Loại ngân hàng Nga khỏi SWIFT, giá khí đốt châu Âu tăng vọt: Ai thiệt hại nhất?

Hữu Hiển |

Một số nhà phân tích cho rằng, động thái này sẽ loại trừ Nga khỏi hầu hết các giao dịch tài chính quốc tế và gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga ngay lập tức và về lâu dài.

Đóng băng tài khoản ở nước ngoài của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đóng băng tài sản ở nước ngoài của một số ngân hàng Nga, cấm Nga bán nợ... Trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn căng thẳng, Mỹ, Canada và nhiều nước đồng minh châu Âu đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga.

Vào ngày 27/2, Nhà Trắng ra thông báo cho biết Mỹ và các nhà lãnh đạo của Ủy ban châu Âu EC, Đức, Pháp, Anh, Italia và Canada đã quyết định loại một số ngân hàng của Nga ra khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT). SWIFT được gọi là "quả bom hạt nhân tài chính" vì có liên quan đến kết nối thông tin tài chính toàn cầu.

Loại ngân hàng Nga khỏi SWIFT, giá khí đốt châu Âu tăng vọt: Ai thiệt hại nhất? - Ảnh 1.

Người biểu tình tại Rome (Italia) kêu gọi loại Nga ra khỏi hệ thống SWIFT nhằm phản đối cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Ảnh: AFP

Nga sẽ khó tránh khỏi bị tổn thương

Sau khi Mỹ và các đồng minh thông báo về lệnh trừng phạt, SWIFT cũng đưa ra một tuyên bố. Theo một bài báo của Reuters được Chinanews trích dẫn, SWIFT cho biết họ đang liên hệ với các nhà chức trách châu Âu để tìm hiểu về các tình tiết liên quan và đang chuẩn bị tuân thủ các lệnh trừng phạt liên quan chống lại Nga theo hướng dẫn của pháp luật.

Điều này đã gây bất ngờ cho giới đầu tư. Trên thực tế, sau khi Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba kêu gọi loại Nga khỏi hệ thống SWIFT vào ngày 24/2, đã có những ý kiến trái chiều trong nội bộ EU và có sự phản đối từ Đức và một số nước khác.

Theo trang tin Shell Finance Bắc Kinh (Trung Quốc), các biện pháp trừng phạt bằng SWIFT là con dao hai lưỡi với nhiều nguy cơ nên cần được áp dụng cẩn thận. Năm 2012, Iran mất gần một nửa doanh thu xuất khẩu dầu và 30% doanh thu ngoại hối sau khi Ngân hàng Trung ương Iran và các tổ chức tài chính của Iran bị loại khỏi hệ thống SWIFT. Nhưng trong những năm gần đây, Anh, Pháp, Đức và Iran đã thiết lập cơ chế thanh toán INSTEX, bỏ qua hệ thống SWIFT để duy trì hoạt động thương mại với Iran.

Một số nhà phân tích tin rằng, lệnh trừng phạt lần này sẽ loại Nga khỏi hầu hết các giao dịch tài chính quốc tế, bao gồm cả việc thu được lợi nhuận quốc tế từ sản xuất dầu và khí đốt, vốn chiếm hơn 40% doanh thu tài chính của Nga.

Nhưng Nga cũng có một số bước chuẩn bị. Theo thông tin công khai, vào năm 2014, để thay thế hệ thống SWIFT, Ngân hàng Trung ương Nga đã tạo ra Hệ thống nhắn tin tài chính (SPFS). Vào năm 2020, SPFS đã gửi gần 13 triệu tin nhắn tài chính. Tính đến tháng 5/2021, 20% hoạt động chuyển tiền trong nước của Nga được thực hiện thông qua SPFS. Tính đến ngày 10/11/2021, hệ thống SPFS đã có 400 người dùng. Nhưng cơ sở dữ liệu của hệ thống này vẫn không bằng hệ thống SWIFT.

Các quốc gia phụ thuộc vào Nga cũng chịu ảnh hưởng

"Các quốc gia phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn, và châu Âu là "đầu tàu'", ông Lâm Bá Cường – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Năng lượng Trung Quốc thuộc Đại học Hạ Môn - nói với phóng viên trang tin Shell Finance Bắc Kinh. Ông Lâm cho biết, sau khi một số ngân hàng của Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT, dự kiến ​​giá dầu và khí đốt sẽ tiếp tục tăng.

Loại ngân hàng Nga khỏi SWIFT, giá khí đốt châu Âu tăng vọt: Ai thiệt hại nhất? - Ảnh 3.

Châu Âu đang phụ thuộc tới 30% nguồn cung khí đốt từ Nga. Ảnh: Reuters

Khí đốt tại châu Âu đang phải chịu áp lực tăng giá chóng mặt trong những ngày gần đây. Vào ngày đầu tiên của cuộc xung đột Nga - Ukraine (24/2), trong bối cảnh không rõ cuộc khủng hoảng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nguồn cung cấp khí đốt từ Nga, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng hơn 60%, mức cao nhất kể từ năm 2005. Ngày hôm sau, khi tâm lý thị trường ổn định trở lại, giá khí đốt tại châu lục này đã giảm hơn 20%.

Theo báo cáo từ Tuần báo Kinh tế của Đức được Global Times trích dẫn, nếu nguồn cung khí đốt từ Nga bị cắt hoàn toàn, nó có thể gây ra thiệt hại cả trăm tỷ Euro cho Đức. Hiện tại, giá điện ở Đức đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 32,63 cent/kWh. Do giá năng lượng tăng cao, người dân Đức đã xuống đường biểu tình.

Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 24/2 cho biết, chính phủ nước này sẽ nỗ lực hết sức để kiểm soát chi phí năng lượng, tuy nhiên việc tăng giá gần như là chắc chắn.

Một phân tích khác cũng đề cập rằng SWIFT dự kiến ​​sẽ xem xét các giải pháp thay thế để cho phép thanh toán ngay cả sau khi loại một số ngân hàng Nga khỏi SWIFT. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Fitch Ratings cho biết, các ngân hàng có thể sử dụng các hệ thống nhắn tin khác, chẳng hạn như Telex, nhưng có nhược điểm là kém hiệu quả và chi phí cao hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại