Ông Biden "tính lại" với Ả Rập Saudi, mở cửa cho Iran

Phạm Nghĩa |

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden có kế hoạch điều chỉnh lại quan hệ của Mỹ với Ả Rập Saudi, đồng thời mở rộng con đường ngoại giao với Iran.

Tổng thống Biden. Ảnh: Reuters

Tổng thống Biden. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, Nhà Trắng hôm 16-2 tuyên bố Mỹ sẽ thực hiện các biện pháp ngoại giao với Ả Rập Saudi thông qua Quốc vương Salman bin Abdulaziz chứ không phải người con trai quyền lực của ông, Thái tử Mohammed bin Salman.

"Người đồng cấp của Tổng thống Biden là Quốc vương Salman. Tôi mong đợi vào một thời điểm thích hợp, hai người sẽ nói chuyện với nhau. Tôi không dự đoán về thời điểm cho cuộc trò chuyện này" - người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói.

Tuyên bố của bà Psaki được coi là sự đảo ngược chính sách đột ngột của chính quyền Washington mới. Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, con rể kiêm cố vấn cấp cao Jared Kushner của ông thường xuyên duy trì liên lạc với Thái tử Salman.

Thái tử Salman được nhiều người xem là nhà lãnh đạo trên thực tế của Ả Rập Saudi và là người kế vị ngai vàng do Quốc vương Salman, 85 tuổi, nắm giữ. Uy tín của ông bị giáng một đòn mạnh sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi vào năm 2018. Những người chịu trách nhiệm được cho là các nhân viên an ninh Ả Rập Saudi thân cận với thái tử.

Chính quyền Tổng thống Biden đã gây áp lực buộc Ả Rập Saudi phải cải thiện hồ sơ nhân quyền, bao gồm cả việc thả tù nhân chính trị như những người ủng hộ quyền phụ nữ ra khỏi nhà tù.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 16-2 cho biết "con đường ngoại giao về thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 đang rộng mở".

“Con đường ngoại giao đang rộng mở ngay bây giờ. Iran vẫn còn một khoảng cách xa trong việc tuân thủ (thỏa thuận). Vì vậy, chúng tôi sẽ xem nó có tác dụng như thế nào” - ông Blinken nói với đài NPR.

Ông Biden tính lại với Ả Rập Saudi, mở cửa cho Iran - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Blinken. Ảnh: Reuters

Khi được hỏi Washington có bất kỳ động thái nào để nối lại ngoại giao bằng con đường trực tiếp hay không, ông Blinken chỉ ra lập trường công khai của Tổng thống Biden rằng nếu Iran tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Mỹ cũng sẽ làm như vậy.

Vào năm 2018, cựu Tổng thống Trump đơn phương từ bỏ thỏa thuận hạt nhân, vốn hạn chế hoạt động làm giàu uranium của Iran để khiến Tehran khó phát triển vũ khí hạt nhân.

Sau khi rời khỏi thỏa thuận mà Iran ký với 6 cường quốc lớn, ông Trump lập tức tái áp đặt các biện pháp trừng phạt làm tê liệt nền kinh tế của Tehran.

Đáp lại, Iran đã vi phạm các giới hạn chính của thỏa thuận, làm giàu uranium lên 20%, trên mức giới hạn 3,67% nhưng dưới mức 90% cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân, đồng thời mở rộng kho dự trữ uranium làm giàu thấp và sử dụng máy ly tâm tiên tiến để làm giàu uranium.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại