Người Trà Leng đón Tết trong nhà mới

Hoài Văn |

30 ngôi nhà đầu tiên đã hoàn thành, bàn giao cho người dân nóc ông Ðề. Món quà năm mới to lớn và ý nghĩa khiến người dân rưng rưng.

30 hộ dân có nhà mới

Những ngày giáp Tết, Trà Leng không còn mưa và lạnh. Những tia nắng đầu tiên của mùa Xuân đang chiếu rọi, lòng người chộn rộn khi nhìn những chậu cúc vàng rực, quất cảnh đặt trước hiên những ngôi nhà mới.

Người Trà Leng đón Tết trong nhà mới - Ảnh 1.

Ông Hồ Văn Ðề xúc động khi cầm trên tay sổ đỏ ngôi nhà mới

Lâu lắm rồi mới lại thấy nụ cười trên môi người Trà Leng. Nụ cười đón khách. Hôm nay, nhiều người dưới xuôi đổ về đây tham dự một sự kiện đặc biệt - trao tặng nhà cho đồng bào Trà Leng. Ông Hồ Văn Đề mặc chiếc áo xanh bộ đội, sơ-vin chỉnh tề. Ông cùng 29 hộ dân khác nhận bàn giao ngôi nhà mới. Cầm trên tay Giấy chứng nhận sử dụng đất cùng chìa khóa, ông bước nhanh về ngôi nhà mới thắp nén nhang báo với những người đã mất.

Hơn 3 tháng từ sau ngày định mệnh bởi trận sạt lở kinh hoàng, ông Đề cùng những nạn nhân vụ sạt lở có lúc tưởng như không thể vượt qua. Những đêm mất ngủ dằng dặc, những lần khóc ngất trước mất mát quá lớn.

Ông rưng rưng: “Giờ có nhà mới rồi, làng mới rồi, các con, cháu về đây với bố hương hoa. Thiên tai đại họa nhưng bố và người dân trong làng được quan tâm giúp đỡ rất nhiều nên sẽ cố gắng để vượt qua khó khăn. Người dân Trà Leng giờ đã yên tâm nơi ở mới, mang ơn tất cả mọi người”.

Em Nguyễn Thị Xuân Quyền (15 tuổi) đang cùng bố và em gái dọn nhà, dán những chiếc hoa mai bằng giấy lên tường để trang trí đón tết. Trận sạt lở cướp đi người mẹ tần tảo, yêu thương. 

Căn nhà cũ với bao kỷ niệm giờ cũng thành đống đổ nát. Quyền nói còn nhớ nhà cũ, nhớ mẹ nhưng chứng kiến sự nỗ lực của ba, sự giúp đỡ của mọi người đã khiến em vững vàng hơn, cố gắng vượt qua khó khăn và học thật tốt.

“Con mong ước năm nay mọi việc bình an. Dù không có mẹ bên cạnh nhưng con sẽ cố gắng để cùng ba và em làm tốt công việc, và học tập”, Quyền chia sẻ.

Ông Phan Quốc Cường - Chủ tịch UBND xã Trà Leng cho hay, hiện tâm lý cũng như đời sống người dân đã tạm ổn định trở lại, dọn về nhà mới và sửa soạn đón tết. “Thú thật nhìn người dân có nơi ở mới như thế này tôi cũng xúc động lắm. Bà con được về nhà mới nhưng phía trước cũng còn rất nhiều việc phải lo nữa, cố gắng từng bước để ổn định cuộc sống”, ông Cường nói.

Gấp rút thi công hạ tầng dân sinh thiết yếu

Ngày 6/2, UBND huyện Nam Trà My và THACO tổ chức lễ trao tặng 30 ngôi nhà cho đồng bào Trà Leng bị ảnh hưởng bởi bão lụt và sạt lở đất năm 2020. Làng mới của người dân nóc ông Ðề nay được xây dựng trên diện tích 6ha thuộc thôn 2, xã Trà Dơn, cách làng cũ 5km.

Khu tái định cư này sẽ phân thành 80 lô đất, mỗi lô có diện tích 200 mét vuông để cấp cho từng hộ gia đình. Trước mắt, với nguồn kinh phí hỗ trợ 5 tỷ đồng của Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải, huyện Nam Trà My đã xây dựng 30 ngôi nhà cho hộ dân ở thôn 1 và thôn 2 xã Trà Leng đến tái định cư trước Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, với mức 170 triệu/căn nhà. Các hạng mục hạ tầng thiết yếu khác đang được khẩn trương thi công.

Nhà ở mới của đồng bào được xây dựng theo kết cấu nhà sàn bê tông cốt thép, do bà con lựa chọn mẫu đúng theo mô hình nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Mơ Nông. Ngôi nhà chính có 2 phòng ngủ, một phòng khách, mái xà gồ sắt, lợp tôn, đặt trên 12 trụ bê tông cắm sâu vào lòng đất, đảm bảo chỗ ở bền vững lâu dài. Cùng với nhà chính, huyện Nam Trà My đang tiếp tục xây dựng cho mỗi gia đình tái định cư một nhà bếp, nhà vệ sinh, đảm bảo chỗ ở mới của bà con tốt hơn so với nơi ở cũ.

Các hạng mục hạ tầng dân sinh thiết yếu như điện thắp sáng, nước sạch phục vụ sinh hoạt, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trường mẫu giáo, đường giao thông liên gia, khôi phục đất canh tác được gấp rút thi công để khôi phục sản xuất sau thiên tai.

Ðiểm khởi đầu chắc chắn

Ông Hồ Quang Bửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ, qua khoảng thời gian rất ngắn thảm họa thiên tai xảy ra ở miền Trung, đặc biệt vùng núi Quảng Nam, với sự nỗ lực của chính quyền cùng chung tay của cộng đồng hiện công tác khắc phục đã vượt kế hoạch đề ra (trên 70% số nhà sập hoàn toàn).

“Chứng kiến người dân bị thiệt hại do thảm họa thiên tai giờ đây có nhà mới vững chãi tôi thấy rằng vùng này như đã hồi sinh. Đây là điểm khởi đầu chắc chắn để cho bà con có sự phát triển trong tương lai”. Ngoài ra, vấn đề an cư lạc nghiệp, hạ tầng, sinh kế cho người dân đang dần ổn định. Tỉnh Quảng Nam phấn đấu trong 2 năm 2021- 2022 cơ bản khắc phục xong thiệt hại của trận thiên tai khủng khiếp vừa qua.

Người Trà Leng đón Tết trong nhà mới - Ảnh 4.

Em Nguyễn Thị Xuân Quyền trang trí nhà cửa đón Tết, ước nguyện một năm bình an

Theo ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, việc người dân có nhà mới là bước khởi đầu, công việc tiếp theo sẽ bố trí lại việc sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế bền vững cho bà con. Người dân miền núi từ xưa đến nay thường không có tích lũy. 

“Huyện có nhiều chương trình trong đó đặc biệt chú ý đến phát triển cây dược liệu, cây sâm Ngọc Linh để đảm bảo ổn định cuộc sống cho bà con và thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo. Nghị quyết chuyên đề của huyện tập trung trồng rừng gỗ lớn như cây dổi, sao đen, quế Trà My, bên cạnh đó kết hợp cây ăn quả như thử nghiệm cây măng cụt, cây sầu riêng” - ông Mẫn nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại