Căng thẳng miền đông Ukraine leo thang nghiêm trọng: Phép thử mới cho chính quyền Biden

Kiều Anh |

Tình hình ở miền đông Ukraine leo thang nghiêm trọng những ngày gần đây khiến lệnh ngừng bắn đạt được hồi tháng 7/2020 có nguy cơ sụp đổ và đặt ra phép thử mới cho chính quyền Biden.

Một binh lính Ukraine đi dọc Đường Giới tuyến ở khu vực Donetsk vào tháng 2/2021. Ảnh: Reuters

Một binh lính Ukraine đi dọc Đường Giới tuyến ở khu vực Donetsk vào tháng 2/2021. Ảnh: Reuters

Chiến sự ở miền đông Ukraine leo thang

Theo các thông báo từ chính phủ Nga và Ukraine, tình hình ở miền đông Ukraine vốn hạ nhiệt trong nhiều tháng qua, đã leo thang nghiêm trọng trong những ngày gần đây.

Phía quân đội Ukraine cho biết, trong cuộc giao tranh đẫm máu nhất trong năm nay, 4 binh lính Ukraine đã thiệt mạng và 1 người khác bị thương nghiêm trọng. Việc các binh lính này thiệt mạng, cùng với sự tăng cường lực lượng của Nga ở biên giới đã khiến một số quan chức cấp cao Mỹ phải lưu tâm. Trong tuần qua, Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ đã nâng mức theo dõi từ có nguy cơ khủng hoảng sang mức cao nhất là khả năng khủng hoảng sắp diễn ra nhằm phản ứng trước việc quân đội Nga bố trí thêm lực lượng.

Việc trao đổi đạn dược và súng máy ở khu vực Donetsk cũng diễn ra bất thường trong khi các cuộc giao tranh dọc Đường Giới tuyến (Line of Contact), một hệ thống kênh đào và pháo đài phòng thủ dài hơn 400 km, đã được báo cáo ngắn gọn.

Tuy nhiên, đây không phải là dấu hiệu duy nhất cho thấy những căng thẳng leo thang ở miền đông Ukraine. Các quan sát viên của châu Âu đã phát hiện ra vũ khí mới của phe ly khai trong những tuần gần đây. Các nhà đàm phán Nga cũng cảnh báo sự sụp đổ của các thỏa thuận hòa bình những năm qua.

Ngày 30/3, người phát ngôn điện Kremlin Dmitri S. Peskov thừa nhận về những căng thẳng gần đây trong các cuộc giao tranh ở miền đông Ukraine, đồng thời khẳng định Nga "thật sự hy vọng" tình hình sẽ không leo thang nghiêm trọng. Cuộc giao tranh này, theo ông Peskov, "đang hủy hoại những thành quả khiêm tốn đã đạt được trước đó".

Tại Ukraine, cũng trong ngày 30/3, Quốc hội nước này đã thông qua một thông báo tuyên bố "sự leo thang" căng thẳng, đặc biệt thừa nhận rằng lệnh ngừng bắn đàm phán đạt được hồi tháng 7/2020 đã sụp đổ. Thông báo trên cũng chỉ ra "sự gia tăng đáng kể các vụ nã pháo và khiêu khích có vũ trang".

Phía Ukraine kêu gọi các chính phủ phương Tây "tiếp tục và tăng cường sức ép chính trị và kinh tế với Nga". Mỹ và các đồng minh châu Âu đã áp các lệnh trừng phạt tài chính lên Nga, trong đó nhắm vào các cố vấn thân cận của Tổng thống Putin cùng các ngân hàng và công ty dầu khí. Phía Mỹ cũng có những ước tính khác nhau về số lượng binh lính Nga được cử tới khu vực biên giới. Một quan chức nhận định, con số này là khoảng 4.000 người.

Phép thử với chính quyền Mỹ mới

Theo một số quan chức và cựu quan chức Mỹ, sự leo thang căng thẳng gần đây ở miền đông Ukraine và việc tăng cường lực lượng có thể là một cách để Moscow đánh giá cam kết của chính quyền Tổng thống Biden với Ukraine.

"Tình hình ở miền đông Ukraine có thể chỉ là đang giả vờ nhưng điện Kremlin thực sự muốn thử thách chính quyền mới", Frederick B. Hodges, một vị tướng đã nghỉ hưu, đồng thời là cựu chỉ huy cấp cao của quân đội Mỹ tại châu Âu cho hay.

Trong cuộc điện đàm hồi tháng 1 với Tổng thống Putin, Tổng thống Biden đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng chủ quyền của Ukraine. Tuy nhiên, kể từ khi đó, ông Biden không có cuộc điện đàm nào với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Điều này đã khiến một số cựu quan chức đặt câu hỏi về mức độ nghiêm túc của chính quyền mới trong việc giải quyết cuộc xung đột ở đây.

Dù vậy, với những căng thẳng leo thang hiện nay, chính quyền Tổng thống Biden đã bắt đầu có phản hồi. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 29/3 đã điện đàm với cố vấn cấp cao của Tổng thống Zelensky là ông Andriy Yermak.

Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, việc Nga tăng cường lực lượng gần biên giới với Ukraine là một vấn đề "đáng lo ngại".

Tổng Tư lệnh Ukraine Ruslan Khomchack nhận định tại Quốc hội hôm 30/3 rằng quân đội Nga từ các khu vực khác nhau đang tập hợp gần biên giới Nga - Ukraine. Lời giải thích cho diễn biến này được đưa ra là quân đội đang tập luyện, nhưng quan chức quốc phòng trên cho rằng Nga không hề thông báo về các cuộc tập trận trong khu vực này.

Các chính phủ phương Tây cáo buộc Nga ủng hộ phe ly khai ở miền đông Ukraine bằng những vũ khí tinh vi, đạn dược và thậm chí điều động cả binh lính, bất chấp sự phủ nhận từ phía Moscow.

Các đại diện từ phía Nga, Ukraine và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu đã đàm phán được một lệnh ngừng bắn hồi tháng 7/2020, một thỏa thuận kéo dài hơn nhiều thỏa thuận ngừng bắn từng đạt được trong 7 năm qua, khi mà chỉ tính riêng trong năm 2018 đã có tới 8 lệnh ngừng bắn sụp đổ.

Ukraine và Nga đã nhiều lần căng thẳng kể từ khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014. Các đồng minh Mỹ và NATO không công nhận sự sáp nhập này của Nga, trong khi Mỹ cung cấp hàng triệu USD hỗ trợ quân sự và phi quân sự mỗi năm cho Ukraine./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại