Loài cá duy nhất sống được trong 'hồ tử thần' châu Phi: Kiếm ăn trên bờ vực cái chết, cá đang bơi có thể bị luộc chín

TAMMY |

Qua hàng nghìn năm thích nghi, con vật đã tìm ra cách kiếm ăn ở đáy "hồ tử thần", nơi có nhiệt độ cực cao lên tới 86℃.

Tại thung lũng Great Rift vùng Đông Phi, có hai hồ nước mặn được mệnh danh là "hồ từ thần": Hồ Natron ở Tanzania và hồ Magadi ở Kenya. Cả hai được hình thành những đợt núi lửa phun dung nham giàu natri (Na) và kali cacbonat (K2CO3).

Sau nhiều thế kỷ bốc hơi, các khoáng chất từ núi lửa đã khiến nước hồ đổi màu thành sắc đỏ kỳ diệu. Đồng thời khiến độ pH dưới đáy hồ lên cực cao khoảng 9 - 10,5 và nhiệt độ nước chưa tính tầng đáy lên tới 140 độ F (60℃). Nước hồ có thể đốt cháy da và làm hỏng mắt những sinh vật trượt chân sa xuống hoặc vô tình tiếp xúc với nước hồ, bao gồm cả con người.

Loài cá duy nhất sống được trong hồ tử thần châu Phi: Kiếm ăn trên bờ vực cái chết, cá đang bơi có thể bị luộc chín - Ảnh 1.

Hồ nước đỏ đẹp mê hoặc nhưng vô cùng nguy hiểm. Ảnh: Sohu

Thế nhưng trong vùng nước chết chóc này vẫn tồn tại một loài cá đặc biệt kiên cường, hàng ngày vẫn mạo hiểm bơi qua ranh giới sinh tử, đó chính là một loài cá rô phi có tên khoa học là Alcolapia grahami, chiều dài cơ thể khoảng 10 - 20 cm.

Để tồn tại trong môi trường khắc nghiệt, loài cá này đã tự trang bị khả năng chịu kiềm cực cao (chịu được độ pH lên tới 10,0) và nhiệt độ cao (> 40°C).

Khi đưa loài rô phi nước mặn về phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu nhận ra dạ dày chúng chứa 90% tảo xanh, trong khi 10% còn lại bao gồm ấu trùng và động vật chân đốt, có thể thấy thức ăn chính của chúng chính là tảo xanh.

Loài cá duy nhất sống được trong hồ tử thần châu Phi: Kiếm ăn trên bờ vực cái chết, cá đang bơi có thể bị luộc chín - Ảnh 2.

Cá rô phi hồ Magadi có thức ăn chính là tảo xanh. Ảnh: Sohu

Vấn đề được đặt ra là hệ thực vật trong các hồ nước mặn Natron và Magadi không phát triển mạnh mẽ nên tảo xanh chủ yếu chỉ xuất hiện ở đáy hồ - đồng thời là nơi có nhiệt độ cực cao, lên đến 86℃ (đủ cao để luộc chín trứng). Nhiệt độ này đã vượt qua sức chịu đựng của hầu hết các loài động vật trên Trái đất, bao gồm cả cá rô phi hồ Magadi, vậy chúng đã kiếm ăn như thế nào?

Ranh giới sống và chết

Sau hàng nghìn năm thích nghi, cá rô phi nước mặn đã tìm ra cách để sinh tồn dưới "hồ tử thần". 

Chúng tập trung sống tại tầng nước giữa của hồ, nơi nhiệt độ tương đối ổn định. Mỗi lần muốn ăn, chúng sẽ bơi thật nhanh xuống đáy hồ để lấy một miếng tảo xanh, sau đó trong thời gian nhanh nhất, lui về khu vực nước lạnh. Con vật phải lặp lại hành động này nhiều lần để hoàn thành bữa ăn.

Bằng cách đó, cá rô phi có thể vừa ăn no bụng, vừa tránh được việc bị "luộc chín". Tất nhiên, có một số con cá vì quá tham ăn hoặc bơi không đủ nhanh vẫn phải trả giá bằng chính tính mạng trong những lần kiếm ăn dưới đáy hồ.

Trong bộ phim tài liệu thiên nhiên "The Great Rift: Africa's Wild Heart" của đài BBC, máy quay đã ghi lại được khoảnh khắc một con cá rô phi "tham vọng" quyết định lăn xả xuống đáy hồ để ăn một bữa no nê.

Loài cá duy nhất sống được trong hồ tử thần châu Phi: Kiếm ăn trên bờ vực cái chết, cá đang bơi có thể bị luộc chín - Ảnh 4.

Con cá rô phi trong phim tài liệu "The Great Rift: Africa's Wild Heart" đã phải chết dưới đáy hồ vì tham ăn. Ảnh: Sohu

Thay vì ăn nhiều lần, nó đứng yên dưới đáy hồ, 1 miếng, 2 miếng, 3 miếng... sau 10 giây, con cá ngã gục và từ từ ngửa bụng lên. Bữa ăn no vừa rồi cũng là bữa ăn cuối cùng của nó, con cá đã bị "luộc chín" ở mức nhiệt xấp xỉ 80℃.

Cá rô phi nước mặn không hề có kẻ thù trong môi trường sống, cũng không có đối thủ cạnh tranh thức ăn, nhưng đổi lại, chúng phải kiếm ăn theo một cách cực kỳ vất vả. Nhìn vào cách kiếm ăn bất chấp tính mạng này, nhiều người sẽ cảm thấy thật đồng cảm với loài cá, dù là con vật hay con người quả nhiên đều từng có lúc phải đánh đổi tất cả, đứng lên bờ vực sinh tử vì "miếng ăn".

Bài viết tham khảo từ Sohu

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại