Con đường chết chóc nhất: Mỗi năm 3000 xác chết tại ''xa lộ tử thần'' của Brazil, cái giá quá đắt mà thiên nhiên phải trả vì con người

J.D |

3000 xác chết mỗi năm, nghĩa là mỗi đêm có ít nhất 8 vụ tai nạn xảy ra, để lại những hậu quả đau lòng.

Chiếc vòng định vị của Schwartz hoạt động lần cuối khi con thú ăn kiến khổng lồ đứng bên rìa con đường BR-262, nơi được mệnh danh là "xa lộ tử thần". Kể từ đó, không còn bất kỳ tín hiệu nào được ghi nhận nữa. Nhưng các nhà sinh học và thú y từ Viện bảo tồn Động vật hoang dã (ICAS), họ biết rất rõ điều gì đã xảy ra.

Người tài xế đâm vào Schwartz có lẽ đã không thấy nó cho đến khi mọi thứ quá muộn. Đó là lúc nửa đêm, trong khi lông của Schwartz lại tối màu còn đôi mắt chẳng phản chiếu lại ánh sáng. Trong tình huống như vậy, để tránh được nó là điều không thể.

Con đường chết chóc nhất: Mỗi năm 3000 xác chết tại xa lộ tử thần của Brazil, cái giá quá đắt mà thiên nhiên phải trả vì con người - Ảnh 1.

Vụ va chạm là rất nặng, khiến chiếc vòng cổ định vị của Schwartz vỡ nát. Các nhà nghiên cứu tin rằng nó đã cố gắng lết ra khỏi con đường, tìm một nơi khác để chết. Nhưng xác của nó không bao giờ được tìm thấy.

Và chuyện của Schwartz cũng không phải hiếm gặp. Nó nằm trong số hàng ngàn xác chết động vật được tìm thấy tại xa lộ này mỗi năm.

BR-262 được xây dựng vào thập niên 1960, rất lâu trước thời điểm đạo luật bảo vệ thiên nhiên được thông qua vào năm 1986. Nó cắt ngang qua khu rừng có hệ sinh thái phong phú bậc nhất của Brazil. Và nay, sau hàng thập kỷ xuất hiện, những con số đang khiến nhà chức trách phải chú ý về mối nguy hiểm mà con người đang gây ra cho thế giới tự nhiên.

3000 xác chết mỗi năm

BR-262 trải dài từ đông sang tây của các bang Espírito Santo, Minas Gerais, São Paulo và Mato Grosso do Sul, xuyên thẳng qua rừng Atlantic, Cerrado và Pantanal. Trong đó, cung đường tử thần kéo dài tới 300km, chạy xuyên qua rừng Pantanal để nối các thành phố Aquidauana và Corumbá - nơi có rất nhiều công ty khai khoáng hoạt động.

Con đường chết chóc nhất: Mỗi năm 3000 xác chết tại xa lộ tử thần của Brazil, cái giá quá đắt mà thiên nhiên phải trả vì con người - Ảnh 2.

BR-262 - xa lộ tử thần của Brazil

Theo số liệu từ ĐH Liên bang Mato Grosso do Sul, hơn 3000 xác của 88 loài động vật được tìm thấy trên con đường này mỗi năm, nguyên nhân vì tai nạn giao thông.

Năm 2020, rừng Pantanal hứng chịu đợt hạn hán kinh khủng nhất suốt gần 1,2 thế kỷ, cộng thêm đợt cháy rừng thảm họa khiến cho nguồn nước chính là sông Paraguay gần như cạn khô. Chính vì vậy, các công ty khai khoáng phải vận chuyển hàng theo đường bộ, và lưu lượng xe tải chạy qua khu vực này tăng lên nhanh chóng.

Mặt khác, cháy rừng cũng khiến các loài vật phải rời khỏi nơi trú ẩn, tiếp cận gần con đường hơn. Khi con người và động vật hoang dã đến gần nhau, rủi ro va chạm đương nhiên sẽ tăng lên.

Con đường chết chóc nhất: Mỗi năm 3000 xác chết tại xa lộ tử thần của Brazil, cái giá quá đắt mà thiên nhiên phải trả vì con người - Ảnh 3.

Một con thú ăn kiến thản nhiên vạch hàng rào chui qua

Theo nhà sinh vật học Fernanda Abra, chuyên gia về hệ sinh thái và là đồng sáng lập công ty tư vấn môi trường ViaFauna, có vài điểm xuyên suốt xa lộ BR-262 được dùng để ngăn các loài động vật chạy ra đường. Tuy nhiên, chúng chẳng tỏ ra chút hiệu quả nào.

"Các hàng rào không đủ dày, và cũng quá thấp. Các loài như chuột lang khổng lồ capybara và thú ăn kiến hoàn toàn có thể phá rào hoặc trèo qua, nai thì nhảy qua, trong khi lũ armadillo thì đào hang xuyên qua."

Abra cùng đội ngũ ViaFauna đã bắt đầu theo dõi các vụ tai nạn liên quan đến động vật hoang dã tại đường BR-262 từ tháng 12/2020, sau một vụ kiện liên quan đến Cục Hạ tầng giao thông quốc gia (DNIT) với đòi hỏi phải có biện pháp bảo vệ thiên nhiên tốt hơn. Theo văn phòng tố tụng, DNIT trước đó đã đưa ra một vài biện pháp để giảm tỉ lệ động vật tử vong, như đặt bẫy giảm tốc hoặc thêm biển cảnh báo. Nhưng tất cả là chưa đủ.

Theo văn phòng công tố, việc đặt hàng rào và tạo ra những con đường an toàn hơn cho động vật băng qua đáng lẽ phải là ưu tiên của DNIT. Giám đốc của DNIT - ông Luiz Guilherme Rodrigues de Mello cũng cho biết cục có ghi nhận vấn đề của đường BR-262 và các con đường tương tự, nhưng phải nhờ vụ kiện mà họ mới nhận ra sự nghiêm trọng của câu chuyện.

Vụ kiện đã buộc DNIT phải tìm đến ViaFauna, cung cấp chi phí để họ theo dõi các vụ tai nạn. Abra cho biết báo cáo cuối cùng và chi tiết nhất phải đến tháng 12/2021 hoặc tháng 1/2022 mới có. Tuy nhiên trong một nghiên cứu được thực hiện tại São Paulo, trung bình 3000 vụ tai nạn mỗi năm tại bang này có liên quan đến động vật hoang dã, và khiến 22 người tử vong. Các vụ việc này tiêu tốn khoản chi phí lên tới 7,5 triệu bảng Anh (khoảng 240 tỉ đồng tiền Việt).

Cái giá quá đắt

Cáo, armadillo nằm trong số các loài vật thường xuyên thiệt mạng vì va chạm giao thông tại BR-262. Tuy nhiên, số lượng trong quần thể của các loài vật này lại rất ổn định, nghĩa là ảnh hưởng từ mỗi vụ va chạm là thấp hơn rất nhiều so với những loài đang nguy cấp - như thú ăn kiến khổng lồ.

Thú ăn kiến khổng lồ có xu hướng băng qua đường vào ban đêm - thời điểm chúng hoạt động mạnh mẽ nhất, nhưng cũng là lúc 80% - 90% các vụ tai nạn thường xảy ra. Loài vật này cũng có vòng sinh sản khá chậm, chỉ sinh 1 con non mỗi lần. Theo nhà sinh vật học Arnaud Desbiez, số liệu cho thấy dân số của thú ăn kiến khổng lồ đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ các vụ tai nạn do con người gây ra.

Con đường chết chóc nhất: Mỗi năm 3000 xác chết tại xa lộ tử thần của Brazil, cái giá quá đắt mà thiên nhiên phải trả vì con người - Ảnh 4.

Xác của một con thú ăn kiến bên vệ đường

"Tai nạn giao thông không phải là nguyên nhân trực tiếp gây tuyệt chủng. Nhưng chúng khiến khả năng tăng trưởng loài giảm đi phân nửa, nghĩa là các loài vật có ít khả năng tái phục hồi trước những thảm họa khác như cháy rừng, ngộ độc hóa chất, hoặc mất môi trường sống."

Đây cũng là lý do vì sao các nhà nghiên cứu của ICAS chọn thú ăn kiến làm đối tượng, nhằm tìm hiểu rõ ảnh hưởng từ các vụ tai nạn là nguy hiểm đến mức nào, đặc biệt là tại Mato Grosso do Sul. "Tại Mato Grosso do Sul, mọi con đường đều là xa lộ tử thần," - Desbiez cho biết.

Con đường chết chóc nhất: Mỗi năm 3000 xác chết tại xa lộ tử thần của Brazil, cái giá quá đắt mà thiên nhiên phải trả vì con người - Ảnh 5.
Con đường chết chóc nhất: Mỗi năm 3000 xác chết tại xa lộ tử thần của Brazil, cái giá quá đắt mà thiên nhiên phải trả vì con người - Ảnh 6.

BR-262 chỉ là một phần của câu chuyện, dù nó gây chú ý nhất. Những con đường khác cũng chết chóc chẳng kém gì, như BR-267 có tỉ lệ tương đương. Đường MS-040, nơi được xem là "mồ chôn của heo vòi" vì số lượng tai nạn liên quan đến loài vật này là rất cao. Hay BR-319 chạy qua Amazon, nối Manaus với Porto Velho. DNIT hiện đang làm việc để cải thiện sự an toàn của con đường này, với hy vọng mang đến thay đổi tích cực trong năm nay.

Tại ICAS, Desbiez và các đồng nghiệp đang tiếp tục theo dõi thú ăn kiến khổng lồ. Họ lên kế hoạch khá chi tiết về các giải pháp, bao gồm việc xây dựng ứng dụng cảnh báo động vật, giảm thiểu thời gian chạy đêm cho các tài xế, đồng thời thay đổi nhận thức của con người.

"Đây không chỉ là vấn đề về đa dạng sinh thái. Nó còn là an toàn của con người. Người ta đang chết dần trên những con đường như vậy."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại