Bị Mỹ bỏ rơi cách đây 20 năm, Bắc Kinh đáp trả Washington bằng CSS 2021: Động cơ thâm sâu ngày càng lộ rõ!

Trang Ly |

Bắc Kinh cho thấy những toan tính thâm sâu của họ đang dần thành hiện thực.

Ảnh: CCTV

Ảnh: CCTV

Hơn 20 năm sau khi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đi vào hoạt động, người Trung Quốc vẫn đứng ngoài dự án quốc tế khổng lồ này. Lý do là vì Mỹ - Quốc gia đã từ chối thẳng thừng Trung Quốc trong 'cuộc chơi quốc tế' mang tên ISS. Mỹ luôn lo ngại (và sự thật là thế), Trung Quốc sẽ nhanh chóng sao chép công nghệ của họ và từ đó phát triển vượt bậc hơn.

"Bất cứ điều gì Mỹ chia sẻ với Trung Quốc cuối cùng đều có thể quay lại làm tổn hại chính Mỹ" - The Politico (Mỹ) dẫn lời các nhà lập pháp Mỹ.

Đứng trước lập trường cứng rắn của Đồi Capitol, Trung Quốc buộc phải nung nấu phát triển dự án trạm vũ trụ cho riêng mình. Song song với đó, Trung Quốc đang trên đà gặt hái được một loạt thành tựu vũ trụ khiến thế giới phương Tây phải ngạc nhiên: Đổ bộ Mặt Trăng; Đổ bộ sao Hỏa; Tự xây trạm CSS...

Và rồi, các đối tác thân tín của Mỹ dần dần hướng về Trung Quốc: Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), Nhật Bản và nhiều quốc gia khác bắt đầu bắt tay với nước này. Bởi thế, nhiều cố vấn vũ trụ Mỹ của chính quyền Biden đang lo ngại Washington đứng trước nguy cơ bị lu mờ trước tầm ảnh hưởng rộng lớn của Trung Quốc. Hay nói cách khác, Mỹ hoàn toàn có thể bị "ra rìa" (như cái cách Trung Quốc đã từng) trong thế kỷ 21 này. Đây chính là động cơ thâm sâu của Bắc Kinh khi xây dựng Trạm Vũ trụ Trung Quốc (CSS) tên Thiên Cung. Và họ đang chứng minh mình đúng.

NGÔI NHÀ CỦA BẮC KINH TRÊN KHÔNG GIAN

Kể từ khi trạm vũ trụ thô sơ đầu tiên được tạo ra vào năm 1969, con người trên Trái Đất đã đưa tổng cộng 11 cơ sở như vậy lên quỹ đạo hành tinh.

Mặc dù đã có hàng chục quốc gia thực hiện các chương trình vũ trụ kể từ năm 1969, nhưng tính cho đến nay, chỉ có 3 quốc gia độc lập đưa con người vào sinh sống và làm việc trong môi trường vũ trụ - gồm Liên Xô cũ, Mỹ và Trung Quốc.

Liên Xô và Mỹ bắt đầu các chương trình không gian có người lái trong bối cảnh cuộc chạy đua vũ trụ thời Chiến tranh Lạnh (1946-1991). Khi Chiến tranh Lạnh dần tàn canh, Mỹ-Xô bắt tay nhau xây dựng ISS. Khi ISS đón nhận những công dân Trái Đất đầu tiên lên làm việc (năm 2000), Trung Quốc vẫn bị gạch khỏi ISS - nơi có 5 cơ quan không gian: NASA (Mỹ), RKA (Nga), JAXA (Nhật Bản), CSA (Canada) và 10 trong 17 nước thành viên của ESA (châu Âu) đang hợp tác.

Nhận thấy mình bị bỏ rơi, dù nhiều lần đề nghị tham gia dự án của ISS, Trung Quốc tự thân phát triển ngành công nghệ không gian, đặt nhưng mục tiêu đầy tham vọng ngoài vũ trụ và dần dần hiện thực hóa chúng. Trong số đó có Thiên Cung.

Chính thức bắt đầu vào năm 1999, chương trình không gian có người lái của Trung Quốc đã áp dụng cách tiếp cận 3 bước để xây dựng một "tiền đồn vĩnh viễn" trong quỹ đạo không gian. Hai giai đoạn trước bao gồm chuyến bay của con người và các nhiệm vụ trong phòng thí nghiệm không gian trước đó (là trạm Tiangong-1 năm 2011 và Tiangong-2 năm 2016) đều nhằm đạt được bí quyết kỹ thuật để vận hành CSS về sau.

Bo Linhou cho biết: "Chương trình CSS thúc đẩy sự phát triển của các ngành tiên tiến khác nhau, như khoa học vũ trụ và khoa học đời sống, đồng thời cung cấp cơ hội cho các nghiên cứu tiên tiến trên toàn bộ ngành công nghiệp. Đóng vai trò là 'ngôi nhà' lâu dài trên quỹ đạo, trạm vũ trụ Thiên Cung, với vi trọng lực chân không cao tự nhiên và môi trường siêu sạch, có thể cung cấp các điều kiện hoàn hảo cho nghiên cứu khoa học và công nghệ."

KHÁC BIỆT CỦA TRUNG QUỐC SO VỚI MỸ

Mặc dù Bắc Kinh đã bị loại khỏi dự án Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), nhưng trạm vũ trụ riêng của Trung Quốc lại tỏ ra 'hào phóng' khi sẵn sàng hợp tác với các cơ quan, chính phủ trên phạm vi rộng rãi.

Vào năm 2018, Cơ quan Không gian có người lái Trung Quốc và Văn phòng Liên Hợp Quốc về các vấn đề ngoài không gian (UNOOSA) đã cùng thông báo rằng 9 thí nghiệm khoa học từ 17 quốc gia đã được chấp nhận để tiến hành trên trạm vũ trụ CSS sắp tới.

Các thí nghiệm được chọn đến từ cả các nước phát triển và đang phát triển, bao gồm Pháp, Đức, Nhật Bản, Kenya và Peru, và chúng bao gồm một loạt các chủ đề khoa học, bao gồm quan sát Trái Đất, pin Mặt Trời, khoa học sự sống không gian và công nghệ sinh học.

UNOOSA cho biết sáng kiến ​​"hướng tới tương lai" này nhằm "mở rộng CSS cho tất cả các quốc gia và tạo ra một mô hình mới trong việc xây dựng năng lực về khoa học và công nghệ vũ trụ, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển".

ĐỒ HỌA 1: NHỮNG PHẦN CƠ BẢN CỦA CHINA SPACE STATION - CSS

Bị Mỹ bỏ rơi cách đây 20 năm, Bắc Kinh dằn mặt Washington bằng CSS 2021: Động cơ lộ rõ! - Ảnh 2.

Graphic: China Manned Space; China Academy of Space Techonology - Việt hóa: Trang Ly

Chen Lan, một nhà phân tích chuyên về chương trình không gian của Trung Quốc, nói với AFP rằng dự án này là một "thỏa thuận lớn. Đây sẽ là dự án hợp tác không gian quốc tế lớn nhất đối với Trung Quốc, vì vậy nó rất quan trọng".

"Thông qua hợp tác, chúng tôi muốn xây dựng trạm vũ trụ của Trung Quốc thành một nền tảng nghiên cứu khoa học được thế giới chia sẻ và mang lại lợi ích cho tất cả nhân loại", Hao Chun, Giám đốc Cơ quan Không gian có người lái Trung Quốc (CMSA) cho biết.

Những động thái đó cho thấy, Bắc Kinh rõ ràng ý định khi xây dựng một trạm vũ trụ đầu tiên trong lịch sử của Trung Quốc, đưa người lên sinh sống và làm việc là nhắm đến những lợi ích to lớn về xã hội, kinh tế và quan trọng nhất là khoa học đằng sau nó.

Cái khác biệt của Trung Quốc so với Mỹ thời xây dựng ISS là Trung Quốc không giới hạn hợp tác quốc tế. Quốc gia châu Á này sẵn sàng mở rộng vòng tay hợp tác với bất cứ quốc gia và cơ quan vũ trụ nào, kể cả Mỹ.

Đây là minh chứng: Khi Chang'e-5 của Trung Quốc mang mẫu vật Mặt Trăng về Trái Đất hồi tháng 5/2021, Bắc Kinh sẵn sàng chia sẻ những gam mẫu vật đắt giá đó cho Mỹ - dù rằng trong các sứ mệnh Apollo thế kỷ 20, Washington không hề đả động đến việc chia sẻ nó cho Bắc Kinh!

NGÔI NHÀ CỦA TRUNG QUỐC TRÊN VŨ TRỤ

Trạm Vũ trụ Trung Quốc (CSS) có tên Thiên Cung của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ hoàn thành quá trình lắp ráp vào cuối năm 2022, đi vào hoạt động năm 2023.

Thiên Cung sẽ hoạt động ở quỹ đạo Trái Đất thấp (LEO), ở độ cao từ 340 km đến 450 km so với mặt đất, trong hơn 10 năm. Đây được xem là phòng thí nghiệm vũ trụ cấp quốc gia của Trung Quốc, nơi hỗ trợ các thí nghiệm khoa học và công nghệ trên toàn thế giới.

Nếu CSS hoàn thành vào cuối năm 2022 như kế hoạch và Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) nghỉ hưu vào năm 2024 hoặc 2025 thì Trung Quốc nghiễm nhiên trở thành quốc gia độc quyền sở hữu trạm vũ trụ hoạt động duy nhất tại vùng quỹ đạo Trái Đất.

Gần 30 năm sau ngày Trung Quốc chính thức khởi động chương trình không gian có người lái của mình, được gọi là Dự án 921, nước này đã tiến một bước vượt bậc khi xây dựng trạm CSS đưa người lên sinh sống và làm việc.

Cấu tạo Trạm Thiên Cung có hình chữ T, bao gồm 3 mô-đun: Mô-đun lõi Thiên Hà-Tianhe ở trung tâm và 2 mô-đun phòng thí nghiệm ở hai bên (tên là Vấn Thiên-Wentian và Mộng Thiên-Mengtian, phóng năm 2022). Mỗi mô-đun sẽ nặng hơn 20 tấn.

Trạm Thiên Cung dự kiến ​​sẽ là trạm duy nhất hoạt động ở quỹ đạo Trái Đất vào năm 2024 khi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) nghỉ hưu - Lei Fanpei, Chủ tịch Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, một tập đoàn vũ trụ thuộc sở hữu nhà nước, thông tin.

So với trạm ISS đang hoạt động và các trạm vũ trụ 'huyền thoại' đã nghỉ hưu khác, Trạm vũ trụ Trung Quốc (CSS) có thể không lớn bằng nhưng lại tiết kiệm chi phí hơn và công nghệ tiên tiến hơn trong một số lĩnh vực, cho phép nó đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhiều ứng dụng không gian khác nhau - Bo Linhou, phó giám đốc thiết kế của trạm CSS, cho biết trong một cuộc họp báo.

ĐỒ HỌA 2: SO SÁNH KÍCH THƯỚC CỦA ISS - CSS - MIR

Bị Mỹ bỏ rơi cách đây 20 năm, Bắc Kinh dằn mặt Washington bằng CSS 2021: Động cơ lộ rõ! - Ảnh 4.

Đồ họa so sánh kích thước, khối lượng của: Trạm Vũ trụ Quốc tế (ngoài cùng, bên trái) - Trạm Vũ trụ Trung Quốc (giữa) - Trạm vũ trụ Mir của Liên Xô. Graphic: CSIS

Nếu hoàn thành thành công, CSS sẽ có khối lượng gần bằng 1/6 khối lượng của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) và bằng một nửa kích thước của Trạm vũ trụ Mir của Liên Xô đã ngừng hoạt động. Trạm CSS của Trung Quốc dự kiến ​​có tổng khối lượng từ 60 đến 70 tấn, trong khi ISS có khối lượng hơn 420 tấn và Mir có khối lượng xấp xỉ 130 tấn.

Một số quan chức Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về việc liệu Bắc Kinh có đủ khả năng để tiếp tục đầu tư mạnh vào chương trình không gian có người lái hay không.

Dữ liệu chính thức chỉ ra rằng, Trung Quốc đã chi hơn 20 tỷ NDT (2,90 tỷ USD) cho dự án từ năm 1992 đến 2005, và thêm 15 tỷ NDT (2,17 tỷ USD) từ năm 2005 đến năm 2011.

Tính đến năm 2016, Trung Quốc đã phân bổ một phần lớn hơn ngân sách không gian của mình lên tàu vũ trụ có người lái (khoảng 33%) so với bất kỳ quốc gia nào khác. Mỹ theo sau với khoảng 27%.

Xét về tổng thể của chính phủ tài trợ cho các hoạt động không gian, Trung Quốc bỏ xa mọi quốc gia trên thế giới vào năm 2020, ngoại trừ Mỹ.

Ngày 24/4/2016, ông Tập Cận Bình đã đề cao khát vọng của Trung Quốc trở thành nhà lãnh đạo thế giới trong lĩnh vực khám phá không gian. Nếu CSS ra mắt thành công (cuối năm 2022), Trung Quốc sẽ chứng minh được “năng lực đổi mới độc lập” của mình.

Trong đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng bày tỏ mong muốn gửi các tàu thăm dò tới sao Mộc như một phần trong chiến dịch của họ nhằm đưa Trung Quốc thành quốc gia sở hữu một trong ba chương trình không gian hàng đầu trên thế giới vào năm 2030.

Bài viết sử dụng nguồn: CGTN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại