Bi kịch của hai điệp viên CIA bị bắt trong Chiến tranh Lạnh

Dương Thắng |

Đây là một trong những vụ án gián điệp bí mật nhất và cũng là vướng mắc nhất trong Chiến tranh Lạnh. Hai đặc vụ CIA: John Downey và Richard Fecteau được cử đi Trung Quốc và bị bắt năm 1952. Chính phủ Mỹ đã phải cải chính thông tin rằng những người này đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ sau khi Trung Quốc công bố công khai bản án xét xử họ (1954) với một án chung thân và một án 20 năm tù giam.

John Downey (trái) và Richard Fecteau trong buổi lễ do CIA tổ chức để tôn vinh hai ông (10-2013).

John Downey (trái) và Richard Fecteau trong buổi lễ do CIA tổ chức để tôn vinh hai ông (10-2013).

Bất chấp các nỗ lực ngoại giao, trong suốt hai thập niên, Trung Quốc luôn từ chối thả tự do cho họ. Phải đến khi Tổng thống Nixon và Cố vấn an ninh quốc gia Kissinger sang thăm Bắc Kinh và khi quan hệ Mỹ - Trung nồng ấm lên, hai người mới được phóng thích. Trở về quê hương sau 20 năm bị bắt, John Downey và Richard Fecteau đã mất nhiều thời gian để tái hòa nhập cuộc sống.

Bị bắt

Tháng 10-2013, Giám đốc CIA George Tenet đã tổ chức một buổi lễ vinh danh John Downey và Richard Fecteau. Hai cựu sĩ quan CIA này, dẫu đã là hai ông già, nhưng vẫn không hề mất đi khiếu hài hước và sự khiêm tốn, nhũn nhặn. Trong buổi lễ đó các sĩ quan trẻ của CIA, hầu như không biết gì về câu chuyện của hai người. Nhưng với CIA, đây luôn là một vết thương khó lành.

Để hiểu được toàn bộ sự việc, chúng ta phải quay trở lại bối cảnh của thời kỳ đó. Nước Mỹ đã chần chừ nhiều thập kỷ trước khi công nhận tính hợp pháp của chính quyền cộng sản, lực lượng đã giành chiến thắng vào năm 1949 ở Trung Quốc đại lục.

Sau khi thất bại trong việc ủng hộ Quốc dân đảng, CIA đã quay sang giải pháp “lực lượng thứ ba”, đó là việc tổ chức đưa những gián điệp biệt kích người Hoa do CIA tuyển dụng và đào tạo quay trở về Trung Quốc để tìm cách móc nối với những sĩ quan đang phục vụ trong hàng ngũ Giải phóng quân nhưng trong thâm tâm vẫn thù ghét chế độ cộng sản (đây thực sự là một chiến lược sai lầm và ấu trĩ của CIA vì những sĩ quan như vậy nếu tồn tại sẽ nhanh chóng bị đào thải).

Bi kịch của hai điệp viên CIA bị bắt trong Chiến tranh Lạnh - Ảnh 1.

Gia đình Downey và Fecteau trước khi sang Trung Quốc thăm tù nhân.

Mùa hè năm 1952, một nhóm 5 gián điệp biệt kích người Hoa đã thâm nhập vào Mãn Châu và gửi về những báo cáo rất đáng kích lệ. Họ khẳng định đã móc nối được với một nhà lãnh đạo quân đội bất đồng chính kiến và người này đã đề xuất một cuộc gặp gỡ đại diện CIA để thảo luận và trao những thông tin tình báo quan trọng.

Các chỉ huy chiến dịch của CIA đều là những cựu thành viên của OSS, những người đã rất thành thạo trong việc gây dựng mạng lưới kháng chiến chống phát xít ở Châu Âu và họ rất tự tin sẽ có những thành công tương tự trên đất Trung Quốc. Một nhận định sai lầm khiến CIA và các điệp viên của mình sẽ phải trả một giá rất đắt.

John Downey và Richard Fecteau là những mẫu sĩ quan trẻ tuổi điển hình mà CIA đã tuyển dụng vào thời kỳ đó: tốt nghiệp các trường đại học lớn ở Bờ Đông (Yale và Boston), vận động viên thể thao, tình nguyện gia nhập CIA, yêu nước và sẵn sàng gánh vác mọi nhiệm vụ để phục vụ đất nước. Đơn vị của họ đóng bên ngoài Trung Quốc, về nguyên tắc họ chỉ làm công tác huấn luyện chứ không được phép tham gia vào những hoạt động tại thực địa.

Tính đến tháng 11-1952, John Downey đã có mặt ở đây được hơn một năm và đã trực tiếp huấn luyện toán gián điệp vừa nhảy dù xuống Mãn Châu, còn Richard Fecteau chỉ vừa mới tới được một tháng và chưa từng gặp toán gián điệp nói trên. Đêm 29-11-1952, một chiếc máy bay C47 của CIA được trang bị đặc biệt, đã cất cánh hướng tới Mãn Châu trong một điều kiện bay thật tuyệt vời.

Bi kịch của hai điệp viên CIA bị bắt trong Chiến tranh Lạnh - Ảnh 3.

Downey bước qua cầu sang đất Hong Kong sau khi được trả tự do (1973) .

Bay đến địa điểm liên lạc lúc nửa đêm, nhận được tín hiệu như đã quy ước, sau khi thả các thiết bị và vũ khí theo yêu cầu của nhóm gián điệp biệt kích, vào lúc phi công đang cho máy bay bay vòng trở lại và hạ độ cao để chuẩn bị đón người thì bất thần ở dưới đất, những cành lá ngụy trang bị vứt sang một bên để lộ ra các khẩu súng đồng loạt khai hỏa, hỏa lực tập trung vào buồng lái, hai viên phi công chết tại chỗ, máy bay bị vỡ làm đôi, Downey và Fecteau ngồi khoang sau, chỉ bị thương nhẹ và bị bắt sống chỉ trong vài phút.

Hóa ra toán gián điệp biệt kích người Hoa nhảy dù trước đó vài tháng, chưa hề tiếp xúc với bất kỳ lực lượng kháng chiến hay lãnh đạo quân đội bất mãn nào, đơn giản là vì họ bị bắt ngay khi xuống mặt đất và đã khai báo tất cả những gì họ biết về chiến dịch này. Những tin nhắn được nhóm này gửi về cho CIA hoàn toàn do lực lượng phản gián Trung Quốc đạo diễn.

Thực ra đã có một thành viên của đơn vị CIA này bày tỏ nghi ngờ khi đọc các tin nhắn, nhưng phụ trách đơn vị đã gạt đi và trù dập bằng cách thuyên chuyển anh này sang bộ phận khác. Khi vụ việc xảy ra, người phụ trách đã yêu cầu anh ta không nhắc lại với ai về chuyện này.

Sau khi bị bắt, John Downey và Richard Fecteau được yêu cầu cung cấp mọi hiểu biết về cơ quan tình báo này: tên người, tính cách, nhân dạng, địa điểm, cách hoạt động… Sau năm tháng cả hai được chuyển tới một nhà tù ở Bắc Kinh.

Lần đầu tiên John Downey và Richard Fecteau gặp lại nhau là tại phiên tòa xét xử họ vào năm 1954. Downey do trực tiếp tham gia huấn luyện toán gián điệp nhảy dù xuống Mãn Châu nên bị kết án chung thân, Fecteau cấp thấp hơn và cũng mới chỉ chuyển tới đơn vị CIA này một tháng nên chịu án 20 năm tù.

Khi đó, CIA đã phủ nhận chuyện John Downey và Richard Fecteau là các điệp viên. Theo tuyên bố chính thức từ phía Mỹ thì đây là hai nhân viên dân sự (làm hợp đồng) cho quân đội Mỹ, họ tình cờ ngồi trên chuyến bay dân sự chặng Hàn Quốc - Nhật Bản và đi lạc vào không phận của Trung Quốc.

Nhưng ở hậu trường, ban lãnh đạo CIA thường xuyên bàn bạc với Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc về việc tổ chức thương lượng để thả người. Năm 1955, một đàm phán toàn diện về việc thả lính Mỹ bị Trung Quốc bắt trong Chiến tranh Triều Tiên, nhưng Chính phủ Hoa Kỳ từ chối đưa Downey và Fecteau vào trong các cuộc thảo luận.

Vì hai người này được tuyên bố là các nhân viên dân sự, việc đưa họ vào dẫn đến nguy cơ phía Trung Quốc xem xét lại vị thế tù binh chiến tranh của những người lính Mỹ khác, hơn thế nữa vụ việc của Downey và Fecteau hiển nhiên là vi phạm luật pháp quốc tế và Trung Quốc hoàn toàn có quyền từ chối trả tự do cho họ.

Trong thời gian này, các bộ phận có liên quan của CIA vẫn thường xuyên được thông báo về số phận của hai đặc vụ CIA đang bị Trung Quốc bắt giữ. CIA vẫn trả lương và thăng cấp trước niên hạn cho hai người.

DeFelice thuộc bộ phận quản lý nhân sự (OP) của CIA đã từng nói: “Chúng ta không thể lấy lại được cho họ những năm tháng tuổi trẻ đã bị giam cầm trong ngục tù, nhưng ít nhất chúng ta cũng có thể đem tới sự an toàn về tài chính cho họ trong tương lai”. Gia đình Downey và Fecteau cũng được CIA hỗ trợ thường xuyên. Chính cơ quan này cũng là nơi tài trợ cho người thân của họ hai chuyến đi thăm thân nhân ở Trung Quốc.

Sau khi lĩnh án, Downey và Fecteau được cung cấp thức ăn dồi dào hơn, được tiếp cận sách báo, gặp gỡ nhau và tiếp xúc với những tù nhân khác và không còn phải mang xiềng xích nữa. Cả hai đã bắt tay vào học tiếng Trung và tiếng Nga cũng như nghĩ ra hàng loạt những hoạt động phong phú để tránh bị chìm vào trạng thái buồn bã, âu sầu và tuyệt vọng.

Bi kịch của hai điệp viên CIA bị bắt trong Chiến tranh Lạnh - Ảnh 5.

“Trung thành tuyệt đối” là tiêu đề bộ phim tài liệu nội bộ của CIA làm về hai cựu đặc vụ John Downey và Richard Fecteau.

Trở về sau 20 năm

Năm 1971, để giải cứu cho hai sĩ quan CIA này, Tổng thống Nixon, theo lời khuyên của Cố vấn an ninh quốc gia Henry Kisinger, đã tiến hành những bước đi hòa hoãn với Trung Quốc, đó là công nhận về mặt ngoại giao, dỡ bỏ các hạn chế thương mại và đầu tư vào Trung Quốc đại lục.

Ngay trong những chuyến đi bí mật đầu tiên của Kissinger đến Bắc Kinh, chủ đề phóng thích cho Downey và Fecteau đã được đem ra bàn thảo. Tháng 12-1971, sau 19 năm và 14 ngày ngồi tù, Fecteau được phóng thích, bước trên cây cầu Lowu đi từ Quảng Châu sang Hong Kong và người của CIA đã chờ sẵn ở đầu cầu phía Hong Kong để đón. Năm 1973, với sự can thiệp trực tiếp của Tổng thống Nixon, Trung Quốc cũng đã thả nốt Downey.

Khi trở về nước, Downey và Fecteau không tránh khỏi ngỡ ngàng và bối rối, Fecteau có hai cô con gái sinh đôi, khi anh bị mất tích, chúng mới có 2 tuổi và khi anh trở về, chúng đã là những cô gái ở độ tuổi 20.

Downey và Fecteau đều từ chối quay trở lại làm việc tại CIA. Downey tiếp tục việc học tại đại học luật và trở thành một vị quan tòa chuyên xử những vụ án liên quan tới trẻ em. Fecteau chuyển đến làm việc tại Đại học Boston.

Đặc biệt, cả hai không viết sách về những năm tháng bị bắt và họ cũng chưa bao giờ thốt ra một lời trách móc với cấp trên, những người vì quá vội vã và thiếu cẩn trọng đã đẩy họ vào một chiến dịch đầy hiểm nguy và thất bại từ “trứng nước”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại