Trung Quốc dò "lằn ranh đỏ" của Tổng thống Biden

Xuân Mai |

Giới chuyên gia nhận định động thái ăn miếng trả miếng giữa Mỹ - Trung Quốc gần đây chỉ là khởi đầu của mối quan hệ không mấy suôn sẻ giữa chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden và Bắc Kinh.

Các thành viên của Không quân Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, Canada và Mỹ khi kết thúc cuộc tập trận đa phương Sea Dragon hôm 28-1 Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Các thành viên của Không quân Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, Canada và Mỹ khi kết thúc cuộc tập trận đa phương Sea Dragon hôm 28-1 Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Không lâu sau khi Tổng thống Biden nhậm chức, Trung Quốc đã điều hơn 20 máy bay chiến đấu đến gần Đài Loan và thông qua luật cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng vào các tàu nước ngoài. Đáp lại, Hải quân Mỹ điều nhóm tác chiến tàu sân bay đến biển Đông.

Theo đài CNN, ông Carl Schuster, cựu giám đốc tác chiến thuộc Trung tâm Tình báo liên quân của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (Mỹ), cho hay các bước đi tiếp theo của Bắc Kinh có thể bao gồm tập trận quân sự quy mô lớn gần Đài Loan, trên biển Đông hoặc ngăn cản tàu nước ngoài dưới danh nghĩa thực thi các quy định hàng hải của Trung Quốc.

Ông Schuster nhận định Bắc Kinh sẽ sử dụng một loạt phép thử để xác định đâu là "lằn ranh đỏ" của chính quyền ông Biden.

Theo đài CNN, vấn đề biển Đông, Đài Loan và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông sẽ là các trọng tâm hình thành nên chiến lược đối phó với Trung Quốc của ông Biden.

Ông Sidharth Kaushal, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), cho rằng Mỹ cần chứng minh sự hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương không chỉ là nhất thời và sẵn sàng hỗ trợ đồng minh nhanh chóng, tuy nhiên vẫn phải tránh leo thang căng thẳng không cần thiết.

Trong động thái không nhượng bộ hôm 28-1, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby gọi cảnh báo của người đồng cấp Trung Quốc về "chiến tranh với Đài Loan" là điều "đáng tiếc", đồng thời tái khẳng định cam kết hỗ trợ khả năng phòng vệ của hòn đảo này. Nhằm củng cố quan hệ đồng minh và an ninh hàng hải khu vực, Hải quân Mỹ và các nước Úc, Canada, Ấn Độ và Nhật Bản đã tiến hành cuộc tập trận săn ngầm đa phương Sea Dragon 2021 ở Thái Bình Dương kéo dài 2 tuần, kết thúc hôm 27-1.

Trong phiên điều trần đầu tiên dưới thời Tổng thống Biden hôm 28-1, Ủy ban Đánh giá an ninh kinh tế Mỹ - Trung (USCC) nhận định Trung Quốc là một cường quốc "nguy hiểm, hung hăng" và Mỹ cần tiếp tục xem Bắc Kinh là "mối đe dọa". Các nhà lập pháp Mỹ ở cả 2 đảng vẫn đang gây áp lực lên nội các của tân Tổng thống Biden về việc theo đuổi lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong hàng loạt vấn đề, bao gồm đại dịch Covid-19.

Ngược lại, nền kinh tế thứ hai thế giới cho rằng chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump là nguyên nhân khiến quan hệ song phương tồi tệ và thúc giục ông Biden hạ nhiệt căng thẳng. Theo hãng tin Reuters, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn hôm 29-1 cho rằng các lợi ích chung giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn nhiều hơn bất đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại