Mỏ cát không tên, không ranh giới

Bảo An - Long Vân |

Để phục vụ tốc độ đô thị hóa và phát triển khu công nghiệp rầm rộ, nhiều dự án khai thác cát sỏi tại Bắc Giang đang hoạt động hết công suất, gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng đời sống và môi trường.

Chủ mỏ san gạt nguyên quả đồi mua lại của người dân tại xã Tân Sỏi, huyện Yên Thế để phục vụ khai thác cát

Chủ mỏ san gạt nguyên quả đồi mua lại của người dân tại xã Tân Sỏi, huyện Yên Thế để phục vụ khai thác cát

Theo thông tin người dân cung cấp qua đường dây nóng, chúng tôi về xã Tân Sỏi, huyện Yên Thế và được người dân dẫn vào công trường khai thác cát trên sông Sỏi. Trước mặt chúng tôi là một quả đồi thấp bị san gạt, kéo dài ra mép sông.

Những bụi tre, gốc cây lớn nằm lổn nhổn trong phần đất được san gạt. Dưới sông, 2 chiếc tàu cuốc gầm gào ngoạm vào phần đất được san gạt này. Cát sỏi từ hai chiếc tàu cuốc này được tải lên phía bên bờ đối diện.

Anh V, người dẫn chúng tôi vào công trường cho biết, việc khai thác cát sỏi bắt đầu diễn ra từ trước Tết Nguyên đán 2021 nhưng người dân không biết về phạm vi khai thác. “Người dân đang lo máy móc, nước sông xói lở hết bờ bãi”, anh V nói.

PV quan sát công trường nhận thấy, dọc sông không có cọc tiêu hay phao xác định ranh giới khai thác. Ngay cả cổng vào điểm tập kết cát sỏi cũng không có biển báo hay bất cứ thông tin gì về dự án.

Tại xã Trường Giang, huyện Lục Nam, gần đây, người dân liên tục phản ánh về việc Cty CP Đầu tư 286 tổ chức nhiều tàu thuyền khai thác cát, sỏi trên sông Lục Nam khiến bờ bãi bị xói lở.

Ông Nguyễn Văn Thỏa, thôn Tòng Lệnh 2, xã Trường Giang cho biết: Trước đây, diện tích đất canh tác của gia đình sát mép sông, để chống sạt lở, gia đình đã đóng cọc gỗ, trồng tre chắn sóng... Thế nhưng giữa năm 2020, diện tích nương bãi rộng vài trăm mét vuông của gia đình đã bị sạt lở, chìm dưới sông.

Dưới sông, 6 tàu cuốc, hút và vận chuyển cát đang hoạt động hết công suất. Nhiều hộ dân khác có đất canh tác tại khu vực này cũng bị sạt lở. Thậm chí, khu đất phía sau trụ sở UBND xã Trường Giang, trường học, trạm bơm... cũng xuất hiện nhiều vết nứt.

“Người dân đã nhiều lần ra bờ sông đẩy đuổi nhưng những người trên tàu hút cát đều thách thức, đe dọa”, bà N.T.S, một người dân thôn Tòng Lệnh 2 bức xúc nói.

Vi phạm giấy phép, phớt lờ chỉ đạo

Đại diện UBND xã Trường Giang cho biết, Cty CP Đầu tư 286 đã cam kết không khai thác gần bờ, các điểm gần khu dân cư và không khai thác tại các khu vực cấm khai thác ghi trong giấy phép. Tuy nhiên, sau đó, đơn vị này vẫn tổ chức cho các tàu thuyền ngang nhiên vi phạm.

Đại diện xã Trường Giang cũng cho hay, giấy phép khai thác cũng quy định, Cty phải cắm mốc giới, khai thác cách bờ sông tối thiểu mỗi bên bờ là 25m. Tuy nhiên, thực tế trên công trường nhiều điểm không có cọc tiêu hay ranh giới khai thác.

Trước đó, đầu tháng 4/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang đã tiến hành kiểm tra và xử phạt một tàu khai thác cát. Ngày 13/4, Sở này đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh có chỉ đạo yêu cầu Cty CP đầu tư 286, trụ sở tại phường Dĩnh Kế (thành phố Bắc Giang) dừng hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông Lục Nam để khắc phục các tồn tại.

Về dự án khai thác cát trên sông Sỏi, ông Ngô Trí Dũng, Trưởng Phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho hay, dự án được cấp phép cho Cty Đại Hoàng Dương khai thác từ năm 2018, kéo dài 8 năm.

Hiện Cty này đang làm thủ tục chuyển nhượng cho doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc. Theo ông Dũng, dự án chỉ được phép khai thác dưới lòng sông (với độ sâu tùy khu vực chỉ xấp xỉ 2m từ đáy sông). Tại các điểm có bờ sông bằng đất, chủ mỏ phải lùi ra khỏi bờ để không gây sạt lở. Ông Dũng thừa nhận, việc đơn vị khai thác không cắm cột mốc, phao nổi, không công khai bản đồ khai thác là sai giấy phép, sai các chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh.

“Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo rất cụ thể, yêu cầu các đơn vị khai thác phải cắm mốc giới, khai thác đúng thời gian trong giấy phép, có camera theo dõi sản lượng… nhưng doanh nghiệp không tuân thủ đầy đủ. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra”.

Sau khi báo Tiền Phong đặt lịch làm việc, dự án khai thác cát trên sông Sỏi đã bị dừng khai thác, tháo đập ngăn nước (vì sai quy trình khai thác). Trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Thế cho biết, dự án chỉ được khai thác lại khi có đủ mốc giới.

Chính phủ yêu cầu công khai mốc giới, phạm vi khai thác

Nghị định 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông quy định: Thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày, từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều (ngoài ra còn phải quy định thời gian được khai thác trong năm).

Tổ chức, cá nhân được phép khai thác có trách nhiệm: Xác định ranh giới khu vực khai thác; cắm mốc các điểm khép góc khu vực khai thác; công bố tên, loại phương tiện, thiết bị được sử dụng để khai thác, vận chuyển; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu…; lắp đặt bảng thông báo tại bờ sông thuộc phạm vi khu vực khai thác để công khai thông tin trong giấy phép khai thác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại