Người đầu tiên tìm thấy lăng mộ Tần Thủy Hoàng giờ ra sao? Người hùng trở thành tội đồ, dân làng hắt hủi suốt 20 năm

TAMMY |

Việc phát hiện đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng đã khiến người nông dân phải chịu điều tiếng suốt 20 năm. Ông chỉ được giải oan khi gặp cựu tổng thống Bill Clinton.

Đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng được coi là một trong những "dấu tích vàng" của nền văn hóa Trung Hoa cổ đại. Tuy nhiên, ít ai biết rằng người đầu tiên phát hiện ra kho báu khảo cổ này không phải một nhà khoa học mà là một người nông dân chưa học hết tiểu học - ông Dương Chí Phát.

Sau khi tìm thấy đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng, người nông dân họ Dương chưa kịp trở thành anh hùng đã bị dân làng kỳ thị suốt 20 năm. Chuyện gì đã xảy ra?

Người đầu tiên tìm thấy

đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng

Mùa xuân năm 1974, làng Tây Dương, nằm gần thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây chịu hạn hán nghiêm trọng. Đất đai khô cằn, hoa màu chết khô, để cứu lấy mùa màng, cả làng quyết định thành lập một đội sản xuất và bắt đầu tự đào giếng, ông Dương Chí Phát là một thành viên trong đội.

Trong quá trình đào giếng, người nông dân này cuốc vào một phần đất rất cứng, ông gắng sức đào mạnh thì tìm thấy một vật lạ. "Mũi cuốc ấy tôi đã cuốc trúng cổ của một chiến binh đất nung" - Ông Dương kể lại trong chương trình "Hồi ức quốc gia" của CCTV.

Người đầu tiên tìm thấy đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng bây giờ ra sao? Bị dân làng kỳ thị suốt 20 năm! - Ảnh 1.

Dương Chí Phát là người đầu tiên tìm thấy đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng. Ảnh: CCTV

Đào sâu xuống, người nông dân choáng váng nhận ra bên dưới còn cả một bức tượng hình người. Tượng có tóc đen, da trắng môi đỏ như người thật nhưng màu sắc nhanh chóng biến mất, để lại màu nâu đất sét.

Nhìn thấy hiện tượng này, ông Dương và dân làng không khỏi sợ hãi, họ nghĩ mình đã bị "ma ám" giữa thanh thiên bạch nhật. Dương Chí Phát không rõ những bức tượng này có ý nghĩa gì song ông mờ hồ nhận ra thứ này không hề bình thường.

Người đầu tiên tìm thấy đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng bây giờ ra sao? Bị dân làng kỳ thị suốt 20 năm! - Ảnh 2.

Ông Dương Chí Phát đã báo cáo cho Cục Di tích văn hóa địa phương về những bức tượng lạ. Ảnh: Sohu

Vợ ông Dương là một giáo viên tiểu học, người được coi là có văn hóa trong làng. Khi được chồng kể về những bức tượng đổi màu, bà nghĩ rằng đây có thể là một di tích văn hóa nên khuyên chồng trình báo với Cục Di tích văn hóa địa phương.

Nghe lời vợ, ông Dương lập tức đến Ban Di tích văn hóa huyện để báo cáo. Các chuyên gia nhanh chóng đến hiện trường và tìm thấy cả một đội quân tượng binh mã của Tần Thủy Hoàng.

Chưa dừng lại ở đó, đội khảo cổ còn phát hiện một quần thể lăng mộ có tổng diện tích là 41.600 m2, kích thước tương đương với 5 sân bóng đá quốc tế. Tới này giới chuyên gia đã khai quật tổng cộng 2000 tượng chiến binh và vũ khí, tượng thú vật, nhạc cụ..., ước tính còn 6000 tượng binh sĩ và nhiều đồ tùy táng khác còn nằm dưới lòng đất.

Từ anh hùng trở thành tội đồ

Phát hiện quan trọng của người nông dân Dương Chí Phát chính là điểm mở đầu của một công trình khảo cổ mang tính lịch sử tại đất nước tỷ dân.

Để ghi nhận công lao của ông, địa phương đã tặng thưởng giấy khen cùng 30 NDT cho ông Dương, một số tiền không hề nhỏ trong thời điểm năm 1974. Đội trưởng đội sản xuất của làng Tây Dương cũng rất hài lòng và thưởng tiền cho thành tích của Dương Chí Phát.

Tuy nhiên không lâu sau, thành tựu của ông Dương lại trở thành bi kịch.

Người đầu tiên tìm thấy đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng bây giờ ra sao? Bị dân làng kỳ thị suốt 20 năm! - Ảnh 4.

Để nghiên cứu quần thể lăng mộ Tần Thủy Hoàng, làng Tây Dương, tỉnh Thiểm Tây đã được yêu cầu di dời. Ảnh: Sohu

Để phục vụ việc khai quật lăng mộ Tần Thủy Hoàng, tất cả dân làng Tây Dương, tỉnh Thiểm Tây đã được yêu cầu di dời khỏi khu vực mình sinh sống. 

Người dân làng, đặc biệt là những người lớn tuổi, vốn đã quen với cuộc sống tại đây nên không muốn rời đi. Kết quả là mọi sự bất bình đều đổ lên đầu người nông dân Dương Chí Phát.

"Với 30 tệ mà bán rẻ cả tổ tiên mình!" - Ông Dương ngậm ngùi kể lại những lời nhục mạ mà ông từng nhận được trong cuộc phỏng vấn với CCTV.

Để tránh sự kỳ thị, chỉ trích của người làng, Dương Chí Phát đã phải chuyển tới sống ở một nơi rất xa. Suốt 20 năm sau, ông vẫn không thể gặp lại những người hàng xóm khi xưa.

Được giải oan khi gặp Bill Clinton

Chỉ tới năm 1998, một người đặc biệt đã xuất hiện và thay đổi cuộc đời ông Dương, đó chính là cựu tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton. Khi đến thăm quan đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng, cựu tổng thống Clinton đã thốt lên: "Làm thế nào mà những bức tượng binh mã này được phát hiện?"

Sau cuộc gặp gỡ với cựu tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, Dương Chí Phát đã được giải oan. Ảnh: Sohu

Hướng dẫn viên kể lại cho ông Clinton về quá trình khám phá những bức tượng và cựu tổng thống Hoa Kỳ đã đề xuất được gặp người đầu tiên phát hiện ra những bức tượng.

Chính quyền địa phương ngay lập tức liên lạc với Dương Chí Phát, anh rất ngạc nhiên và vui mừng khi hay tin tổng thống Hoa Kỳ sẽ đến gặp mình.

Khi gặp nhau, ông Bill Clinton còn chủ động bắt tay và xin chữ ký của Dương Chí Phát như một kỷ vật. 

Chỉ một thời gian ngắn sau, người nông dân mới tốt nghiệp tiểu học này đã trở thành nhân vật nổi tiếng khắp cả nước. Nhiều phóng viên tìm đến ông phỏng vấn và giới khảo cổ cũng mời ông làm người quản lý danh dự cho đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng.

Sau 20 năm chịu oan khuất, Dương Chí Phát cuối cùng đã cảm thấy hạnh phúc và tin tưởng vào hành động đúng đắn của mình. Giờ đây người nông dân 82 tuổi mỗi ngày đều xuất hiện ở Viện Bảo tàng tỉnh Thiểm Tây để ký tặng là quà lưu niệm cũng như kể lại quá trình khai quật tượng cho khách thăm quan.

Bài viết tham khảo từ CCTV

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại