Cái giá “quá đắt” của ngành công nghiệp than đá ở Nam Phi

Hoàng Phạm |

Ngành công nghiệp than đá của Nam Phi lớn thứ 5 thế giới với 90.000 thợ mỏ, tạo ra 80% điện năng và cung cấp nguyên liệu đầu vào để sản xuất 25% nhiên liệu lỏng cho xe cộ ở Nam Phi. Cái giá của ngành công nghiệp khổng lồ này không hề nhỏ và cũng không chỉ ở khía cạnh khí hậu.

Ngành công nghiệp than đá của Nam Phi lớn thứ 5 thế giới với 90.000 thợ mỏ, tạo ra 80% điện năng và cung cấp nguyên liệu đầu vào để sản xuất 25% nhiên liệu lỏng cho xe cộ ở Nam Phi. Cái giá của ngành công nghiệp khổng lồ này không hề nhỏ và cũng không chỉ ở khía cạnh khí hậu.

Năm 2019, các nhà khoa học làm việc cho chính phủ Nam Phi đã hoàn tất nghiên cứu về tác động của ô nhiễm môi trường từ ngành công nghiệp than đá đối với sức khỏe.

Các thành viên Hội đồng nghiên cứu khoa học và công nghiệp đã được giới chức chính phủ đảm bảo rằng công trình nghiên cứu kéo dài nhiều năm của họ sẽ được công bố, theo 3 nguồn thạo tin về vấn đề này. Nhưng cho tới nay, nghiên cứu đó vẫn chưa được công bố.

Cái giá “quá đắt” của ngành công nghiệp than đá ở Nam Phi - Ảnh 1.

Cái giá của ngành công nghiệp than đá ở Nam Phi không hề nhỏ và cũng không chỉ ở khía cạnh khí hậu. Ảnh: Reuters

Bản sao nghiên cứu mà Reuters có được cho thấy, ở vành đai than đá của Nam Phi có hơn 5.000 người chết mỗi năm do chính phủ đã không thể bắt buộc thực thi các tiêu chuẩn chất lượng không khí. Gần 1/4 số hộ gia đình trong khu vực, nơi có 3,5 triệu người sinh sống, có con bị hen suyễn dai dẳng. Tỷ lệ nay cao gấp đôi tỷ lệ trên toàn quốc.

Từ năm 2015, chính phủ Nam Phi đã trao quyền miễn trừ hạn chế phát thải đối với các công ty nhiên liệu và năng lượng nhà nước vốn đang rơi vào cảnh nợ nần, là Eskom và Sasol, để các công ty này có thể tiết kiệm tiền bạc.

Cách ủng hộ đó của chính phủ đã làm nổi bật một vấn đề ở nhiều quốc gia phụ thuộc vào than đá, từ Australia đến Indonesia, làm cản trở việc chuyển đổi sang các loại năng lượng sạch hơn. Ở những nước sản xuất than đá, chính phủ, doanh nghiệp và người dân địa phương vẫn thường coi than đá như đường sinh mệnh kinh tế.

Ngành công nghiệp than đá của Nam Phi lớn thứ 5 thế giới với 90.000 thợ mỏ, tạo ra 80% điện năng và cung cấp nguyên liệu đầu vào để sản xuất 25% nhiên liệu lỏng cho xe cộ ở Nam Phi. Cái giá của ngành công nghiệp than đá khổng lồ này không hề nhỏ và cũng không chỉ ở khía cạnh khí hậu. Vành đai than đá của Nam Phi chìm trong sương khói và bụi than, mùi khó chịu từ lưu huỳnh tràn ngập khắp nơi.

Theo các chuyên gia, khu vực phía Đông Johannesburg là một trong những khu vực ô nhiễm nhất thế giới cùng với Bắc Kinh và New Delhi.

Năm 2017, chuyên gia về ô nhiễm không khí người Anh Mike Holland tính toán rằng tác động đối với sức khỏe từ khí thải của Eskom nói riêng khiến Nam Phi thiệt hại tới 2,37 tỷ USD mỗi năm.

Bộ Ngư nghiệp, Lâm Nghiệp và Môi trường, phụ trách công trình nghiên cứu nói trên từ chối bình luận lý do kết quả vẫn chưa được công bố.

“Chúng tôi hiểu rằng có những thách thức y tế nghiêm trọng đối với các cộng đồng”, Bộ trưởng Barbara Creecy nói, đồng thời nhấn mạnh chính phủ coi việc cải thiện chất lượng không khí là vấn đề cấp bách.

Trong một vụ kiện gần đây, Bộ Ngư nghiệp, Lâm Nghiệp và Môi trường nói rằng, thách thức chính của Bộ là giải quyết vấn đề ô nhiễm mà không làm ảnh hưởng đến “những người nghèo đang khao khát cơ hội việc làm”.

Than đá trở thành tâm điểm

Khi hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, COP26 , diễn ra ở Glassgow trong tháng này, than đá trở thành tâm điểm của toàn cầu nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang các loại nhiên liệu khác sạch hơn.

Theo tổ chức phi lợi nhuận Global Carbon Atlas, Nam Phi là nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ 12 trên thế giới và cũng là một trong những nước chịu thiệt hại nhiều nhất vì biến đổi khí hậu.

Trong một nỗ lực nhằm đảm bảo nguồn đầu tư nước ngoài, Eskom đặt ra kế hoạch 10 tỷ USD để đến năm 2050 đóng cửa hầu hết các nhà máy đốt than đá ở Nam Phi và chuyển sang các loại năng lượng tái tạo như gió và năng lượng mặt trời, với sự trợ giúp về tài chính từ các nước giàu. Mỹ, Anh, Pháp, Đức và EU ngày 2/11 đã đề xuất hỗ trợ 8,5 tỷ USD để giúp Nam Phi từ bỏ than đá.

Tuy nhiên, các nỗ lực của Eskom đã đặt công ty này vào cuộc xung đột với Bộ trưởng Năng lượng Gwede Mantashe. Ông Mantashe gọi việc từ bỏ than đá là “tự sát kinh tế”.

“Chúng ta không nên làm sụp đổ nền kinh tế của mình chỉ vì họ muốn có các nguồn tài trợ xanh”, ông Mantashe nói.

Ông Mantashe đại diện cho một khu vực bầu cử quyền lực trong đảng ANC cầm quyền, bao gồm các công đoàn của người lao động mà ANC cần sự ủng hộ để giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử. Cũng giống như ông Matashe, những công đoàn này lo ngại về tình trạng mất việc làm.

Bóng tối là một trải nghiệm quen thuộc ở vành đai than đá. Việc cắt điện là một thực tế hàng ngày đối ở các thị trấn như Emalahleni. Nếu mọi người ở lại đây, thì đó là vì cơ hội việc làm.

Những đứa trẻ mắc bệnh hô hấp

Mbali Matabule và chồng quen nhau từ khi cô là học sinh trung học năm cuối ở ngoại ô Emalahleni. Sau khi tốt nghiệp, chồng của cô tìm được việc làm tại nhà máy Secunda của Sasol, nơi biến than đá thành nhiên liệu lỏng cho ô tô. Năm sau, Matabule sinh con đầu lòng của họ, Princess.

Lương của người chồng đủ nuôi sống và sắm sửa cho cô con gái nhỏ và cả những thứ của cuộc sống trung lưu: tivi, lò vi sóng, tủ lạnh, bếp điện trong căn nhà nhỏ trên khu đất của cha mẹ Matabule.

Tháng 5/2018, khi sắp tới sinh nhật 4 tuổi, Princess bắt đầu khó thở. Vợ chồng Matabule vội vã đưa bé đến bệnh viện.

“Họ nói rằng bé bị hen suyễn. Tôi đã nghĩ vì sao lại thế. Khi sinh ra, con tôi không bị hen suyễn”, Matabule nói.

Đến cuối năm đó, họ sinh con thứ hai, Asemahle, và bé cũng sớm gặp các vấn đề về hô hấp.

Cả hai cô con gái của Matabule thường xuyên phải tới bệnh viện. Chi phí điều trị cứ thế tăng dần. Không có bảo hiểm y tế, hai vợ chồng Matabule phải chi 2.500 rand (184 USD) cho mỗi tháng điều trị cho các con, gần một nửa lương của người chồng.

Khói từ việc đốt than đã chứa các hóa chất như lưu huỳnh và Nitơ oxit, thủy ngân và chì, các thành phần phóng xạ như urani và thori.

“Chúng tôi biết ô nhiễm không khí từ than đá có thể gây ra các vấn đề về phổi, các bệnh về tim mạch. Nó có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức của trẻ”, Mohammed Tayob, một bác sỹ ở Middleberg, một trong những thị trấn bị ảnh hưởng nhất trong vành đai than đá.

Nghiên cứu CSIR năm 2019 mà Reuters có được kết luận rằng 5.125 sinh mạng có thể được cứu mỗi năm ở vành đai than đá bằng việc bắt buộc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng không khí.

Không khí ở Emalahleni chứa nhiều hạt vật chất hơn khoảng 20% so với giới hạn của quốc gia là 40 microgam/m3 và nhiều hơn gấp 3 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Matabule đã không thể tưởng tượng được khói mù trong khu phố của cô là lý do khiến con cái mắc bệnh cho đến khi cô tham dự một cuộc họp địa phương về ô nhiễm không khí và nghe câu chuyện của những người hàng xóm.

“Tôi rất tức giận vì không ai làm gì cả, và mọi người đang ốm và sắp chết”, Matabule nói.

Tuy nhiên, giống như chồng của Matabule, vốn phụ thuộc vào than để kiếm tiền, nhiều người dân địa phương cảnh giác với việc chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn.

Valentia Msiza, 33 tuổi, cư dân Vosman, cho biết gia đình đã khấm khá hơn kể từ khi chồng cô nhận công việc ở mỏ than. Họ lo lắng quá trình chuyển đổi có thể khiến họ bị tụt lại.

Vợ chồng Msiza cũng có một người con bị bệnh hô hấp - và họ không thể trả tiền chăm sóc con nếu không có tiền lương và bảo hiểm y tế của người chồng. Gia đình Msiza đang tìm một chuyên gia y tế để điều trị bệnh phổi cho đứa con mới chập chững biết đi.

“Hiện giờ, đó là hy vọng cuối cùng của chúng tôi”, Valentia nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại