Vinamilk và Kido chính thức lập liên doanh tiến vào thị trường đồ uống quy mô hơn 5 tỷ USD

Tri Túc |

Dung lượng thị trường đồ uống hiện đang vào ở mức 123.558 tỷ đồng, tức tăng 8,4% từ năm 2015. Con số này dự kiến tăng hơn 6% cho giai đoạn 2020-2023, với quy mô dự đạt 134.302 tỷ đồng.

Tập đoàn Kido vừa công bố Nghị quyết mới thông qua việc thành lập liên doanh với Vinamilk (VNM). Được biết, thương hiệu liên doanh theo tiết lộ của KDC hồi ĐHĐCĐ thường niên năm nay là Vibev - nhằm tạo đối trọng với Thaibev. Theo đó, Vibev dự hoạt động chính là sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nước giải khát không có gas có lợi cho sức khoẻ, và kem.

Tổng vốn đầu tư ban đầu của liên doanh là 400 tỷ đồng, Kido góp 49% (tương đương 196 tỷ) và VNM góp 51% (tương đương 204 tỷ đồng).

Dự kiến trong tháng 4/2021, các sản phẩm sẽ chính thức được đưa ra thị trường phục vụ người tiêu dùng. Liên doanh sẽ tích hợp được thế mạnh về hệ thống kênh phân phối của cả KDC và VNM. Tại KDC, với quy mô kênh phân phối hợp nhất hơn 1 triệu điểm bán, tính nôm na mỗi ngày chỉ cần cứ 1 điểm bán tiêu thụ 1 chai nước, thì mỗi ngày liên doanh đã có thể tiêu thụ 1 triệu chai.

Chia sẻ về Vibev, đại diện phía KDC cho biết đây là xu hướng kinh doanh mới, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp ngoại đang đẩy mạnh thâm nhập thị trường Việt. Từ đầu năm, Bộ Chính trị cũng đã đưa ra chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp nội bắt tay với nhau nhằm củng cố sức mạnh, tận dụng lợi thế (am hiểu được người tiêu dùng trong nước) từ đó tạo nên sức mạnh lớn hơn, hạn chế tình trạng bị thâu tóm bởi tay chơi bên ngoài lãnh thổ.

"Sau những cuộc họp hai bên thấy có những tương đồng với nhau, đây là 2 thương hiệu quốc gia. Trong đó, VNM là thương hiệu dẫn đầu ngành sữa. Còn KDC hiện dẫn đầu kem và giữ vị thứ 2 ngành dầu Việt Nam. Nói về liên doanh sắp đến, đây là sự kết hợp giữa hai doanh nghiệp trong nước hướng đến xây dựng thương hiệu nước uống Việt Nam – Vibev", đại diện KDC chia sẻ.

Hiện nay tại Việt Nam có Thaibev, và Vibev dự kiến sẽ là một Tập đoàn đồ uống thứ hai - Việt Nam Beverge, đại diện KDC phân tích. Trong đó, dung lượng thị trường hiện đang vào mức 123.558 tỷ đồng, tức tăng 8,4% từ năm 2015. Con số này dự kiến tăng hơn 6% cho giai đoạn 2020-2023, với quy mô dự đạt 134.302 tỷ đồng.

Hiện, ngành nước hiện chia làm 6 nhóm, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là nước giải khát không ga với tỷ trọng 41%, nước ngọt có ga xếp thứ 2 với 22%, nước tăng lực chiếm 17%, nước dinh dưỡng 9% và nước chức năng đạt 5% còn lại.

Riêng nước giải khát không ga chứng kiến sự tăng mạnh, từ mức 29.694 tỷ doanh thu (năm 214) lên 50.782 tỷ đồng vào năm 2019. Ngược lại, nước ngọt có ga giảm mạnh, dù doanh thu tăng nhưng tỷ trọng giảm từ 24% về 22% sau 5 năm.

"Tỷ trọng từng nhóm ngành hàng đang thay đổi đáng kể theo thời gian, 2014-2019 nước ngọt có ga giảm mạnh, đây cũng là xu hướng tiêu dùng chung của toàn thế giới", đại diện KDC nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại