Hiệp ước hòa bình đầu tiên trên thế giới

Lê Du |

Cách nay hơn 3.000 năm, sau cuộc chiến dai dẳng gây thiệt hại nặng nề cho cả hai bên, một hiệp ước hòa bình được ký kết giữa Ai Cập và Hittite.

Đây được xem là văn bản cam kết chấm dứt chiến tranh xưa nhất, mà các phiên bản của cả hai bên vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Phát hiện quan trọng

Trên các bức tường của đền Karnak, gần Luxor và đền thờ Pharaoh Ramesses II ở Thebes, Ai Cập, có những hình khắc mô tả trận đại chiến chống lại "vị vua vĩ đại Khatti" và một hiệp ước hòa bình được ký kết giữa hai bên.

Những chữ tượng hình, được biết có từ thời cổ đại, lần đầu tiên được dịch bởi nhà Ai Cập học, Jean - François Champollion, vào đầu thế kỷ 19, tạo thêm sự quan tâm của người phương Tây về Ai Cập cổ đại. Cho đến năm 1858, người ta mới xác định "vị vua vĩ đại Khatti" là người Hittite, cai trị đế quốc hùng mạnh ở trung tâm Anatolia thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.

Hiệp ước hòa bình đầu tiên trên thế giới - Ảnh 1.

Hiệp ước hòa bình Kadesh khắc trên tấm bảng bằng đất sét trưng bày tại Bảo tàng Neues ở Berlin, Đức.

Sau đó, vào năm 1906, nhà khảo cổ học người Đức, Hugo Winckler, đã phát hiện và khai quật thủ đô Hattusa của Hittite trong tàn tích Bogazkale ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông tìm thấy 10.000 tấm bảng đất sét viết bằng chữ hình nêm, ghi lại nhiều hoạt động ngoại giao của người Hittite. Trong số này, có ba tấm khắc văn bản hiệp ước, nội dung tương tự với những gì thấy được trên tường các ngôi đền Ai Cập.

Winckler ngay lập tức xác định được tầm quan trọng của khám phá này. Ông đã viết:

- ... một tấm bảng được bảo quản rất tốt và hứa hẹn sẽ rất quan trọng. Chỉ cần lướt qua nó, hầu như tất cả thành tựu của cuộc đời tôi đều trở nên vô nghĩa. Đây rồi - thứ mà tôi có thể gọi đùa là món quà từ các nàng tiên. Đây rồi - Ramses viết cho Hattusilis về thỏa thuận chung giữa họ... chứng thực hiệp ước nổi tiếng mà chúng ta biết từ phiên bản khắc trên tường ngôi đền ở Karnak có thể được làm sáng tỏ từ phiên bản khác.

... Cũng như lịch sử của người Hattite, tên của nơi ký hiệp ước này đã bị lãng quên. Nhưng người dân Hattite rõ ràng đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của thế giới phương Tây cổ đại… Việc khám phá lại họ giờ đây đã mở ra những khả năng mà chúng ta chưa từng nghĩ đến.

Hòa ước giữa Ai Cập và Hittite, còn được gọi là Hiệp ước Kadesh, là văn bản chấm dứt chiến tranh được ghi nhận xưa nhất trên thế giới. Nó được ký kết nhằm chấm dứt mối hiềm khích lâu dài giữa đế chế Hittite và người Ai Cập.

Xung đột lên đến đỉnh điểm với sự xâm lược của Ai Cập vào năm 1274 trước Công nguyên. Nhưng họ đã bị người Hittite chặn lại tại thành phố Kadesh trên sông Orontes, nơi ngày nay thuộc Syria. Trận chiến Kadesh khiến cả hai bên bị thương vong nặng nề, nhưng không bên nào giành thắng lợi quyết định. Xung đột tiếp tục diễn ra bất phân thắng bại trong khoảng 15 năm nữa, trước khi hiệp ước được ký kết.

Hiệp ước được cho là kết quả đàm phán giữa những người trung gian, hai quốc vương không hề gặp trực tiếp. Cả hai bên đều có lợi ích chung trong việc ký hòa ước, vì lúc đó Ai Cập phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng từ "Các dân tộc biển", còn người Hittite thì lo ngại về sức mạnh đang gia tăng của Vương quốc Assyria ở phía Đông.

Hiệp ước được phê chuẩn vào năm thứ 21 dưới triều đại của Ramesses II (1258 TCN) và tiếp tục có hiệu lực cho đến khi đế chế Hittite rơi vào tay người Assyria, gần một thế kỷ sau đó.

Những điểm nổi bật trong hiệp ước

Hiệp ước hòa bình đầu tiên trên thế giới - Ảnh 3.

Một bức chạm khắc bên trong đền Abu Simbel mô tả Ramsesse II chiến đấu trong trận đánh ở Kadesh vào năm 1274 trước CN.

Hiệp ước hòa bình giữa Ramesses II (Pharaoh của Ai Cập) và Hattusilis III (vua của Hittite) rất đáng chú ý vì cách diễn đạt từ ngữ chính xác. Giống như bất kỳ thỏa ước hiện đại nào, văn bản này được chia thành nhiều điểm và mỗi bên cam kết thể hiện tình anh em và sống chung hòa bình.

Họ đồng ý sẽ không thực hiện các hành động gây hấn, cho những người tị nạn chính trị và tội phạm của nhau hồi hương, đồng thời hỗ trợ nhau trong việc trấn áp các cuộc nổi dậy ở mỗi nước. Trong trường hợp một bên bị bên thứ ba tấn công, bên kia sẵn sàng hỗ trợ về mặt quân sự.

Hiệp ước kết thúc với lời kêu gọi các vị thần đến làm chứng, và bên nào vi phạm hiệp ước sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt:

- Với những lời ghi trên tấm bảng bằng bạc này của Hattite và của Ai Cập, ai không tuân theo, một ngàn thần của đất Hattite và một ngàn thần từ đất Ai Cập sẽ tiêu diệt nhà cửa, đất đai và những tôi tớ của người đó.

Những người tuân theo lời ghi trên bảng bạc này, dù họ là Hattite hay là người Ai Cập, và ai không thờ ơ với chúng, một ngàn vị thần của đất Hattite và hàng ngàn vị thần của đất Ai Cập sẽ giúp người đó được khỏe mạnh được sống, cùng với nhà cửa, đất đai và các tôi tớ của mình…

Bản hiệp ước cuối cùng được soạn thảo tại Kadesh có sự bàn bạc với các đại sứ Ai Cập, sau đó được khắc trên một tấm bạc rồi đưa đến cho Phraoh phê duyệt. Sau khi được sự chấp thuận của Ramesses, một bản sao nhân danh ông được đưa ra, chỉ có một số sửa đổi nhỏ.

Cuối cùng, phiên bản thay mặt cho Ramesses được khắc trên một tấm bạc khác, có đóng dấu của Pharaoh và được chuyển đến Hattite. Sau đó, những người ghi chép tại Hattite đã sao chép chúng trên các tấm đất sét để bảo quản trong kho lưu trữ hoàng gia. Đây chính là những bản sao mà Hugo Winckler đã khám phá, còn những tấm bằng bạc ban đầu đã bị thất lạc, rất có thể đã bị cướp phá và nấu chảy trước đó rất lâu.

Hai tấm đất sét trên hiện được trưng bày tại Bảo tàng phương Đông cổ đại ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, còn tấm thứ ba được trưng bày tại Bảo tàng Berlin ở Đức. Một bản sao của hiệp ước này cũng được trưng bày nổi bật trên một bức tường ở Trụ sở Liên Hợp Quốc, thành phố New York.

Một bản sao phiên bản Ai Cập được khắc bằng chữ tượng hình trên tường của hai ngôi đền thuộc về Pharaoh Ramesses II ở Thebes - Ramesseum và đền Karnak.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại