Cá sấu có tư thế "kỳ quái", chuyên gia nói gì?

Nguyên Thái |

Các bức ảnh gây kinh ngạc về một con cá sấu nước mặn nổi trên mặt nước với các móng vuốt giơ sang hai bên khiến nhiều người tò mò về tư thế "kỳ quái" này. Các chuyên gia đã lên tiếng giải thích.

Theo Daily Mail, con cá sấu nước mặn xuất hiện trong bức ảnh với hai chân trước và sau của nó duỗi thẳng trong vùng nước ở nhánh sông Buffalo, tại vùng Lãnh thổ phía Bắc (NT) của nước Úc hôm 7/5. Các móng vuốt của nó giơ sang hai bên và nhô lên khỏi mặt nước trong khi con cá sấu vẫn trong tư thế lừ lừ đáng sợ.

Các bức ảnh nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội Facebook và nhận được sự chú ý của cư dân mạng. Hầu hết tò mò về tư thế lạ của con cá sấu.

Cá sấu có tư thế kỳ quái, chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.

Một chuyên gia về cá sấu cho biết tư thế này rất hữu ích với loài cá sấu khi đi săn các đàn cá lớn. Ảnh: Indefinite Escape

Adam Britton, một chuyên gia về cá sấu cho biết, cho biết, tư thế tưởng như "kỳ quái" này đôi khi xuất hiện khi loài cá sấu đi săn mồi. Động tác này giúp con cá sấu nước mặn cảm nhận được mọi chuyển động nhỏ nhất ở vùng nước xung quanh chúng.

Các điểm đặc biệt xuất hiện trên cơ thể cá sấu, bao gồm cả các chi. Điều này đồng nghĩa với việc cá sấu có thể phát hiện các chuyển động nhỏ nhất ở vùng nước gần chúng và chọn thời điểm thích hợp để vồ mồi.

"Cá sấu có một số điểm cảm nhận chuyển động trên cơ thể, hai bên hàm, chi trước và phần bàn chân. Các điểm này giúp phát hiện sự thay đổi áp suất trong nước. Vì vậy, những gì cá sấu cần làm là nổi trên mặt nước và duỗi chi trước sang hai bên sao cho phần chi và móng vuốt vẫn nổi trên bề mặt.

Cá sấu có tư thế kỳ quái, chuyên gia nói gì? - Ảnh 3.

Con cá sấu nước mặn với tư thế kỳ lạ. Ảnh: Frank Koops

Khi con mồi bơi gần đến miệng, cá sấu có thể cảm nhận được đợt sóng mà con mồi tạo ra. Khi cảm nhận được thời điểm thích hợp, cá sấu sẽ tấn công con mồi bằng cú táp chí mạng", chuyên gia Adam giải thích.

Cũng theo vị chuyên gia, tư thế kỳ quái này thường được cá sấu sử dụng khi đi săn các đàn cá lớn. 

"Khi có sự thay đổi của thủy triều trên sông, cá sấu biết rằng sẽ có một lượng lớn cá tập trung. Nhưng sẽ rất khó để đuổi theo chúng vì lũ cá nhỏ nên bơi rất nhanh. Bằng cách áp dụng tư thế này, cá sấu vừa tiết kiệm được sức, lại vừa chờ con mồi tự 'vác xác tới'", chuyên gia về cá sấu cho hay.

Adam còn cho biết, tư thế này lần đầu tiên được quan sát ở các loài cá sấu Nam Mỹ khoảng 20 năm trước. "Người đầu tiên mô tả tư thế đó của cá sấu giống với một người đang nhảy dù", Adam nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại