Nữ chuyên gia giáo dục: 2 trong 3 con từng nghỉ học cả năm, gian nan lắm!

Thu Minh |

Là Thạc sĩ giáo dục, chị Lưu Minh Hường từng để 2 trong 3 con trai của mình nghỉ học giữa chừng. Khó tin nhưng câu chuyện "ấm áp" sẽ làm ba mẹ thay đổi suy nghĩ về cách giáo dục.

Cú bật vọt của đứa con "sợ đi học"

Nữ chuyên gia giáo dục: 2 trong 3 con từng nghỉ học cả năm, gian nan lắm! - Ảnh 1.

Thạc sĩ giáo dục Lưu Minh Hường có 2 trong 3 con từng nghỉ học giữa chừng (Ảnh minh hoạ)

Tôi có 3 bạn con trai, thì 2 trong đó đã từng bỏ học, từng nghỉ học.

Thực tế là tôi cho phép các bạn được nghỉ ở nhà. Bạn lớn nghỉ học 1 năm, bạn út nghỉ học 2 năm, không học tí nào cả.

Rất nhiều người đã ngạc nhiên vì thấy tôi là thạc sĩ giáo dục nhưng tại sao lại cho phép con nghỉ học như thế? Thật ra là vì hoàn cảnh nhà tôi khá đặc biệt, nhưng tôi cũng nghĩ mỗi nhà là mỗi cảnh, nên cha mẹ lại càng cần có phương pháp đúng với chính con của họ - dựa trên tình yêu thương, ấm áp cho con làm gốc.

Bạn thứ nhất nhà tôi học rất chậm, khi vào lớp 1 bạn ấy vẫn ở tâm lý của trẻ mầm non, không hiểu nổi phép cộng, trừ, nhân, chia, lên lớp 2 mới hiểu hết toán lớp 1. Vì thế, bạn ấy lúc nào cũng cảm thấy bản thân rất kém cỏi, bị tổn thương rất lớn, mặc dù bạn ấy thông minh theo một cách khác.

Năm vào lớp 4, bạn ấy quá mệt mỏi, bạn ấy từ chối học, lúc nào cũng khóc. Thương con, tôi cũng vẫn nghĩ rằng chương trình học phổ thông thì miễn là có trí tuệ bình thường, trẻ nào cũng học được mà tại sao con mình không học được?

Trong khi đó, ở nhà, con mình luôn có khả năng đưa ra những giải pháp cực kỳ thông minh cho cái vấn đề của bạn ấy. Rõ ràng, con không kém, mà thông minh theo một cách khác.

Vì thế, tôi mới nhận ra là, có thể nhà trường chưa dạy được con tôi bằng phương pháp phổ thông, con tổn thương do trải nghiệm học tập của con tệ, nên tôi quyết định cho con nghỉ ở nhà 1 năm, mục đích chính là để giải toả tâm lý. Tôi cũng dừng làm việc ở trường Liên Hợp Quốc để ở nhà cùng con.

Bạn ấy ở nhà chỉ chơi thôi, không học, không có bạn bè ở trường như các trẻ khác, thậm chí không dám nhìn thẳng người khác, tình trạng khi đó "rất thê lương".

Thế rồi tôi bắt đầu thay đổi bằng việc cho bạn ấy học đàn. Sau đấy, bạn biết biểu diễn được một chút thì tôi cho bạn ấy xách đàn organ đến tất cả những nhà nào, bạn bè mà không cần biết người ta có muốn nghe không, miễn là người ta khen thằng bé thôi.

Và khi người ta khen con như thế, nó bắt đầu cảm nhận về cái sự thành công, thấy "hóa ra là mình cũng có giá trị nhất định chứ không phải là đồ bỏ đi". Và thế là con lấy lại lòng tự trọng bị tổn thương. Cứ thế, hết 1 năm, bạn ấy đồng ý quay lại trường học. Dù vậy, đi học lại lúc đó vẫn có nhiều khó khăn với tâm trạng của con.

Năm học lớp 7, thành tích học tập của bạn rất tệ, xếp cuối cùng của nhóm học sinh yếu. Bạn thi đầu vào với 0,25 điểm Toán, 2,5 điểm Văn, cực kỳ kém, không bạn nào kém hơn.

May mắn, thầy giáo của bạn cũng là người tâm lý, chỉ gọi bạn lên bảng để giải những bài toán cực kỳ dễ. Khi thầy cho bạn điểm 10, bạn ấy cực kỳ tự hào và phấn khích luôn, bạn ấy bắt đầu có hứng thú với việc học.

Chỉ sau 2 tháng, đến giữa Học kì I lớp 7, bạn đã vươn lên nhóm thứ hai - nhóm học sinh trung bình của lớp, cuối Học kì I lớp 7 vươn lên nhóm thứ nhất, và sang cuối năm lớp 7 bạn vươn đến đứng đầu lớp!

Bạn ấy đã có cú lội cực kỳ ngoạn mục, từ dưới đáy lên đến đầu. Sau đấy bạn cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi, điều bạn chưa từng được bao giờ, rồi đạt giải học sinh giỏi Hoá cấp quận. Và thành công đáng giá hơn nữa của bạn ấy là sau này đạt giải Nhất cuộc thi làm phim dành cho trẻ em và đại diện Việt Nam đi thi phim quốc tế ở Nhật Bản…

Bạn thứ hai đường đi học bình thường. Đến bạn út, mặc dù không gặp khó khăn trong việc học nhưng con cảm thấy việc chỉ ngồi học không mang nhiều giá trị, khiến bạn ấy không còn thời gian cho các sở thích khác của mình như làm phim, viết kịch bản, viết code, máy móc...

Bạn quyết định xin ở nhà 1 năm và mình chấp nhận nếu con thấy thoải mái. Năm sau bạn đi học lại, học được 1 tháng, bạn vẫn gặp vấn đề như cũ. Sau đó mình tìm một ngôi trường mới cho con, nơi con được thoả mãn tất cả những gì con cần. Bạn ấy học nhưng khối lượng kiến thức hàn lâm vừa phải, bạn được thực hành nhiều những dự án thật như người lớn. Con rất vui với những điều đó.

Nữ chuyên gia giáo dục: 2 trong 3 con từng nghỉ học cả năm, gian nan lắm! - Ảnh 2.

Chuyên gia Lưu Minh Hường (ngoài cùng bên trái) quan niệm: Khi ba mẹ "ấm áp" với con cũng sẽ nhận lại điều tương tự (Ảnh: FBNV)

Câu chuyện này của mình muốn nói rằng, tất cả các em bé đều thực sự cần được hiểu và cần được tôn trọng. Muốn vậy, cha mẹ cần thật sự quan tâm đến con, thể hiện sự ấm áp thay vì trách phạt con, cùng con vượt qua những khó khăn.

Nếu tôi cũng như các cha mẹ khác, thấy con học kém là đánh mắng và ép học nhiều hơn để được như người khác, thì con sẽ mãi là đứa trẻ ở đằng sau và không bao giờ có thể đạt được những cái tiềm năng của con. Nếu như mình sinh con ra là những em bé dễ nuôi thì mọi thứ cứ ào ào thôi. Thế rồi sẽ có những em bé như con nhà tôi. Nếu chương trình chung của nhà trường không đáp ứng được, không cho con môi trường học phù hợp với con, thì gia đình cần phải làm điều đó.

Nếu mình không phải là một người "ấm áp" thì mình sẽ không đón nhận sự khác biệt của con, tạo sức ép cho con học, rèn luyện con hàng ngày. Điều đó càng làm cho bạn ấy bị xoáy sâu vào nỗi khiếp sợ học hành. Thay vì đẩy nhanh tiến độ trưởng thành của con thì mình cho bạn ấy thời gian dài hơn. Chúng ta nên chấp nhận, đón nhận con, sau đấy dạy con, cho phép con thử sai trong giới hạn, con sẽ nhận ra bài học đúng đắn.

Hiện tại, các bạn nhà mình dù đã lớn, đã vào đại học nhưng vẫn rất gần gũi với mẹ, chia sẻ với mẹ những vấn đề trong cuộc sống. Đặc biệt, nghỉ vì Covid-19 ở nhà nhiều, tôi cảm nhận rằng, mẹ đúng là công chúa luôn khi luôn có 3 cậu con trai bên cạnh.

Khi chúng ta thực sự ấm áp với các con thì ngược lại, chúng ta cũng có được tất cả những điều đó.

Nữ chuyên gia giáo dục: 2 trong 3 con từng nghỉ học cả năm, gian nan lắm! - Ảnh 3.

Chuyên gia Lưu Minh Hường (bên trái) trong một chương trình về chia sẻ kiến thức nuôi dạy con cho các ba mẹ (Ảnh: FBNV)

Hậu quả của sự đánh mắng, trách phạt

Câu chuyện của chuyên gia Lưu Minh Hường đã phủ nhận hoàn toàn tư tưởng của nhiều ba mẹ Việt là "yêu con cho roi cho vọt" (theo nghĩa đen), đây không phải là phương pháp giáo dục trẻ đúng đắn, giải quyết được mọi vấn đề.

Điều này được chuyên gia rút ra từ quá trình trưởng thành của mình, nhận sự giáo dục và làm việc trong môi trường nhân văn, hoàn toàn nói "không" với đánh mắng, trách phạt. Theo chuyên gia lý giải, hành động của người lớn, đặc biệt ba mẹ có ảnh hưởng rất lớn đối với con cái.

Trẻ rất dễ học theo cách mà người lớn làm. Ba mẹ dùng bạo lực khi trẻ làm sai, không đúng ý ba mẹ thì trẻ cũng sẽ hành động tương tự với người khác khi giải quyết vấn đề của mình. Khi trẻ học được bài học này từ ba mẹ, hậu quả rất lớn, không chỉ cho con mà còn với chính ba mẹ.

Hãy thử tượng tưởng, khi các con lớn hơn, các con đã có được bài học: Ba mẹ đánh mình vì mình còn bé, còn yếu, mình không làm được gì nhưng giờ mình to lớn, khoẻ mạnh hơn, mình cũng có thể làm lại điều đó với ba mẹ. Trẻ sẽ dùng tư duy "cá lớn nuốt cá bé" để giải quyết những vấn đề trẻ thấy không hài lòng, không đúng ý mình như cách ba mẹ đã từng làm với mình.

Khi ra ngoài cuộc sống, trẻ cũng sẵn sàng dùng bạo lực để làm tổn thương người khác, thậm chí có hành vi vi phạm pháp luật. Như vậy, những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường tiêu cực, thường xuyên bị bạo lực (có thể là lời nói hoặc hành động) thì không chỉ trẻ bị tổn hại về nhân cách mà còn có thể làm tổn thương những người xung quanh, gây tổn hại cho xã hội.

Một ví dụ khác, trẻ không làm bài tập khi đến lớp và phải nhận hình phạt chép phạt. Nguyên nhân có thể đến từ giáo viên chưa truyền đạt được kiến thức cho trẻ hiểu và làm bài tập, cũng có thể đến từ trẻ còn ham chơi, hay quên hay đau ốm,...

Nhưng dù nguyên nhân là gì, chép phạt cũng không giúp trẻ hiểu bài hay dạy trẻ cách sắp xếp thời gian hợp lý. Hình phạt chỉ khiến trẻ sợ, trẻ không dám nói mình chưa hiểu bài hay lý do khác và lần sau trẻ có cách làm bài tập chống đối bằng chép bài bạn, chép sách giải hoặc nói dối. Như vậy, hình phạt khiến kết quả học tập của trẻ tệ đi chứ không tốt lên, không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ.

Nữ chuyên gia giáo dục: 2 trong 3 con từng nghỉ học cả năm, gian nan lắm! - Ảnh 4.

Trẻ thường bị đánh mắng, trách phạt càng dễ hình thành tính cách nổi loạn, tiêu cực (Ảnh minh hoạ)

Mặt khác, về mặt khoa học, não bộ của chúng ta có cơ chế tiếp nhận và phản ứng lại thông tin tiêu cực hoặc tích cực. Khi thông tin tiêu cực đến, vùng kiểm soát cảm xúc cùng lý trí, logic trong não bộ sẽ bị ngắt kết nối và cơ chế hung hăng sẽ bị kích hoạt.

Vì vậy, những em bé thường xuyên bị đánh mắng hay trách phạt sẽ thường xuyên bị kích hoạt cơ chế hung hăng, dần hình thành tính cách. Trẻ dần mất kết nối với ba mẹ, với người lớn, ít hợp tác và bướng bỉnh hoặc thu mình lại, nhút nhát, rụt rè. Do đó, dùng hành động hoặc lời nói tiêu cực tác động tới trẻ trong mọi hoàn cảnh đều không phải là cách giải quyết hay.

Thực tế, ba mẹ là người đã phát triển hoàn chỉnh về não bộ, có khả năng kiểm soát cảm xúc tốt hơn trẻ, cần dạy cho những đứa trẻ có vùng kiểm soát cảm xúc chưa phát triển tốt cái cách cư xử đúng.

Nữ chuyên gia giáo dục: 2 trong 3 con từng nghỉ học cả năm, gian nan lắm! - Ảnh 5.

Thay đổi gốc rễ: kiểm soát cảm xúc và kỷ luật ấm áp

Lý giải ở góc độ khoa học, cha mẹ đánh mắng con ngay khi thấy không hài lòng điều gì đó bởi cơ chế điều khiển hành vi của não bộ hoạt động nhanh hơn, trước khi vùng não tư duy kịp xử lý thông tin. Giống như khi gặp tiếng nổ lớn, điều đầu tiên chúng ta làm là bỏ chạy, chưa cần biết là cái gì, ở đâu, không đứng lại, không phân tích.

Để kiểm soát cảm xúc tốt, dừng dùng đòn roi, quát mắng với con cái, điều đầu tiên ba mẹ cần làm là hãy làm chậm lại những phản ứng tức thời khi muốn phạt con. Đó là bí mật không phải ba mẹ nào cũng biết.

Có nhiều chiến thuật để làm được điều đó, ví dụ chúng ta đi nơi khác, nhờ người khác can thiếp hay chúng ta đi uống nước, làm bất cứ điều gì để làm chậm phản ứng muốn đánh, mắng con.

Sau khi ba mẹ đã học được cách kiểm soát cảm xúc thì cần học cách kỷ luật con sao cho đúng. Nếu không xử lý bằng đòn roi thì bằng cách nào? Đó là dùng phương pháp "kỷ luật ấm áp".

Nữ chuyên gia giáo dục: 2 trong 3 con từng nghỉ học cả năm, gian nan lắm! - Ảnh 6.

Quan điểm giáo dục con của chuyên gia Lưu Minh Hường là hoàn toàn nói KHÔNG với đòn roi (Ảnh: FNBNV)

Ba mẹ thực hiện "kỷ luật ấm áp" cần làm 2 phần là "kỷ luật" và "ấm áp". Để tạo sự "ấm áp", trước tiên ba mẹ cần dành thời gian tương tác tích cực, gần gũi với con, đơn giản là những cái ôm hằng ngày.

Tiếp đến là "kỷ luật", ba mẹ cần làm được 3 điều: Hiểu tâm sinh lý từng độ tuổi của trẻ, hiểu tính khí của con mình và hiểu lý do sâu xa con làm như vậy. Khi làm được điều đó, cha mẹ sẽ hình dung được mình sẽ kỷ luật con như thế nào.

"Kỷ luật" ở đây hoàn toàn nói "không" với tất cả những gì làm tổn thương trẻ về cả thể chất lẫn tinh thần mà tập trung vào những nguyên tắc. Tức là ba mẹ sẽ xây dựng cho trẻ giới hạn được phép làm, nguyên tắc mà trẻ vui vẻ thực hiện và đón nhận, không phản kháng và không có tâm lý tiêu cực.

Ví dụ, khi những em bé chưa biết nói, khóc vì đói hay đòi thứ gì đó thì người lớn sẽ đáp ứng ngay.

Điều đó tạo thành thói quen cho trẻ ngay cả khi đã biết nói vì trẻ đang nhận thức rằng khóc là cách giao tiếp hiệu quả Vì vậy, khi bé lớn hơn, đã biết nói, ba mẹ cần dạy cho bé cách giao tiếp đúng.

Người lớn không nên đáp ứng tiếng khóc của trẻ và giải thích cho con cách cư xử đúng, chẳng hạn: Mẹ hiểu con muốn gì khi con khóc, nhưng lúc nào con sẵn sàng nói với mẹ bằng giọng bình thường thì mẹ mới có thể đáp ứng con.

Và khi đó, trẻ khóc mãi cũng không thấy hiệu quả sẽ dừng lại và học được cách nói ra điều mình muốn. Vấn đề tiếp theo là con muốn xem tivi nhưng đã 11h đêm, ba mẹ có đáp ứng khi con đã nói ra bằng lời? Lúc này, ba mẹ cần xem lại giới hạn cho con xem tivi mỗi ngày là lúc nào.

Hãy nhẹ nhàng nói với trẻ rằng: Mẹ biết con muốn xem tivi bây giờ nhưng giờ đã 11 giờ đêm, nếu con xem nữa thì sẽ ảnh hưởng sức khoẻ, lúc này con nên đi ngủ và chúng ta sẽ xem vào buổi sáng mai.

Còn nếu thời gian con muốn xem tivi vẫn chưa đạt tới giới hạn thì hãy cho phép con và nhắc con được xem thêm bao lâu. Như vậy, ba mẹ đã dạy cho trẻ cái gì được phép và không được phép, giới hạn được làm.

Quay lại câu chuyện trẻ bị phạt khi chưa làm bài tập. Thay vì nhận chép phạt hay đòn roi, trẻ nhận "kỷ luật ấm áp" sẽ được dạy cho những công cụ giải quyết vấn đề, cách làm đúng đắn. Nếu trẻ không làm bài do không hiểu bài thì hãy dạy trẻ cách hỏi giáo viên hoặc người lớn có thể giảng bài lại cho con.

Nếu trẻ ham chơi, không biết sắp xếp thời gian học tập thì ba mẹ hãy lập nguyên tắc về thời gian chơi - học cho con, chỉ cho con việc làm đúng là không chép bài hay không nói dối. Và từ những lần sau, ngay cả khi không có ba mẹ bên cạnh, trẻ vẫn có thể tự giải quyết vấn đề của mình và hiểu lý do vì sao mình cần làm thế.

Về mặt lâu dài, cha mẹ cần có kiến thức để thấu hiểu trẻ. Ở mỗi giai đoạn khác nhau, trẻ có nhu cầu học những thứ khác nhau, mỗi em bé lại có cá tính khác nhau, ba mẹ cần hiểu để không cấm cản trẻ.

Khi cha mẹ hiểu điều đó sẽ cho trẻ phát triển, trải nghiệm trong một giới hạn an toàn. Hãy cho trẻ cơ hội thử và nó có thể sai nhưng vẫn trong giới hạn an toàn, không làm ảnh hưởng người khác, trẻ sẽ học được nhiều hơn ở những cái sai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại