Án mạng cô dâu bị bắt cóc: Vụ giết người kinh hoàng phơi bày thực tiễn khinh nữ nguy hiểm của cả một đất nước

VŨ HUẾ |

Vào ngày 5/4/2021, Aizada Kanatbekova (27 tuổi) - một phụ nữ độc thân sống ở Thủ đô Bishkek, đột ngột bị 3 nam giới ngang nhiên bắt cóc ngay trên đường phố.

Người qua đường nhìn thấy toàn bộ sự việc, nhưng lại dửng dưng vì "đó chỉ là tục lệ bắt cóc cô dâu truyền thống".

Bắt cóc cô dâu: Hủ tục đội lốt văn hóa, bị cấm nhưng vẫn hoành hành

Kyrgyzstan là quốc gia ở Trung Á, nổi tiếng với hủ tục Ala Kachuu - bắt cóc cô dâu, hay còn gọi là "cướp gái chạy".

Án mạng cô dâu bị bắt cóc: Vụ giết người kinh hoàng phơi bày thực tiễn khinh nữ nguy hiểm của cả một đất nước - Ảnh 1.

Ala Kachuu cho phép đàn ông Kyrgyzstan bắt cóc phụ nữ và cưỡng bức kết hôn (Ảnh minh họa)

"Cướp gái chạy" nhắm vào đối tượng là thiếu nữ chưa chồng. Thuở xưa, Kyrgyzstan là vùng đất du mục, thịnh hành di chuyển bằng ngựa. Nam giới Kyrgyzstan trưởng thành yêu thích cô gái nào thì thể hiện sự nam tính bằng cách bắt cóc, bế lên lưng ngựa và chạy đi.

Điểm tới của anh ta là nhà mình, nơi gia đình đã chờ sẵn để làm đám cưới. Cô gái bị bắt cóc phải một thân một mình đối diện với đám đông "nhà trai". Nếu từ chối lấy kẻ bắt cóc, cô bị nhốt lại, thậm chí là đánh đập và nguyền rủa cho đến khi phải chấp nhận.

Xã hội Kyrgyzstan cực kỳ mê tín và khinh nữ. Phụ nữ không có bất cứ tiếng nói và quyền hành gì. Một khi đã bị bắt cóc, họ chỉ có duy nhất một lựa chọn là kết hôn. Nếu bất chấp và bằng mọi cách thoát khỏi, họ mang trên mình lời nguyền rủa của "nhà trai", trở thành "tai họa". Thân nhân không đón nhận họ quay lại, mà hết lời khuyên bảo hãy "xuôi theo số phận".

Án mạng cô dâu bị bắt cóc: Vụ giết người kinh hoàng phơi bày thực tiễn khinh nữ nguy hiểm của cả một đất nước - Ảnh 3.

Phụ nữ Kyrgyzstan bị bắt cóc gần như không có cơ hội nào thoát ép cưới

Trong thời gian bị "đàng trai" giam giữ, "cô dâu" cũng có nhiều khả năng bị "chú rể" cưỡng đoạt. Nếu không lấy anh ta, thiếu nữ này cũng không còn cơ hội kết hôn với bất cứ nam giới nào khác.

Không rõ Ala Kachuu được thực hành từ lúc nào, nhưng trong thời kỳ 1919 -1991, nó đã bị chính quyền liên bang Xô Viết cấm triệt để. Vào năm 2013, sau 22 năm độc lập, chính phủ Kyrgyzstan cũng áp dụng pháp lệnh xóa sổ bắt cóc cô dâu.

Nạn nhân xấu số, mất mạng vì sự thờ ơ

Ngày 5/4/2021, Aizada Kanatbekova đang băng qua đường ở Thủ đô Bishkek thì bị một chiếc xe hơi màu đỏ áp sát. Người trong xe thò ra, chụp lấy tay cô kéo vào. Kanatbekova phản kháng dữ dội. Đúng lúc ấy, 2 nam giới khác xuất hiện. Họ không cứu cô mà trợ giúp gã đàn ông kia, đẩy cô vào trong xe.

Trong lúc 4 người giằng co, có một người đi bộ đi ngang qua. Trời đang mưa nên người này che ô và bình thản đi tiếp.

Án mạng cô dâu bị bắt cóc: Vụ giết người kinh hoàng phơi bày thực tiễn khinh nữ nguy hiểm của cả một đất nước - Ảnh 4.

Aizada Kanatbekova bị bắt cóc ngay giữa đường, nhưng chẳng ai buồn cản

Ngày 6/4, gia đình Kanatbekova gọi báo cảnh sát, yêu cầu tìm kiếm. Trụ sở đã kiểm tra camera an ninh, phát hiện kẻ bắt cóc là Zamirbek Tenizbayev. Anh ta theo đuổi Kanatbekova đã lâu, nhưng luôn bị cô từ chối. Cảnh sát gọi điện vào số di động của Tenizbayev, đòi trình diện. Y trả lời đang bận hẹn hò với Kanatbekova rồi cúp máy. Cảnh sát cũng không có thêm động thái nào.

Sau khi thành công bắt cóc Kanatbekova, Tenizbayev lái xe đến cánh đồng ở Chui, vùng ngoại ô Bishkek. Một người chăn cừu nhìn thấy xe của anh ta bị mắc kẹt trong bùn, nhưng không tiếp cận.

Ngày 7/4, sau 2 ngày vẫn thấy chiếc xe hơi lạ đậu im một chỗ, người chăn cừu mới tiến tới gần. Ông phát hiện, trong xe là thi thể của Kanatbekova và Tenizbayev. Kanatbekova bị hành hung đến chết, còn Tenizbayev thì tự tử.

Án mạng cô dâu bị bắt cóc: Vụ giết người kinh hoàng phơi bày thực tiễn khinh nữ nguy hiểm của cả một đất nước - Ảnh 5.

Phụ nữ Kyrgyzstan biểu tình, đòi công bằng cho cái chết của Kanatbekova ở Bishkek

Ngày 8/4, người dân Bishkek phẫn nộ tụ tập, biểu tình bên ngoài Bộ Nội vụ. Bất chấp lệnh cấm Ala Kachuu đã được ban hành từ năm 2013, ước tính khoảng 14% phụ nữ Kyrgyzstan dưới 24 tuổi vẫn bị bắt cóc và ép cưới theo hủ tục.

Pháp luật thiếu nghiêm minh

Vào năm 2018, Bishkek cũng có một án mạng bắt cóc cô dâu vô cùng nghiêm trọng. Nạn nhân là Burulai Turdaaly Kyzy, sinh viên khoa y, 20 tuổi.

Kyzy đã có hôn phu là N, ước định kết hôn vào tháng 8/2018. Thế nhưng vào tháng 4 cùng năm, cô lọt vào "tầm ngắm" của một tài xế xe buýt tên B, 29 tuổi. Hắn ta bắt cóc Kyzy theo hủ tục Ala Kachuu. Gia đình Kyzy không theo quan niệm cổ hủ, kiên quyết cứu con gái. Họ tạm thời đưa Kyzy về quê, sống với dì để tránh mặt B.

Án mạng cô dâu bị bắt cóc: Vụ giết người kinh hoàng phơi bày thực tiễn khinh nữ nguy hiểm của cả một đất nước - Ảnh 6.

Burulai Turdaaly Kyzy, cô gái bị kẻ bắt cóc sát hại ngay trong đồn cảnh sát, trước mũi hơn 20 người

Ngày 27/5, Kyzy quay lại Bishkek giúp mẹ làm lễ tháng chay Ramadan. Buổi tối cùng ngày, cô bị B bắt cóc lần thứ 2. Cha Kyzy vừa đuổi theo vừa gọi điện, thúc giục cảnh sát cứu giúp. Chỉ vài giờ sau, B đã bị bắt đến đồn cảnh sát.

Không biết vì lý do gì, cảnh sát lại để Kyzy và B ngồi cùng nhau trong 1 phòng chờ. Chưa hết, B còn có mang dao trên người. Hắn đâm Kyzy 3 nhát, khắc tên cô và mình trên thi thể cô cùng biểu tượng cây thánh giá.

Khi các cảnh sát xông vào, Kyzy đã tắt thở. Cái chết của cô làm bùng nổ sự phẫn nộ. "Đây không chỉ là sơ suất, mà còn là tội ác" - Taalaybek Alybayev, thành viên của một tổ chức công cộng gay gắt lên án. "Cảnh sát có quyền và nghĩa vụ lục soát, vậy mà lại không thấy con dao ư? Nếu họ đã lập tức chạy đến ngay khi vừa nghe thấy tiếng hét, vậy thì B lấy đâu ra thời gian khắc chữ lên người Kyzy?"

Pháp luật Kyrgyzstan quy định, kẻ vi phạm quy định cấm Ala Kachuu bị phạt từ 1-3 năm tù giam. Tuy nhiên trên thực tế, các vụ tố cáo bắt cóc cô dâu thường kết thúc bằng việc giải hòa. "Cả cảnh sát lẫn công tố viên đều phớt lờ sự nghiêm trọng của vấn đề" - phụ nữ Kyrgyzstan bức xúc cho biết. "Họ tìm mọi cách buộc 2 bên phải giải quyết mâu thuẫn trong hòa bình".

Kết quả, Ala Kachuu tiếp tục tồn tại. Phụ nữ Kyrgyzstan vẫn phải sống dưới sự bất an, thiếu sự bảo vệ của cả xã hội lẫn pháp luật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại