Từ cát và xi măng, chàng họa sĩ làm nên tuyệt tác trên bức tường khiến dân mạng trầm trồ

Thu Phương |

Các tác phẩm phù điêu tinh tế có thể điểm tô cho mọi bức tường trống trong các căn nhà diện tích lớn.

THỔI HỒN VÀO BỨC TƯỜNG TRỐNG

Đối với những ngôi nhà có diện tích rộng, những mảng tường thường có những khoảng trống khiến gia chủ đau đầu không biết nên làm thế nào để khung cảnh đỡ trống trải. Phù điêu chính là một trong những giải pháp, lựa chọn mới xuất hiện và được ưa chuộng gần đây.

Mới đây, một bài viết trong nhóm Facebook Nghiện nhà đã nhận “bão” like và vô vàn lời khen từ cư dân mạng vì tác phẩm tuyệt vời của tác giả. Đó chính là một tấm phù điêu được làm thủ công từ xi măng và cát trong 2 tuần, tái hiện khung cảnh làng quê Việt yên bình nhưng cũng không kém phần chân thực, sống động.

Đa phần ý kiến đều khen ngợi rằng, bức tranh vô cùng tinh tế và có hồn. Bên cạnh đó, khung cảnh làng quê Việt được tái hiện chân thực, sống động qua bức phù điêu gợi cho nhiều người cảm xúc bồi hồi, nhớ quê hương.

Từ cát và xi măng, chàng họa sĩ làm nên tuyệt tác trên bức tường khiến dân mạng trầm trồ - Ảnh 1.

Bức phù điêu tái hiện khung cảnh làng quê Việt nhận bão like và vô vàn lời khen từ cư dân mạng. (Ảnh Facebook Huan Hoang - Group Nghiện nhà)

V. Nguyễn: “Tuyệt tác! Nhìn vô thấy yên bình quá.”

N.Long: “Buổi tối thêm mấy cái đèn hắt, ngồi ngắm thôi cũng quên cả ngủ. Tuyệt vời”

H.Ngọc: “Đẹp quá, làng quê thanh bình, nhẹ nhàng quá càng được lộ rõ hơn qua bàn tay của người hoạ sĩ ạ.”

Q.Nguyen: “Ảnh làng quê Bắc Bộ xưa đẹp nhỉ làm mình bồi hồi nhớ quê xưa.”

Được biết, tác giả là anh Hoàng Văn Huân (29 tuổi, trú tại Yên Dũng, Bắc Giang), một trong 3 người sáng lập ra nhóm chuyên đắp phù điêu 3D “Art VN”. Xuất thân là một sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ sư điện tử, song anh Huân không theo ngành học mà lại rẽ ngang theo tiếng gọi của trái tim.

Từ cát và xi măng, chàng họa sĩ làm nên tuyệt tác trên bức tường khiến dân mạng trầm trồ - Ảnh 3.
Từ cát và xi măng, chàng họa sĩ làm nên tuyệt tác trên bức tường khiến dân mạng trầm trồ - Ảnh 4.

Hoàng Văn Huân - tác giả của bức phù điêu. (Ảnh Facebook Huan Hoang - Group Nghiện nhà)

Anh Huân và những người cộng sự đã cùng nhau “chinh chiến”, tạo nên bao tác phẩm, góp phần thổi hồn vào những mảng tường trống trong suốt hơn 5 năm qua.

Đó không chỉ là những bức phù điêu, những bức tranh nổi trên tường thông thường mà còn là những tác phẩm nghệ thuật mang trọn vẹn ý tưởng, câu chuyện của chủ nhà, được thể hiện qua bàn tay tâm huyết, tài hoa của người nghệ sĩ.

NGHỆ THUẬT PHÙ ĐIÊU TRONG KIẾN TRÚC

Không quá phổ biến như tranh thêu, sơn dầu hay sơn mài bình thường, phù điêu là một loại hình được biết đến muộn hơn. Phù điêu thường được ưa chuộng và xuất hiện nhiều trong những ngôi nhà có diện tích lớn, những căn biệt thự hay những ngôi đình, ngôi chùa.

Tại Việt Nam, họa sĩ Tôn Thất Thủy là một trong số ít những nghệ sĩ thành công, nổi tiếng với dòng tranh này. Trả lời trên Tạp chí Người Xây Dựng, họa sĩ Tôn Thất Thủy cho biết, tranh phù điêu, có thể được gọi là tranh 3D, bởi nó được triển khai bố cục trên mặt phẳng. Nó có khả năng kiến tạo xa gần bằng các lớp không gian và tạo nên các ảo giác về không gian.

Một tác phẩm phù điêu không những thể hiện những bố cục ở tường, vòm mái, ở các chi tiết kiến trúc, mà còn được sáng tác như một tác phẩm độc lập để trưng bày. Dựa trên mối quan hệ giữa hình khối và mặt phẳng nền người ta phân biệt ra phù điêu khoét lõm (khối âm) và phù điêu nổi lên (khối dương).

Từ cát và xi măng, chàng họa sĩ làm nên tuyệt tác trên bức tường khiến dân mạng trầm trồ - Ảnh 6.

Phù điêu được ưa chuộng và xuất hiện nhiều trong các công trình kiến trúc lớn như biệt thự, đình, chùa. (Ảnh minh họa)

Việc chế tác một sản phẩm phù điêu tương đối công phu với rất nhiều công đoạn. Quan trọng nhất là công đoạn tạo mẫu vì đó là tinh thần của sản phẩm. Phù điêu thường được tạo mẫu tỉ mỉ trên nền là đất sét, sau đó định hình sản phẩm bằng các vật liệu khác như xi măng, thạch cao, vàng, bạc, đồng...

Hầu hết các nguyên vật liệu được sử dụng làm phù điêu đều có độ bền, chống ăn mòn cao. Chỉ cần dùng khăn ướt lau hoặc thậm chí sử dụng bơm nước áp lực để vệ sinh cũng không lo ảnh hưởng đến độ bền của tác phẩm.

Hiện nay có rất nhiều đơn vị uy tín thi công phù điêu. Trước khi thực hiện, các đơn vị sẽ tư vấn các mẫu tranh, hoa văn phù hợp với mong muốn của gia chủ, không gian và phong thủy của từng nhà.

Tùy vào chất liệu, diện tích hay độ khó của các chi tiết trong bức tranh mà giá thành và thời gian thi công sẽ khác nhau. Trung bình, một bức phù điêu sẽ mất khoảng 2-4 tuần thi công, giá thành 1.800.000 đồng - 5.000.000 đồng/m2.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại