Gửi những người chưa biết ơn nhân dân!

Bùi Hải |

Cuộc tranh luận nảy lửa "nghệ sĩ và công chúng - nhân dân, ai nuôi ai, ai phải mang ơn ai?" rồi sẽ đi đến đâu?

Chỉ yêu thôi là chưa đủ…

Vài ngày trước, một nghệ sĩ đã nói rằng, tại sao lại phải mang ơn, tri ân khán giả? Tại sao lại quan niệm khán giả là người nuôi nghệ sĩ trong khi để có thành tựu, có tiền, nghệ sĩ phải lao động vất vả, moi tim, moi óc sáng tạo?

Muốn trả lời câu hỏi ấy, xin hãy bắt đầu bằng bài thơ "Tiếng ru" của nhà thơ Tố Hữu:

Con ong làm mật, yêu hoa

Con cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu trời

Con người muốn sống, con ơi

Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.

Nhưng nếu chúng ta chiêm nghiệm bài thơ bằng góc nhìn sâu hơn, đặc biệt từ góc nhìn Phật giáo, chúng ta sẽ thấy, ồ hóa ra chừng đó là chưa đủ.

Nếu con ong không yêu bông hoa đã dâng hiến mật cho nó, và không mang những giọt mật đó cho dâng hiến cho người khác, thì có lẽ giá trị của ong không hơn gì một con nhặng.

Nhưng con ong chỉ yêu bông hoa thôi, chưa đủ. Không có lá, thân, gốc rễ của cây hoa đó, làm gì có hoa để ong hút mật?

Không có mảnh đất màu mỡ, không có nước, không có không khí, không có khí hậu thuận hòa, không có mặt trời, không có phân bón, không có hạt mầm, không có người trồng hoa…thì con ong làm gì có mật mà hút?

Vì vậy, yêu bông hoa chưa đủ. Con ong còn phải yêu và biết ơn vô cùng đến tất cả các yếu tố đã góp phần tạo nên bông hoa ấy.

Nếu thiếu không khí, nước, mặt trời… thì chẳng những hoa không xuất hiện, mà chính con ong ấy cũng chả tồn tại trên đời, nói gì đến việc đi hút mật.

Gửi những người chưa biết ơn nhân dân! - Ảnh 1.

Con chim, con cá, con người cũng vậy, không chỉ phải biết yêu trời, yêu nước, yêu người, mà cao hơn thế, phải biết ơn tất cả vạn vật đã tạo dựng nên cuộc sống này. Nếu không có lòng biết ơn sâu sắc, thì tình yêu cũng sẽ hời hợt và dễ vỡ.

Khi cầm tiền đi mua gạo, mua rau, mua thịt chúng ta thường nghĩ rằng, nhờ có những đồng tiền của mình mà nông dân đỡ khổ. Ít ai nghĩ rằng: Khi một thành phố bị phong tỏa vì covid, nếu không có những người nông dân lam lũ ấy, thì chúng ta có ăn vã được tiền thay cơm?

Khi chúng ta tặng quà cho một người nghèo, thậm chí chúng ta không biết con cháu họ đang cầm súng ở biên giới bảo vệ đất nước. Khi chúng ta nhận thức mình cần biết ơn người chiến sĩ ấy, thì hành động tặng quà của mình, chính là tri ân chứ không phải bố thí.

Chúng ta có nhiều tiền, nhưng không có người công nhân chế tạo máy lạnh, quạt điện; không có người bán, chúng ta sẽ vượt qua mùa hè như thế nào?

Những kẻ chặt phá rừng có bao giờ nghĩ rằng, nếu không còn cỏ cây nhả ô xy, liệu phổi của họ có hít thở được bằng niềm tin? Chúng ta phải ơn cỏ cây hay tận diệt chúng?

Trong đời sống, thường chúng ta chỉ biết ơn những người giúp ta trực tiếp: Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.

Những người sống trong thế giới biết ơn, cần phải thấu hiểu hơn thế nữa.

Chúng ta không chỉ biết ơn các nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch, mà còn biết ơn ông bà, bố mẹ đã sinh ra, nuôi dưỡng họ.

Khi ca ngợi một nhà khoa học, chúng ta cần biết ơn thầy cô giáo của họ, vợ con họ, đồng nghiệp họ, đã gom góp mỗi người một chút công lao kiến tạo nên "con người khoa học" ấy.

Lòng biết ơn sâu thẳm – biết ơn trong tuệ giác ấy, được Thiền sư Thích Nhất Hạnh ví dụ rất dễ hiểu: "Nếu bạn thực sự tiếp xúc với một miếng cà rốt, bạn sẽ tiếp xúc được với đất, với mưa, với ánh nắng mặt trời. Bạn cũng đồng thời tiếp xúc được với đất Mẹ.

Ăn như thế, bạn cảm thấy mình đang thực sự tiếp xúc với sự sống, với gốc rễ của mình. Và đó là thiền quán. Nếu ta nhai mỗi miếng thức ăn theo cách đó, ta sẽ phát khởi tâm niệm biết ơn. Và chừng nào còn biết ơn, chừng đó ta còn hạnh phúc".

Minh triết phương Đông cũng có quan niệm cực kỳ sâu sắc về lòng biết ơn: "Thiên Địa phú tải chi ân/ Nhật nguyệt kiến lâm chi đức" (Trời đất ban cho ân huệ/ Nhật nguyệt soi sáng công đức).

Sống trong đời, phải biết ơn Trời che, Đất trở. Trời xa, đất rộng còn phải biết ơn như vậy, lẽ nào chúng ta vô ơn với những người sống quanh ta, tạo nên quê hương, đất nước, cộng đồng bao bọc ta?

Gửi những người chưa biết ơn nhân dân! - Ảnh 2.

Ai nuôi ai và nuôi thế nào?

Nghệ sĩ nuôi công chúng hay công chúng nuôi nghệ sĩ?

Trả lời câu hỏi này, lại xin dẫn đoạn thơ tiếp theo của bài "Tiếng ru":

Một ngôi sao chẳng sáng đêm

Một thân lúa chín, chẳng nên mùa vàng

Một người - đâu phải nhân gian?

Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi!

Nếu một người nghệ sĩ cực kỳ sáng tạo mà ở ngoài hoang đảo một mình như Rô-bin-xơn, không có công chúng, giá trị của anh ta sẽ còn bao nhiêu?

Để nuôi dưỡng nên một con người, không chỉ có cơm ăn, nước uống, áo mặc, mà còn cần môi trường gia đình, trường học, xã hội.

Để nuôi dưỡng một nghệ sĩ tài năng, yếu tố tiền bạc có lẽ chưa phải là yếu tố quan trọng nhất. Trong một bữa tiệc, thực khách nhồm nhoàm, thái độ trịch thượng, cử chỉ sàm sỡ, thì nghệ sĩ có nhận được thù lao gấp nhiều lần, họ vẫn thấy ê chề.

Sự chờ đợi háo hức, sự hứng khởi, lời ca ngợi, sự tôn thờ và tình thương yêu cháy bỏng, thậm chí vô điều kiện của khán thính giả, có lẽ mới là chất xúc tác tuyệt vời nhất, để nghệ sĩ cất cánh thăng hoa.

Đó chính là những thức ăn vô hình để "nuôi" nghệ sĩ.

Có một chân lý không bao giờ thay đổi: Chẳng có ai xây được tòa tháp vĩ đại trên nền móng của sự vô ơn. Những người thành công vượt bậc cả về tài chính và nhân cách, không thể là những kẻ vô ơn!

Nhưng công chúng không "nuôi" nghệ sĩ một cách không công. Nghệ sĩ cũng đã nuôi dưỡng lại công chúng bằng tài năng và tâm huyết của mình. Các tác phẩm nghệ thuật thứ thiệt là thức ăn tinh thần của công chúng – thứ thức ăn hàng ngàn năm vẫn còn giá trị.

Gửi những người chưa biết ơn nhân dân! - Ảnh 3.

Ngộ nhận quyền năng và coi thường công chúng

Khi lên đỉnh vinh quang, không ít người ngộ nhận về quyền năng của mình và bắt đầu xuất hiện tâm lý vô ơn, coi thường công chúng – "thượng đế" của mình.

Họ quên rằng, quyền năng không chỉ xây từ tâm huyết, tài năng của người nghệ sĩ, mà còn phải xây từ sự mến mộ, yêu thương và cả ví tiền đôi lúc không được rủng rỉnh - của công chúng.

Khi bị được góp ý rằng người nổi tiếng không nên tham gia quảng cáo sai hoặc sự thật, một nghệ sĩ đã nói rằng: Quảng cáo thổi phồng một chút có sao đâu.

"Có sao đâu" vì nghệ sĩ được bộn tiền, nhưng công chúng của anh, những người yêu thương anh, lại mất rất nhiều. Một người đang bị bệnh nặng, nghe nghệ sĩ quảng cáo "thần dược", họ tin theo và từ chối phương thuốc điều trị khác, thì đời họ sẽ đi về đâu?

Người nghệ sĩ thực sự trân trọng và biết ơn công chúng, sẽ thấy mình có "trách nhiệm lương tâm" từ chối những quảng cáo không trung thực. Nếu không, họ sẽ dễ dãi lấy oán để trả ơn công chúng. Đó chính là biểu hiện sâu xa của sự coi thường công chúng, biểu hiện mà nhiều khi chính nghệ sĩ dễ dãi, cũng không nhận ra.

Bởi vì họ chưa thực sự hiểu tận cùng, vai trò của công chúng đối với cuộc đời mình.

Lúc bình thường, ít ai nâng niu bình nước uống. Nhưng nếu ta bị lạc giữa sa mạc, liệu một chai nước có quý hơn vàng?

Khi bước xuống boong chiếc tàu khổng lồ, sang trọng, hào nhoáng "không thể bị chìm" Titanic, mấy ai để ý đến những chiếc phao nằm lặng lẽ trong góc tàu? Nhưng khi thảm kịch xảy ra, một cái phao có giá bằng mạng sống.

Công chúng, phần đông là những người bình thường, thậm chí sùng bái nghệ sĩ quá mức. Nhưng chỉ cần những người ấy quay lưng, tẩy chay, thì tất cả tâm huyết, tài năng của nghệ sĩ, sẽ giống như đốm lửa tàn trong thơ Tố Hữu. Bài học từ mấy nghệ sĩ nổi tiếng Trung Quốc vô ơn với nhân dân, đất nước bằng cách trốn thuế, vẫn chưa kết thúc.

Gửi những người chưa biết ơn nhân dân! - Ảnh 4.

Sống trong thế giới biết ơn

Không chỉ có nghệ sĩ cần biết ơn công chúng. Công chúng tử tế cũng cần dành cho người nghệ sĩ lòng biết ơn chân thành. Nhờ có nghệ sĩ tài năng và chân chính, cuộc đời công chúng phong phú hơn, màu sắc hơn, hứng khởi hơn. Ai coi thường nghệ sĩ tử tế, chính là đang điền tên mình vào danh sách những kẻ vô ơn.

Vô ơn sẽ dẫn đến vô cảm. Vô cảm là tiền đề của vô trách nhiệm. Những người vô trách nhiệm làm sao tìm được chỗ đứng giá trị trong xã hội?

Pháp sư Tịnh Không đã có những câu rất hay để mỗi chúng ta đều có thể sống trong thế giới biết ơn:

Hãy biết ơn những người khiển trách ta

vì họ giúp ta tăng trưởng Định Tuệ.

Hãy biết ơn những người làm ta vấp ngã

vì họ khiến năng lực của ta mạnh mẽ hơn.

Hãy biết ơn những người bỏ rơi ta

vì họ đã dạy cho ta biết tự lập.

Hãy biết ơn những người đánh đập ta

vì họ đã tiêu trừ nghiệp chướng cho ta.

Hãy biết ơn những người lường gạt ta

vì họ tăng tiến kiến thức cho ta.

Hãy biết ơn những người làm hại ta

vì họ đã tôi luyện tâm trí của ta.

Một lần nữa, xin được mượn tiếp khổ thơ trong bài thơ Tiếng ru của nhà thơ Tố Hữu, thay cho lời kết:

Núi cao bởi có đất bồi

Núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu?

Muôn dòng sông đổ biển sâu

Biển chê sông nhỏ, biển đâu nước còn?

Những cuộc tranh luận cần thắng thua bao giờ cũng khiến người ta buộc phải chọn đứng ở hai bờ chiến tuyến, hai bờ ân oán. Hơn thua, được mất, cao thấp, chê bai, gièm pha, công kích…chỉ làm mồi cho bia miệng, chứ chả ai mang theo được tới "chuyến đi cuối cùng". Tất cả chỉ là vô thường.

Bài viết này không nhằm chê trách bất cứ ai, mà là một lời nhắn gửi nho nhỏ từ tâm cảm của người viết, để mong cuộc đời ngắn ngủi này chỉ còn lời cảm ơn, không còn lời oán trách.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại