Đảng Cộng sản Mỹ: Chế độ XHCN là ưu việt trong cuộc chiến chống Covid-19

Trung Hiếu |

Theo Đảng Cộng sản Mỹ, thành công của Việt Nam, Trung Quốc, và Cuba trong khống chế dịch bệnh Covid-19 không phải là do may mắn mà bắt nguồn trước tiên từ thể chế chính trị XHCN của các nước này.

LTS: Mỹ từ gần cuối năm 2020 cho tới nay là ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới với rất nhiều ca mắc cũng như ca tử vong do căn bệnh này. Hiện Mỹ đang trải qua làn sóng Covid-19 thứ hai. Trong bối cảnh đó, người Mỹ bắt đầu tích cực tổng kết kinh nghiệm chống dịch này tại các quốc gia khác. Website của Đảng Cộng sản Mỹ vào tháng 12/2020 đã đăng tải một bài viết của tác giả Gordon McWilliams phân tích về tính ưu việt của chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong cuộc chiến đặc biệt này. Báo điện tử VOV xin giới thiệu với quý độc giả bản dịch bài viết đó:

Đảng Cộng sản Mỹ: Chế độ XHCN là ưu việt trong cuộc chiến chống Covid-19 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Việt Nam kiên cường và hiệu quả

Cộng hòa XHCN Việt Nam là một quốc gia gần 100 triệu dân. Dù có đường biên giới dài với Trung Quốc (nơi đại dịch Covid-19 khởi phát), Việt Nam vẫn xử lý đại dịch Covid-19 cực kỳ hiệu quả. Đến tháng 12/2020, Việt Nam có 1.391 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó 1.238 trường hợp phục hồi và 35 người tử vong. Kết quả đó thật đáng khâm phục. Các biện pháp quy mô lớn được chính phủ Việt Nam thực thi tuy vất vả nhưng đem lại kết quả cuối cùng là nhân dân khỏe mạnh.

Ngày 31/3/2020, Việt Nam ra lệnh cách ly toàn quốc trong 15 ngày (bắt đầu từ 1/4). Trong thời gian đó nhà nước bảo đảm cung cấp đủ thực phẩm để ngăn ngừa tình trạng tích trữ hàng hóa, đồng thời người dân được trả phí đi khám bệnh nếu có dấu hiệu của bệnh dịch.

Sau thời gian cách ly này, nhà nước Việt Nam cho mở cửa các dịch vụ không thiết yếu như nhà hàng và cho phép học sinh tới trường. Vào ngày 15/5/2020, các rạp chiếu phim được mở cửa trở lại, còn du lịch nội địa được thúc đẩy.

Vào tháng 7/2020, dịch Covid-19 bùng phát ở thành phố Đà Nẵng với hàng chục ca nhiễm trong cộng đồng, chấm dứt chuỗi 99 ngày không có ca nhiễm như vậy. Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng hành động để ngăn dịch lây lan từ đây.

Việt Nam từng có kinh nghiệm chống dịch bệnh trong quá khứ, bao gồm dịch SARS vào năm 2003. Thông qua các chiến dịch truyền thông, Việt Nam đã khuyến khích người dân tham gia các nỗ lực ngăn ngừa virus được rút ra từ kinh nghiệm trước đây. Cho đến tháng 12/2020, quốc gia này về mặt dịch bệnh vẫn trong tình trạng ổn định, không có thêm ca nhiễm cộng đồng nào trong hơn 3 tháng. Việt Nam thậm chí còn đóng cửa một bệnh viện vốn được xây gấp để chống dịch, do cơ sở này vắng bệnh nhân trong 3 tháng liền.

Cuba - quốc gia XHCN nằm sát ổ dịch Mỹ

Cuba, một quốc đảo XHCN hơn 11 triệu dân và nằm sát ổ dịch Mỹ, đã áp dụng các biện pháp cần thiết để chống lại virus SARS-CoV-2 (gây bệnh Covid-19) và duy trì mức độ lây nhiễm ở mức thấp đáng kể, nhất là trong bối cảnh quốc gia này phải chịu lệnh cấm vận hà khắc của Mỹ. Vào thời điểm tháng 12/2020, tại Cuba có tổng cộng 8.610 ca lây nhiễm Covid-19, 7.858 người khỏi bệnh này, và 136 trường hợp tử vong do Covid-19. Cuba vào thời điểm đó có khoảng 25-75 ca mắc mới mỗi ngày.

Cuba cho các sinh viên y khoa đi gõ cửa từng nhà dân, kiểm tra thân nhiệt và các triệu chứng ở các cư dân nhằm truy vết và cung cấp đồ y tế khi cần thiết. Những người mới nhập cảnh được cách ly trong 14 ngày và được đo nhiệt độ thân thể 3 lần/ngày để bảo đảm không mang virus nguy hiểm này. Nhà nước Cuba tiến hành xét nghiệm đều đặn, yêu cầu đeo khẩu trang, cho nhân viên y tế đi kiểm tra thường xuyên các đối tượng này nhằm khống chế virus SARS-CoV-2.

Nhờ có các chương trình giáo dục và y tế diện rộng, Cuba có khả năng triển khai bác sĩ ra cả thế giới để hỗ trợ các nước khác khống chế đại dịch Covid-19 trong khi vẫn duy trì được thành tích chống dịch hiệu quả trong nước.

Đại dịch tất nhiên gây khó khăn lớn cho nền kinh tế Cuba, vốn dựa vào du lịch và việc du khách tiêu thụ các mặt hàng của nước này. Cuba lại bị Mỹ trừng phạt rất nặng nề, và các lệnh trừng phạt bổ sung của chính quyền Trump chỉ làm tình hình thêm khó khăn cho Cuba. Tuy nhiên Cuba tuyên bố họ đã khống chế được dịch bệnh Covid-19, và 13 trên tổng số 16 tỉnh của nước này vẫn mở cửa đón du khách.

Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel nói: “Đại dịch gây thiệt hại cho chúng tôi và có tác động mạnh vào ngân sách của chúng tôi, nhưng chúng tôi làm việc theo một nguyên tắc không khoan nhượng: Tài sản lớn chính là sinh mạng của người dân Cuba”. Nhà nước Cuba tận tụy với người dân và trân quý tính mạng của họ.

Trung Quốc với hơn 1,4 tỷ dân

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng có nhiều thành tích về mức độ sẵn sàng ngăn ngừa virus. Tính đến tháng 12/2020, quốc gia này có tới hơn 1,4 tỷ dân nhưng chỉ có 86.688 ca mắc (chiếm 0,0061% tổng dân số). Trái lại, Mỹ có dân số hơn 331 triệu người nhưng có tới 16 triệu ca mắc (chiếm tới 4,5% tổng dân số nước này).

Ở Trung Quốc, hơn 81.000 bệnh nhân Covid-19 đã phục hồi, và 4.634 người tử vong do SARS-CoV-2. Còn tại Mỹ, hơn 9 triệu bệnh nhân phục hồi và hơn 300.000 người đã thiệt mạng do đại dịch này.

Chính quyền Mỹ trong năm 2020 đã phản ứng rất chậm trước đại dịch Covid-19 – một đại dịch có sức lây lan rất mạnh, với rất nhiều ca mắc mới và ca tử vong mới mỗi ngày.

Tuy nhiên, khi virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh như vậy, khoa học cũng có nhiều tiến bộ giúp cho việc phát hiện và ngăn ngừa dịch được dễ dàng hơn. Trong quá trình đó, Trung Quốc đã phản ứng tương đối nhanh và áp dụng sớm nhiều biện pháp ngăn ngừa, như theo dõi và báo cáo tình hình, giám sát quy mô lớn, và chuẩn bị phương tiện và nguồn cung y tế để khống chế đại dịch.

Các tỉnh của Trung Quốc đã phát triển 4 mục tiêu phục hồi sau dịch: 1- ngăn ngừa, kiểm soát, và điều trị; 2- khôi phục hoạt động của doanh nghiệp; 3- bảo vệ tính mạng người dân; 4- ngăn ngừa tâm lý hoang mang ở các vùng bị dịch.

Tương tự Cuba, Trung Quốc đã thực hiện rà soát từng nhà để kiểm tra y tế, cung cấp bữa ăn, và hướng dẫn người dân tránh ra ngoài để khỏi bị nhiễm bệnh.

Đảng Cộng sản Mỹ ủng hộ các chính sách chống dịch đúng đắn nói trên. Họ thất vọng về tình trạng tại Mỹ, người ta hạ thấp mức độ nghiêm trọng của việc có nhiều ca tử vong do Covid-19, đồng thời thiếu vắng một chính sách toàn diện cấp quốc gia nhằm phòng chống dịch này./.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại