Trợ lý thân cận của bà Aung San Suu Kyi bị bắt lúc nửa đêm

Phạm Nghĩa |

Một trợ lý thân cận của Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi bị bắt tại nhà con gái ở TP Yangon, sau đó bị đưa đến thủ đô Naypyitaw.

Ông Win Htein. Ảnh: AP

Ông Win Htein. Ảnh: AP

Ông Kyi Toe, phát ngôn viên Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD) của bà Suu Kyi, hôm 5-2 cho biết ông Win Htein, 79 tuổi, trở thành chính trị gia nổi tiếng mới nhất bị chính quyền quân sự Myanmar bắt giữ.

Ông Win Htein rời thủ đô Naypyidaw vào chiều 4-2 và đi đến TP Yangon. Người này bị bắt tại nhà con gái lúc nửa đêm và đang bị tạm giữ tại đồn cảnh sát Naypyidaw.

Ông Win Htein là phụ tá chủ chốt của bà Suu Kyi, cũng được biết đến là một tù nhân chính trị lâu năm. Ông từng bị giam giữ nhiều lần vì chống lại sự cai trị của quân đội. Gần đây, ông Win Htein công khai kêu gọi bất tuân dân sự để phản đối cuộc đảo chính hôm 1-2.

Theo Hiệp hội Hỗ trợ tù nhân chính trị Myanmar, ít nhất 133 quan chức, nghị sĩ và 14 nhà hoạt động xã hội dân sự đã bị quân đội bắt giữ liên quan tới cuộc đảo chính nói trên. NLD cho biết bà Suu Kyi và Tổng thống Win Myint hiện bị tạm giam về một số cáo buộc. Họ có thể bị giam giữ cho đến giữa tháng 2.

Ông Win Htein nói với đài BBC trong một cuộc gọi điện thoại vào sáng 5-2 rằng ông bị giam giữ về tội gây rối với hình phạt tối đa là tù chung thân. “Họ không thích những gì tôi đang nói. Họ sợ những gì tôi đang nói" - ông Win Htein cho hay.

Hôm 4-2, chính quyền quân sự chặn người dân truy cập mạng xã hội Facebook, dường như để ngăn chặn việc tổ chức biểu tình. Facebook là cách hầu hết mọi người truy cập mạng internet ở Myanmar nên các công ty đã kêu gọi bỏ lệnh cấm này.

Trong khi đó, nhiều nhân viên y tế tuyên bố họ sẽ không làm việc cho chính quyền quân sự. Hình vẽ chống đảo chính trên tường xuất hiện ở TP Yangon cùng với các cuộc biểu tình rầm rộ trên đường phố. Ngoài ra, một cuộc biểu tình của khoảng 20 người cũng được tổ chức bên ngoài một trường y ở TP Mandalay, theo hãng tin AP.

Riêng tại thủ đô Naypyitaw, hàng ngàn người đã tham gia một cuộc biểu tình ủng hộ cuộc đảo chính quân sự, hôm 4-2. Đây là sự kiện mới nhất của những người muốn bày tỏ sự chấp thuận việc quân đội lên nắm quyền.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 4-2 tiếp tục lên án cuộc đảo chính ở Myanmar. Ông kêu gọi quân đội Myanmar từ bỏ quyền lực, trả tự do cho những người ủng hộ, nhà hoạt động và các quan chức đang bị giam giữ, dỡ bỏ hạn chế về viễn thông và kiềm chế bạo lực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại