Não bộ sẽ tạo ra hiệu ứng "slow motion" khi bạn chạm phải ánh mắt một người khác

THANH LONG |

Hiệu ứng này có thể khiến bạn yêu ai đó ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Khi rapper Big Daddy viết "Sự chú ý của ta đã va phải ánh mắt của nàng… Act cool đứng hình mất 5 giây" trong bài "Mượn rượu tỏ tình" với Emily, thực ra là anh đã đứng hình 5,033 giây tất cả.

Theo một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Cognition, mỗi khi vô tình chạm phải ánh mắt của một người khác, bạn sẽ thấy thời gian trôi chậm hơn trung bình 33 mili giây.

Các nhà khoa học giải thích nhận thức về thời gian của chúng ta có thể bị bóp méo khi nhìn vào mắt của một người khác. Đó là bởi ánh mắt là một phương tiện giao tiếp rất nhạy cảm ở con người.

Não bộ sẽ tạo ra hiệu ứng slow motion khi bạn chạm phải ánh mắt một người khác - Ảnh 1.

Trên thực tế, chúng ta là loài linh trưởng duy nhất có mắt đen nổi bật trên nền trắng và những đứa trẻ đã học được cách giao tiếp bằng mắt trước cả khi biết nói.

Lượng thông tin mà một ánh mắt truyền tải có thể đã co kéo nhận thức về thời gian và đánh cắp hàng chục mili giây trong cuộc đời bạn. Đó cũng là lý do để giải thích những ánh mắt "hút hồn" rất hay được miêu tả trong văn học, thi ca và cả điện ảnh.

Con người cực kỳ nhạy cảm với ánh mắt

Trong một nghiên cứu đăng trong Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ, các nhà khoa học cho biết trẻ sơ sinh được 2 ngày tuổi đã có thể cảm nhận được khuôn mặt người mẹ nhìn vào chúng.

Tương tự, các tín hiệu điện não đo được cho thấy trẻ 4 tháng tuổi đã có thể xử lý những khuôn mặt quay về hướng chúng, phân biệt với những khuôn mặt nhìn xa xăm. Đến tháng tuổi thứ 7, thị giác của trẻ đã phát triển đến độ nhận ra được những ánh mắt liếc nhìn chúng chỉ trong một thời gian vỏn vẹn 50 mili giây.

Hầu hết trẻ em đều nhận ra tầm quan trọng của giao tiếp bằng mắt, và chúng đã học điều này trước khi học nói. Chúng thậm chí đánh giá cao phương tiện giao tiếp này đến mức ngây ngô.

Ví dụ, những đứa trẻ 3-4 tuổi chơi trò "ú òa" thường tin rằng chỉ cần chúng che mắt lại là bản thân cũng sẽ tàng hình khỏi ánh nhìn của người khác. Những đứa trẻ tự kỷ thì ngược lại, chúng gặp khó khăn trong việc giao tiếp bằng mắt vì không hiểu ý nghĩa xã hội của những ánh nhìn ấy.

Đó là đối với những đứa trẻ, vậy người lớn thì sao?

Não bộ sẽ tạo ra hiệu ứng slow motion khi bạn chạm phải ánh mắt một người khác - Ảnh 2.

Nghiên cứu cho thấy việc nhìn chằm chằm vào mắt của người khác ngay lập tức đưa não bộ bạn vào một trạng thái ý thức cao hơn. Nó thậm chí có thể biến thành một trải nghiệm căng thẳng đến nỗi não bộ phải tiêu tốn thêm năng lượng nếu bạn cứ nhìn vào mắt người khác.

Do đó, chúng ta luôn có xu hướng tránh nhìn vào mắt nhau quá lâu, nhất là những người lạ. Thông thường, những cái liếc mắt vô tình chỉ kéo dài không quá 1,5 giây. Và nếu nhìn vào mắt nhau quá 3 giây, con người sẽ cảm thấy lúng túng.

Thời gian sẽ trôi chậm hơn 33 mili giây khi bạn nhìn vào mắt người khác

Trong một thí nghiệm với 44 tình nguyện viên, các nhà khoa học đến từ Đại học Geneva, Thụy Sĩ đã phát hiện một hiệu ứng phụ gây ra bởi hoạt động giao tiếp bằng ánh mắt. Đó là nó có thể khiến nhận thức về thời gian của chúng ta bị ảnh hưởng.

Các tình nguyện viên trong thí nghiệm này được cho ngồi trước một màn hình máy tính chiếu video khuôn mặt của 40 người lạ (20 nam và 20 nữ). Ban đầu, các khuôn mặt nhìn ra một hướng khác, nhưng sau đó sẽ liếc mắt nhìn thẳng vào camera (nghĩa là chĩa ánh mắt vào tình nguyện viên trước màn hình) trong 986 đến 1.479 mili giây – mô phỏng thời gian của một cái chạm mắt tự nhiên.

Sau đó, 44 tình nguyện viên được hỏi hãy ước chừng thời gian của cái liếc mắt đó ngắn hay dài. Các nhà khoa học phát hiện trung bình, họ đã ước lượng khoảng thời gian này ngắn hơn 33 mili giây so với thực tế.

Nhưng khi đổi video chiếu trên màn hình là một khuôn mặt nhìn họ ngay từ đầu, sự chênh lệch thời gian trong nhận thức của tình nguyện viên sẽ biến mất.

Não bộ sẽ tạo ra hiệu ứng slow motion khi bạn chạm phải ánh mắt một người khác - Ảnh 3.

Để kiểm tra xem đó có phải là hiệu ứng do ánh mắt gây ra không, các nhà khoa học đã che các khuôn mặt trên video, chỉ để lại một khe hở ở mắt. Những cú liếc mắt một lần nữa khiến thời gian nhận thức của các tình nguyện viên bị co lại. Khi đảo ngược khuôn mặt hoặc thay video mắt người thật bằng một cú liếc mắt bằng icon đôi mắt, khoảng thời gian tình nguyện viên ước lượng vẫn ngắn hơn thực tế.

Điều này cho thấy chúng tiếp tục gây ra hiệu ứng làm chậm thời gian. Thế còn các icon hình viên tròn và mã vạch "liếc nhìn" tình nguyện viên không gây ra hiệu ứng.

"Chúng tôi phát hiện khi các tình nguyện viên đối mặt với một ánh mắt nhìn lướt qua, họ đã đánh giá thấp thời gian của những lần chạm mắt ấy một cách có hệ thống", nhà tâm lý học Nicolas Burra, tác giả nghiên cứu đến từ Đại học Geneva cho biết.

Việc ước lượng ngắn khoảng thời gian này có nghĩa là hệ thống chú ý trong não bộ đã bị chiếm đóng ngay khi chúng ta có sự giao tiếp bằng mắt. Và nó đã khiến chúng ta nhận thấy thời gian trôi qua trong ánh mắt ấy bị chậm hơn một chút so với thực tế.

Hiệu ứng "slow motion" này có thể đem lại nhiều cảm xúc hơn vì não bộ xử lý nhiều thông tin hơn trong khoảng thời gian cảm nhận bị nén lại. Vì vậy, đó có thể là một lời giải thích hợp lý cho những ánh mắt "hút hồn" thường được miêu tả trong văn học, thơ ca và cả điện ảnh.

Não bộ sẽ tạo ra hiệu ứng slow motion khi bạn chạm phải ánh mắt một người khác - Ảnh 5.

"Bắt gặp ánh mắt của một ai đó là một tình huống xã hội rất phổ biến, nhưng nó vẫn luôn dẫn đến một cảm giác đặc biệt", Burra nói. Những nghiên cứu trước đây cho thấy khi một người đàn ông nhìn vào mắt một người phụ nữ trên 4,5 giây thì khả năng họ đã yêu cô ấy.

Vậy nên khi trở lại với chàng Rapper Big Daddy, nếu thực sự anh bị đứng hình mất 5 giây (chính xác là 5,033 giây) khi nhìn Emily, thì đúng là anh ấy đã yêu vợ mình từ cái nhìn đầu tiên.

Tham khảo Sciencealert

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại