Thủ tướng truy vấn lãnh đạo Kiên Giang, Tiền Giang và 'rất sốt ruột' trước câu trả lời

Hoàng Đan |

Những câu trả lời bị động, chưa nắm chắc tình hình của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang và một số xã, phường khiến Thủ tướng rất sốt ruột.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc.

Thủ tướng phê bình lãnh đạo Kiên Giang, Tiền Giang 

Ngày 13/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc, kiểm tra trực tuyến công tác phòng chống dịch với các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang – nơi tình hình dịch có nhiều diễn biến đáng lo ngại.

Cuộc họp được kết nối trực tuyến tới 26 huyện, thành phố, thị xã và 317 xã, phường, thị trấn thuộc 2 tỉnh.

Trước đó, tại hai tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang, nhiều xã, phường, thị trấn lại chuyển từ "xanh", "cam" thành "đỏ", đây là điều đáng lo ngại.

Do đó, Thủ tướng muốn nghe 2 địa phương này trình bày về công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch, phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó, điều chỉnh các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp chống dịch cho hiệu quả.

Thủ tướng đặt hàng loạt câu hỏi với lãnh đạo các tỉnh và một số phường tại TP Rạch Giá (Kiên Giang) và Mỹ Tho (Tiền Giang) như: Số ca mắc trong cộng đồng tuần qua so với tuần trước, ngày hôm sau so với hôm trước thế nào, tăng hay giảm? Thứ hai, chu kỳ xét nghiệm là bao nhiêu ngày? Điều này rất quan trọng vì tốc độ xét nghiệm mà chậm hơn tốc độ lây lan thì không ngăn chặn được dịch. Thứ ba, tại những nơi thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội đã triển khai trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn theo các Công điện của Thủ tướng hay chưa?

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình thừa nhận còn những hạn chế trong phòng chống dịch, nhất là trong thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội chưa nghiêm túc, "chặt ngoài nhưng lỏng trong" và tỉnh đã phát hiện, chấn chỉnh, có biện pháp khắc phục.

Ông nói tỉnh cũng mới chỉ triển khai các tổ y tế, chưa lập các trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn. Việc trả kết quả xét nghiệm PCR có lúc chậm.

Thủ tướng truy vấn lãnh đạo Kiên Giang, Tiền Giang và rất sốt ruột trước câu trả lời - Ảnh 1.

Quang cảnh cuộc họp trực tuyến.

Thủ tướng nhắc nhở lãnh đạo các địa phương phải nắm rất chắc các số liệu để lãnh đạo, chỉ huy phòng chống dịch hiệu quả.

"Phòng bệnh hơn chữa bệnh, một đồng phòng dịch hiệu quả thì không phải chi hàng triệu đồng chống dịch, chưa kể mất mát về con người và nhiều thứ khác nữa", Thủ tướng lưu ý các địa phương. 

Với Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, ngoài các câu hỏi nêu trên, Thủ tướng hỏi kỹ về số ca tử vong trên địa bàn.

Ông Vĩnh nêu một số lý do khiến có nhiều ca tử vong, như số bệnh nhân chuyển nặng chiếm tỷ lệ lớn, trong khi số lượng máy thở hạn chế, đặc biệt là khi chưa hoàn thiện được bệnh viện dã chiến và Trung tâm Hồi sức Covid-19 (ICU).

Những ngày gần đây, sau khi các bệnh viện dã chiến và ICU đi vào hoạt động, công tác sàng lọc tại tầng 1 và tầng 2 tốt hơn, trang thiết bị và đội ngũ y tế đầy đủ hơn, thì số ca tử vong giảm.

Thủ tướng hỏi thêm, Tiền Giang có 37 xã, phường, thị trấn nguy cơ cao và rất cao, đã triển khai trạm y tế lưu động tại các địa bàn này chưa?

Nghe Chủ tịch Tiền Giang cho biết tỉnh đã có 2 xã triển khai điều trị F0 tại nhà, Thủ tướng nhấn mạnh, điều trị tại nhà và lập trạm y tế lưu động là 2 việc khác nhau.

"Người dân phải được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở thì mới có thể phân loại, điều trị ca bệnh sớm, giảm số ca tăng nặng, giảm tử vong. Nếu xã, phường, thị trấn nào cũng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên thì chắc chắn hệ thống y tế sẽ quá tải", Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng bày tỏ chưa hài lòng vì trong quá trình thực hiện, một số lãnh đạo địa phương, nhất là ở cơ sở vẫn chưa nắm chắc tình hình, không đưa ra được mục tiêu, giải pháp cụ thể; nhận thức chưa đầy đủ để thực hiện xã, phường, thị trấn là pháo đài, người dân là chiến sỹ trong phòng, chống dịch… Đây là nguyên nhân khiến giãn cách kéo dài mà không đạt mục tiêu.

Trước đó, theo VTV, khi kiểm tra tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng đặt câu hỏi: "Ngày hôm qua trong cộng đồng các anh xét nghiệm ra bao nhiêu ca? Phải rất cụ thể, cứ lơ mơ lơ mơ làm sao chỉ huy được?".

Lãnh đạo tỉnh sau một hồi ấp úng trả lời: "Hôm qua tổng số có 154 ca F0", nhưng khi Thủ tướng hỏi "ở đâu?", vị lãnh đạo liên tục lật tìm báo cáo và một lần nữa ấp úng: "Báo cáo Thủ tướng không nhớ nổi".

Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại ông đã nhiều lần gọi điện cho lãnh đạo tỉnh và nói phải kiểm soát hàng ngày, để xem số trong cộng đồng tăng hay giảm và hiện nay xét nghiệm đã theo đúng hướng dẫn của Trung ương, Bộ Y tế chưa.

"Chuyện này rất quan trọng. Tỉnh anh từ chỗ xanh rờn đến đỏ quạch", Thủ tướng nhấn mạnh.

Những câu trả lời bị động, chưa nắm chắc tình hình của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang và một số xã, phường khiến Thủ tướng rất sốt ruột.

Thủ tướng truy vấn lãnh đạo Kiên Giang, Tiền Giang và rất sốt ruột trước câu trả lời - Ảnh 3.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Nhật Bắc.

Thủ tướng nhận định, chỉ kiểm tra nhanh đã thấy công tác phòng chống dịch ở các địa phương này bộc lộ nhiều điểm yếu, sự lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo, tốc độ xét nghiệm còn chậm hơn tốc độ lây nhiễm.

Một số nơi lỏng lẻo trong quản lý người về từ vùng dịch, một số nơi chưa triển khai trạm y tế lưu động xuống xã phường gây quá tải lên tuyến trên, gây tử vong.

Phải kiểm soát dịch bệnh càng sớm càng tốt, cố gắng chậm nhất là ngày 30/9

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu hai tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang và từng huyện, xã đang thực hiện giãn cách phải đặt ra mục tiêu cụ thể, rõ ràng về thời gian kết thúc giãn cách, các tiêu chí cần đạt để kiểm soát dịch bệnh, các giải pháp để đạt mục tiêu...

"Phải kiểm soát dịch bệnh càng sớm càng tốt, cố gắng chậm nhất là ngày 30/9", Thủ tướng yêu cầu.

Về việc kiểm soát, ngăn chặn lây lan, Thủ tướng yêu cầu phải theo hướng dẫn của Bộ Y tế và mỗi địa phương có chiến lược xét nghiệm phù hợp tình hình.

Xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của virus, nhanh chóng phát hiện, phong tỏa nguồn lây, phân loại, chăm sóc, điều trị F0 phù hợp, hiệu quả, tập trung điều trị những ca bệnh nặng, có bệnh nền, phụ nữ có thai, người cao tuổi… Những nơi giãn cách và tăng cường giãn cách phải xây dựng ngay trạm y tế lưu động.

Đồng thời, tăng cường lực lượng y tế, nếu thiếu phải báo cáo ngay và siết chặt kiểm soát nguồn lây từ bên ngoài. Bên cạnh đó, khi có vaccine tích cực tham gia tiêm chủng, "vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất"... 

Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Kiên Giang và Tiền Giang.

Thủ tướng nhấn mạnh, cùng với việc chống dịch hiệu quả thì phải chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi dụng tình hình để trục lợi, nhất là trong mua sắm trang thiết bị, y tế, sinh phẩm…, các cơ quan chức năng thấy có dấu hiệu sai phạm phải kịp thời phát hiện, vào cuộc kiểm tra, xử lý ngay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại