi sân Mỹ Đình.

Cổ động viên đặc biệt U70, 20 năm làm hình linh vật SEA Games - Ảnh 1.

Ông Tuấn với cặp sừng trâu Sea Games năm 2003.

Năm 1998 trong trận bán kết Tiger Cup Việt Nam gặp Thái Lan, ông được một người bạn là đạo diễn tặng cặp vé đi xem. Việt Nam và Thái Lan luôn là "kỳ phùng địch thủ" trận đấu này ông muốn làm một điều gì đó ấn tượng để cổ vũ tinh thần đội nhà. Có nhiều bạn bè là họa sĩ, ông ngỏ ý nhờ họ vẽ mặt để ra sân.

"Tôi nhờ họa sĩ - nghệ sĩ nhân dân Phạm Viết Song ở gần nhà tôi hóa trang mặt, không có gương nên không nhìn được hình dáng lúc ấy của mình thế nào, nhưng bản thân ông Song và các cổ động viện khi tôi ra sân đều thích thú khen đẹp", ông Tuấn cho biết trước đó chưa từng có ai vẽ mặt ra sân cổ vũ, ông là người đầu tiên. Cầm theo băng rôn Việt Nam vô địch ông Tuấn chạy xe máy ra sân, trận đấy Việt Nam thắng Thái Lan 3-0, cụ ông 73 tuổi kể lại.

Sau lần gây ấn tượng khi vẽ hình lên mặt, năm 2003 Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 22, là một cổ động viên trung thành của đội nhà, ông Tuấn nhiều đêm suy nghĩ làm sao để cổ vũ, khích lệ tinh thần các cổ động viên lên cao nhất. Năm đấy linh vật được lựa chọn là con trâu, ông lên ý tưởng làm hình nộm con trâu mang ra sân cổ vũ.

Cổ động viên đặc biệt U70, 20 năm làm hình linh vật SEA Games - Ảnh 2.

Hai linh vật sao la mới được ông Tuấn hoàn thành sau khi xuất viện.

Xuất thân từ quận đội, ông Tuấn không có tay nghề thủ công, nên lên bản thiết kế rồi ra nhờ thợ bên ngoài làm. Tuy nhiên sát ngày thi đấu hình linh vật của ông vẫn chưa làm xong, gấp gáp ông yêu cầu thợ bỏ qua các bước chỉ làm cặp sừng gắn lên mũ đội ra sân.

"Tôi định làm cả hình con trâu, nhưng không kịp thời gian nên chỉ làm được cặp sừng", ông Tuấn cho hay cặp sừng trâu dựng bằng cốt tre, bên ngoài bồi giấy xi măng, sơn đen, có trang trí họa tiết, nặng gần 4 kg, cao 60 cm, mất 3 ngày để hoàn thiện.

Năm ấy người đàn ông 54 tuổi, mặc đồ tự thiết kế, mặt sơn kín màu, đầu đội sừng trâu, đeo trống ra sân khắp đường đi ai cũng nhìn. Bản thân ông Tuấn không ngờ trang phục cổ vũ của mình lại gây ấn tượng mạnh với mọi người như thế. 500m từ cổng vào sân ông đi mất 20p, bị mọi người vây kín xin chụp ảnh, các mặt báo sáng hôm sau tràn ngập hình ảnh của ông. Từ đó biệt danh "Tuấn trâu vàng" ra đời, mỗi trận đấu bóng trong nước, ông Tuấn đều nhờ bạn bè vẽ mặt, đội mũ sừng trâu, đi xe máy diễu hành dọc phố phường và đến sân vận động cổ vũ. 20 năm tham gia cổ vũ bóng đá "Tuấn trâu vàng" cho biết đã đi gần hết các sân vận động trong nước.

Cổ động viên đặc biệt U70, 20 năm làm hình linh vật SEA Games - Ảnh 3.

Mũ sư tử Mũ linh vật hổ đại diện cho Sea Games 29.

Tiếp nối sự ấn tượng từ trang phục cổ vũ SEA Games 2003, 8 kỳ Sea Games tiếp theo, kỳ nào ông Tuấn cũng làm hình linh vật để đưa ra sân cổ vũ cho đội tuyển. Năm là đại bàng Gilas, mèo Can, voi Champa và Champi, rồng Komodo, cú mèo, sư tử biển Nila, hổ Rimau, quả bóng xốp Pami và năm nay là cặp sao la.

"20 năm nay trải qua 9 kỳ SEA Games chưa năm nào tôi không có mặt" ông Tuấn nói để làm hình linh vật ngay khi Sea Games ngay khi nước đăng cai lựa chọn linh vật ông đã phải lên bản thiết kế, lựa chọn nguyên liệu cho phù hợp, sau đó đi tìm mua và bắt tay vào làm.

Theo ông Tuấn trong 9 linh vật SEA Games từ năm ông bắt đầu tham gia cổ vũ, thì có cặp sừng trâu đầu tiên ông nhờ người làm 100%, khi chưa có kinh nghiệm, 3 cái ông nhờ máy của bạn bè cắt vì nhà không có đủ dụng cụ, còn lại 5 cái ông tự làm thủ công bằng tay 100%.

"Cái làm lâu nhất là mũ voi và đầu sư tử biển, làm hết hơn 3 tháng, tôi phải nhờ người ta chụp ảnh sư tử biển bên Singapore gửi về, mất nhiều đêm ngắm nghía vẽ bản thiết kế. Sau đó đưa bản thiết kế ra quán chỗ bạn tôi nhờ máy cắt phần thô từ xốp, sau đó về mình cắt gọt lại, thêm màu sắc cho tươi sáng", ông kể. Những linh vật còn lại làm đã có kinh nghiệm, cụ ông 73 tuổi chỉ mất từ 1 tháng đến 1 tuần là hoàn thành.

Cổ động viên đặc biệt U70, 20 năm làm hình linh vật SEA Games - Ảnh 4.

Mũ linh vật sư tư biển cho Sea Games 28 tổ chức tại Singapore.

Khó khăn khi ra nước ngoài cổ vũ

Ngoài SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam, 8 lần khác ông Tuấn đều mang mũ linh vật ra nước ngoài đồng hành cùng bóng đá Việt Nam. Chuyến đi Indonesia của SEA Games 26 tốn kém nhất với chi phí 32 triệu đồng, bằng 8 tháng lương hưu.

Chi phí đắt đỏ không phải là điều khó khăn nhất với người cổ động viên lâu năm mà là việc vận chuyển những chiếc mũ linh vật ra nước ngoài. Nhiều lần khi mang mũ ra đến sân bay, vì to, cồng kềnh nên bị bảo vệ chặn lại không cho vào. Ông Tuấn mất nhiều thời gian giải thích, nhờ can thiệp để thông qua.

"Sang đến các nước khi vào sân, họ sợ mình giấu vũ khí nên cương quyết không cho vào, có lần tôi phải bẻ cả miếng xốp trên mũ cho họ kiểm tra vẫn không được, sau đó phải đưa ảnh hình linh vật của họ ra nhờ người phiên dịch giải thích mới được vào", ông Tuấn kể.

Ngoài 9 mũ linh vật SEA Games, ông còn làm 5 chiếc khác cho các giải Tiger Cup, Suzuki Cup và một số các giải đấu trong nước. Hiện còn 6 chiếc, số còn lại ông tặng bạn bè hoặc bị hư hỏng.

Năm 2022 SEA Games được tổ chức ở Việt Nam với linh vật là sao la. Ông Tuấn lên ý tưởng làm 2 con một đực, một cái, khác với mọi năm chỉ có 1 mũ. Khi hoàn thành xong bản thiết kế, ông phải nhập viện vì bị bệnh, nằm gần nửa tháng. Cổ động viên 73 tuổi nhờ bạn ở nhà làm hộ phần thô, để khi ra viện có thể bắt tay vào trang trí cho kịp ngày ra quân.

Một tuần sau khi xuất viện, ông Tuấn làm từ 12h trưa, có hôm đến 1, 2h sáng, quên ăn để hoàn thành trang trí hai mũ sao la kịp đưa ra sân trận Việt Nam – Indonesia.

Thấy chồng yêu thích, dù lo cho sức khỏe của ông bà Lê Thị Thịnh, 71 tuổi, vợ ông Tuấn cũng cố ủng hộ chồng, thi thoảng nhắc nhở ông nghỉ ngơi rồi làm tiếp.

"Trước mỗi kỳ SEA Games ông ấy dành vài tháng ngồi dán giấy, đẽo gọt sau trang trí. Qua từng năm, cái sau luôn đẹp hơn cái trước", bà Thịnh nói.

Dù đang trong Sea Games 31 nhưng ông Tuấn đã lên ý tưởng chế tác là cặp thỏ mặc trang phục truyền thống Khmer, cho SEA Games 32, tổ chức ở Campuchia năm 2023.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại