Vinamilk, Dabaco có thể bị ảnh hưởng vì giá lương thực toàn cầu tăng mạnh

Bảo Vy |

Trong khi Vinamilk, Dabaco có thể bị ảnh hưởng vì giá lương thực toàn cầu tăng mạnh, ở chiều hưởng lợi sẽ là các doanh nghiệp lúa gạo như LTG, TAR và doanh nghiệp đường QNS, SLS…

Công ty chứng khoán VNDIRECT (VND) mới đưa ra báo cáo Ngành Nông nghiệp: Giá lương thực toàn cầu tăng tác động đến các nhà sản xuất.

Theo tổ chức Lương thực Quốc tế (FAO), chỉ số giá lương thực toàn cầu tăng 2,1% trong tháng 3/2021 và ở mức cao nhất kể từ tháng 6/2014. Nguồn cung bị gián đoạn, tỷ lệ dự trữ nông sản thấp và đồng Đô la Mỹ suy yếu có thể là nguyên nhân khiến giá lương thực tăng cao gần đây. Xu hướng giá này dự kiến sẽ tiếp tục tăng do triển vọng mùa vụ năm 2021 bị ảnh hưởng do thời tiết bất lợi và sự phục hồi nhanh hơn kỳ vọng tại Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu về lương thực tăng cao.

VNDIRECT nhận định, phía hưởng lợi sẽ là các công ty xuất khẩu gạo, sản xuất đường (LTG, TAR) trong khi đó những doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng là sản xuất sữa , thức ăn chăn nuôi , dầu ăn (VNM, DBC, MML, KDC, TAC, VOC).

Cụ thể, theo VNDIRECT, Vinamilk (VNM) sẽ chịu tác động bởi biến động giá sữa bột.

“Đợt tăng giá này sẽ ảnh hưởng đến chi phí nguyên liệu của VNM trong nửa cuối năm 2021 do công ty đã chốt giá sữa bột (gần như không đổi so với cùng kỳ) cho hoạt động sản xuất đến T6/2021 vào cuối năm 2020”, báo cáo của VNDIRECT nêu.

Vinamilk, Dabaco có thể bị ảnh hưởng vì giá lương thực toàn cầu tăng mạnh  - Ảnh 1.

Đối với doanh nghiệp dầu thực vật như KDC, TAC, VOC, công ty chứng khoán VNDIRECT cho biết, việc giá dầu thương mại quốc tế tăng mạnh sẽ khiến giá vốn hàng bán của mảng dầu ăn của KDC tăng, từ đó thu hẹp biên lợi nhuận gộp của mảng này.

Tuy nhiên, theo đánh giá của VNDIRECT, mảng dầu của KDC (TAC và VOC) đã có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý giá nguyên vật liệu, có bộ phận thương thảo hợp đồng tốt và lợi thế về quy mô lớn (chiếm 30% thị phần ngành dầu) giúp cho giảm tác động của giá dầu ăn nguyên liệu tăng lên tình hình kinh doanh của tập đoàn, cụ thể là TAC đã tăng hàng tồn kho lên 901 tỷ đồng (+61% so với cùng kỳ) , KDC hàng tồn kho tăng lên mức 1.210 tỷ (+36% so với cùng kỳ) vào cuối quý 4/2020 vừa rồi.

Với mảng thức ăn chăn nuôi mà đại diện là Dabaco (DBC) và MML, báo cáo của VNDIRECT cho biết, kể từ tháng 8/2020, giá nguyên liệu đầu vào đã tăng mạnh với giá ngô tăng 45% so với cùng kỳ và đậu tương tăng 50% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chính khiến giá đầu vào tăng mạnh là do nhu cầu thức ăn chăn nuôi từ Trung Quốc tăng đột biến do quy mô đàn lợn của họ phục hồi sau dịch ASF.

VNDIRECT dự báo giá đầu vào sẽ tiếp tục giữ ở mức cao do nhu cầu sản xuất ở các nước sẽ phục hồi từ năm 2021. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi như DBC và MML sẽ bị ảnh hưởng bởi những đợt tăng giá này do giá nguyên liệu đầu vào tăng không thể chuyển hết thành giá bán do còn phải cạnh tranh với các công ty nước ngoài khác.

Tương tự, mảng chăn nuôi của 2 doanh nghiệp kể trên cũng bị ảnh hưởng bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng trong khi giá lợn được dự báo sẽ giảm khoảng 19% so với cùng kỳ vào năm 2021 so với mức trước dịch ASF do quy mô đàn lợn sẽ được phục hồi.

LTG, TAR, QNS hưởng lợi nhờ giá lương thực tăng mạnh

Ở chiều ngược lại, VNDIRECT cho biết, VNDIRECT ưa thích LTG và QNS do các công ty này tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào và hưởng lợi từ mức giá bán cao hơn. VNDIRECT cho rằng LTG có vị thế tốt để tận dụng được xu hướng giá tăng do sản lượng bán của công ty được đảm bảo bởi các hợp đồng cố định hàng năm vào tháng 2, tháng 6 và tháng 9.

Mặc dù giá đậu nành cao hơn có chút tiêu cực đối với QNS, nhưng công ty có thể được hưởng lợi kép từ quyết định mới về thuế chống bán phá giá đường nhập khẩu Thái Lan và giá đường tăng cao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại