3 hiểu lầm ''ăn sâu bám rễ'' trong tâm trí hội mê phim cổ trang Trung Quốc, đọc ngay để mở mang kiến thức

NGUYÊN DŨNG TT |

Có rất nhiều kiến thức về văn hóa, lịch sử được cài cắm trong những bộ phim cổ trang Trung Quốc. Tuy nhiên, có những chi tiết về văn hóa xưa trong phim chưa sát với thực tế và khiến cho khán giả xem phim hiểu lầm về sự thật lịch sử.

Dòng phim cổ trang Trung Quốc luôn nằm trong top đầu thể loại hấp dẫn khán giả, không chỉ bởi trang phục đầu tư, cảnh quay mãn nhãn mà còn bởi các chi tiết lịch sử, văn hóa cũng được lồng ghép khéo léo trong đó. Tuy nhiên, có khá nhiều những nội dung chưa chính xác đã ăn sâu vào tiềm thức các mọt phim.

Hiểu lầm về Thánh chỉ

3 hiểu lầm ăn sâu bám rễ trong tâm trí hội mê phim cổ trang Trung Quốc, đọc ngay để mở mang kiến thức - Ảnh 1.

Thái giám đang truyền Thánh chỉ (Phân cảnh cắt ra từ 1 bộ phim cổ trang Trung Quốc)

Truyền Thánh chỉ (lệnh Vua ban) là phân cảnh quan trọng chắc chắn sẽ xuất hiện trong hầu hết các bộ phim cổ trang cung đấu. Dù lấy bối cảnh ở triều đại nào, thì ít nhiều cũng có phân đoạn thái giám bên cạnh Hoàng đế 2 tay cầm cuộn Thánh chỉ màu vàng rực rỡ, dõng dạc tuyên bố: "Phụng thiên thừa vận Hoàng đế chiếu viết".

Nhiều người luôn cho rằng câu nói này là "Phụng thiên thừa vận, Hoàng đế chiếu viết", nhưng trên thực tế cách ngắt nghỉ chính xác phải là "Phụng thiên thừa vận Hoàng đế, chiếu viết". Có nghĩa là: Hoàng đế được phái xuống từ trên trời cao, hiện thân cho thân phận cao quý và ý Ngài cũng chính là ý trời.

Ở đây, "Phụng thiên" là để chỉ sự nhận chỉ thị từ trời cao, còn "thừa vận" nhằm chỉ sự vận hành phù hợp với Ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Vì vậy, việc nói thành câu "Phụng thiên thừa vận Hoàng đế" có nghĩa là quyền lực của Hoàng đế theo mệnh trời và do trời ban tặng, đồng thời thể hiện tư tưởng truyền thống "quyền Quân vương do trời ban" trong thời kỳ quân chủ phong kiến ​​xưa ở Trung Quốc.

Chiếu chỉ của triều đình không phải toàn bộ đều là màu vàng tươi chúng ta hay thấy trong phim mà còn được làm bằng các màu đỏ, xanh, vàng, trắng và lục lam. Người ta thường gọi nó là "ngũ sắc", nhưng không nhất thiết phải đủ tất cả các màu. Tuy nhiên trong Thánh chỉ bắt buộc phải có 1 đoạn bằng lụa satin màu vàng, nhằm chứng tỏ bậc Quân vương có quyền nắm giữ thiên hạ.

3 hiểu lầm ăn sâu bám rễ trong tâm trí hội mê phim cổ trang Trung Quốc, đọc ngay để mở mang kiến thức - Ảnh 2.

Thánh chỉ không chỉ có 1 màu vàng

Ngoài ra, trong các bộ phim cổ trang có nhiều cảnh thái giám đọc chiếu chỉ của Hoàng đế. Nhưng trên thực tế, hoạn quan chỉ nắm quyền và có vinh dự đọc chỉ dụ của Vua ở 1 vài triều đại.

Trong phim, sứ thần triều đình là những người chịu trách nhiệm giao chiếu chỉ hoặc giải quyết các công việc quan trọng cho Hoàng đế. Tuy nhiên, họ chỉ là 1 vị trí tạm thời trong triều đại nhà Minh và nhà Thanh, không có chức sắc cụ thể và quyền truyền chỉ dụ chính thức từ triều đình.

Vào thời nhà Minh, người truyền thánh chỉ được gọi là "Hành nhân ty" được ban bố thành chức quan cố định chịu trách nhiệm truyền chỉ. Người ra sắc lệnh trên là Minh Thái Tổ (còn gọi là Hồng Vũ Đế, hoàng đế khai quốc của Hoàng triều nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc, cai trị từ năm 1368 - 1398).

"Hành nhân ty" đã tồn tại hơn 370 năm trong lịch sử Trung Quốc. Từ thời Minh (vua Minh Thái Tổ cho đến thời Thanh (vua Càn Long). Họ đóng vai trò là người "chạy việc vặt" cho hoàng đế để ban hành các chiếu chỉ của Ngài ở nhiều nơi.

Cách xưng hô dành cho con gái Vua

Danh hiệu Quận chúa ra đời vào thời Đông Hán, và con gái của Hoàng thân (thân thích của Vua) được gọi là Quận chúa vào thời nhà Đường.

Vào thời nhà Tống, ngoài con gái của các Hoàng thân được phong là Quận chúa, cũng có trường hợp con gái của quân thần có công cũng được phong là Quận chúa. Sau triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Quận chúa chủ yếu dùng để gọi con gái của Hoàng thân quốc thích.

3 hiểu lầm ăn sâu bám rễ trong tâm trí hội mê phim cổ trang Trung Quốc, đọc ngay để mở mang kiến thức - Ảnh 3.

Cách cách là 1 cách gọi đặc biệt trong thời nhà Thanh, có nghĩa là tiểu thư hoặc cô nương trong tiếng Mãn Châu

Trong triều đại nhà Thanh, nhiều tước vị Hoàng gia đã thay đổi. Vào đầu triều đại nhà Thanh, con gái Vua đều được gọi là Cách cách cho đến khi Hoàng đế Hoàng Thái Cực (vị Đại hãn thứ hai của nhà Hậu Kim, và là Hoàng đế sáng lập ra triều đại nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc. Ông cai trị từ năm 1626 - 1643) lên nắm quyền. Sau đó cách xưng hô Cách cách được chuyển sang Công chúa, và chuyển con gái của những quần thần, quý tộc sang gọi Cách cách. Còn con gái của Hoàng thân được gọi là Quận chúa.

Cách xưng hô Công chúa trong thời nhà Thanh cũng khác. Con gái do Hoàng hậu sinh được gọi là Cố Luân Công chúa, con gái do Phi tần sinh được gọi là Hòa Thạc Công chúa.

Nhưng chuyện gì cũng có ngoại lệ, Cố Luân Hòa Hiếu Công chúa còn được Vua Càn Long gọi là "Thập Công chúa" (là thứ nữ thứ 10 và nhỏ nhất, 1 trong những người con gái được Càn Long Đế yêu thương hết mực).

Trong lịch sử Trung Quốc, duy nhất vào thời nhà Liêu, con gái của Hoàng đế được gọi là Quận chúa.

Tóc đuôi sam của đàn ông triều Thanh

3 hiểu lầm ăn sâu bám rễ trong tâm trí hội mê phim cổ trang Trung Quốc, đọc ngay để mở mang kiến thức - Ảnh 4.

Tạo hình "đầu âm dương" hay còn gọi là tóc đuôi sam thời nhà Thanh

Trong các bộ phim cung đình nhà Thanh, đàn ông về cơ bản đều để tóc thắt 1 bím tóc dài (tương truyền là chưa bao giờ cắt). Nhưng trên thực tế, kiểu tóc của thời nhà Thanh có 1 quá trình tiến hóa khá đặc sắc.

Vào thời Vua Càn Long, về cơ bản phần tóc quanh đầu của đàn ông đều được cạo sạch, chỉ để lại 1 nhúm tóc cỡ 1 đồng xu trên đỉnh đầu. Tức là độ dày của bím tóc có thể lọt qua lỗ nhỏ hình vuông trên đồng tiền (đồng tiền xu thời xưa được khoét 1 lỗ vuông ở giữa để xâu thành chuỗi), mỏng hơn ngón út, người ta gọi là "kiểu tóc đuôi sam".

Vào thời Gia Khánh (Thanh Nhân Tông), mọi người bắt đầu để tóc mọc dài, diện tích nuôi tóc cũng tăng dần, tóc dần thay đổi từ một nắm nhỏ đến nửa đầu, mãi đến cuối thời nhà Thanh mới phát triển trở thành kiểu tóc đuôi sam chắc chắn, đẹp đẽ.

3 hiểu lầm ăn sâu bám rễ trong tâm trí hội mê phim cổ trang Trung Quốc, đọc ngay để mở mang kiến thức - Ảnh 5.

Kiểu tóc đuôi sam dành cho nam giới thời cuối triều đại nhà Thanh

Tuy nhiên, đàn ông triều Thanh không quá khắt khe trong vấn đề cạo râu, ăn mặc và có thể thay đổi theo từng thời kỳ. Nhưng nếu để không đúng kiểu tóc quy định thì họ có thể mất đầu như chơi.

Phim truyền hình cổ trang Trung Quốc thường hoành tráng, được đầu tư nhiều công sức, nhưng có đôi chỗ chưa thật sự sát với lịch sử khiến cho khán giả hiểu nhầm và phần nào gây ảnh hưởng đến nhận thức về sự thật lịch sử. Tuy nhiên, nhiều bộ phim cổ trang Trung Quốc hiện nay đã không chỉ tập trung vào việc gây chú ý hay thứ tự trên bảng xếp hạng, mà còn chú ý nhiều hơn đến việc phục hồi các chi tiết lịch sử 1 cách tinh tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại