Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 25/1 tới 2/2/2021. Ảnh: Reuters.
“Trong bối cảnh khủng hoảng khu vực và toàn cầu do COVID-19 gây ra, thiên tai tàn phá, địa chính trị diễn biến phức tạp, Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong nhiều lĩnh vực, như phòng chống dịch, tăng trưởng kinh tế. Nguyên nhân chính là ý chí chính trị mạnh mẽ, các biện pháp quyết liệt của cả chính phủ và người dân, các tổ chức, chuyên gia quốc tế nhận định. Theo họ, đội ngũ lãnh đạo mới xuất hiện sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 sẽ kiến tạo những bước phát triển mới cho Việt Nam.
Khống chế COVID-19
Kể từ khi COVID-19 bùng phát, Việt Nam dần dần trở thành điểm sáng, thậm chí mô hình khống chế đại dịch thành công sau khi áp dụng các biện pháp phòng chống một cách quyết liệt, kịp thời và hiệu quả, đồng thời không ngừng nỗ lực nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19.
Ngày 29/6/2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố bài viết “Việt Nam khống chế COVID-19 thành công, đem đến lộ trình cho các nước đang phát triển khác”, biểu dương việc Việt Nam nhanh chóng áp dụng biện pháp khống chế, biện pháp kiểm soát quyết liệt, hiệu quả với chi phí thấp và phát động cuộc chiến phòng chống dịch với sự tham gia của cả xã hội.
“Ngay sau khi Trung Quốc chính thức báo cáo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về một số trường hợp viêm phổi bất thường ngày 31/12/2019, Việt Nam hoàn thiện đánh giá nguy cơ sức khỏe…. Yêu cầu đeo khẩu trang nơi công cộng được thực hiện nghiêm ngặt, thậm chí trước khi WHO khuyến nghị… Trong khi hầu hết các nền kinh tế phát triển áp dụng chiến lược xét nghiệm hàng loạt với chi phí cao hơn để chống dịch, Việt Nam tập trung vào các trường hợp nghi nhiễm, nguy cơ cao… Những nhóm người sống gần ca bệnh được xác nhận, có lúc là cả một con phố hoặc ngôi làng, nhanh chóng được xét nghiệm, cách ly và điều này giúp hạn chế sự lây lan trong cộng đồng. Việc điều trị và cách ly trong bệnh viện là miễn phí đối với người Việt Nam… Việc sớm khống chế và sử dụng các cơ sở công cộng và quân sự hiện có chứng tỏ hiệu quả với chi phí thấp… Ngay từ giai đoạn đầu, thông tin về virus và chiến lược phòng chống đã rất minh bạch… Cách tiếp cận đa truyền thông được điều phối tốt này đã nâng cao niềm tin của công chúng và giúp cả xã hội tuân thủ các biện pháp bảo vệ và khống chế”, IMF nhận định.
Việt Nam đã cơ bản khống chế được đại dịch COVID-19. Trong ảnh: Một gia đình người tại sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội. Ảnh: Jiji.
Ngày 29/8/2020, trang web tin tức của Liên Hợp Quốc (LHQ) công bố bài viết “Chìa khóa ứng phó COVID-19 thành công của Việt Nam” của ông Kamal Malhotra – Điều phố viên thường trú của LHQ tại Việt Nam.
“Sự thành công của Việt Nam đã thu hút sự chú ý của quốc tế bởi phản ứng sớm, tích cực của nước này dưới sự dẫn dắt của chính phủ và sự tham gia của cả hệ thống chính trị, tất cả tầng lớp xã hội… Đáng chú ý, công chúng Việt Nam cực kỳ tuân thủ các chỉ đạo và khuyến nghị của chính phủ, một phần là nhờ kết quả của niềm tin được xây dựng thông qua sự trao đổi minh bạch, theo thời gian thực của Bộ Y tế, với sự ủng hộ của WHO các các cơ quan khác của LHQ. Việt Nam đã sử dụng các phương pháp sáng tạo để thông báo cho công chúng và giữ cho mọi người được an toàn.
Ví dụ, Bộ Y tế thường xuyên gửi tin nhắn cập nhật về các biện pháp phòng ngừa và về các triệu chứng của COVID-19. Một bài hát về COVID-19 đã được công bố với phần lời nâng cao nhận thức của công chúng về căn bệnh. Sau đó, bài hát làm mưa làm gió trên mạng xã hội cùng với lời thách nhảy để phòng chống COVID trên Tik Tok so ca sĩ Quang Đăng khơi mào”, Malhotra viết.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở thành phố Đà Nẵng. Nguồn: Latin America News Agency.
Các dấu mốc ngoại giao đa phương
Ngoài việc khống chế dịch COVID-19 thành công, Việt Nam đạt được các dấu mốc ngoại giao đa phương, bao gồm đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, Chủ tịch Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA) lần thứ 41. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, Việt Nam đề xuất tổ chức họp trực tuyến, đề xuất 13 sáng kiến trong ASEAN.
Hội nghị cấp cao ASEAN đã thông qua số lượng văn kiện lớn nhất từ trước tới nay – 13, trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - hiệp định thương mại tự do giữa các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới. Việt Nam cũng có sáng kiến tổ chức phiên thảo luận mở đầu tiên về hợp tác LHQ-ASEAN, Ngày quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh 27/12… Hợp tác giữa ASEAN và LHQ trong việc duy trì an ninh và hòa bình quốc tế được bàn luận tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ ngày 30/1/2020 ở New York dưới sự chủ trì của Việt Nam.
GS Carlyle Thayer (Đại học New South Wales, Australia) nhận định: “Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã tích cực thể hiện được năng lực lãnh đạo vượt trội trong 4 lĩnh vực. Thứ nhất, Việt Nam đã thống nhất các nước thành viên ASEAN để phản ứng chung cấp độ khu vực với đại dịch COVID-19 và sự hồi phục sau đó. Thứ hai, Việt Nam đã tạo được sự đồng thuận về sự trung lập và tính trung tâm của các thành viên ASEAN trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn.
Dịp kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN, ngoại trưởng các nước ASEAN đã ra tuyên bố chung về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á. Thứ ba, Việt Nam đã thành công trong việc đem tới sự hoàn tất đàm phán về RCEP. Thứ tư, Việt Nam đẩy mạnh chính sách tuyên bố của ASEAN về vấn đề Biển Đông bằng cách nhấn mạnh lại tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về Luật Biển”.
Theo chuyên gia Thayer, với tư cách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam mạnh mẽ ủng hộ 3 khối xây dựng an ninh toàn cầu: cam kết đối với chủ nghĩa đa phương tập trung vào LHQ, vai trò nâng cao của các tổ chức khu vực như ASEAN và sự điều phối mở rộng của ASEAN với LHQ và Hội đồng Bảo an; và sự tuân thủ của tất cả các nước thành viên đối với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.
Hội nghị cấp cao ASEAN 2020 được tổ chức online ngày 12/11/2020. Nguồn: AP.
Tăng trưởng kinh tế
Năm 2020, Việt Nam trở thành một trong rất ít quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng dương. Theo Tổng cục Thống kê, GDP của Việt Nam tăng 2,91% và đạt mức xuất siêu kỷ lục là gần 19,1 tỷ USD trong năm 2020. Hãng tin Reuters và nhật báo Singapore Business Times nhận định, các biện pháp truy vết và cách ly nghiêm ngặt đã giúp Việt Nam nhanh chóng kiềm chế dịch bệnh và khôi phục hoạt động kinh tế nhanh hơn nhiều nước châu Á khác. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati nói rằng, Việt Nam là một trong hai nước (nước còn lại là Trung Quốc) đạt mức tăng trưởng dương trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tàn phá.
Ngoài tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cũng đạt được bước nhảy lớn trong nhiều lĩnh vực khác, trong đó có công nghệ và giáo dục. Năm 2020, Việt Nam đạt được tiến bộ trong phát triển mạng 5G, sử dụng thiết bị do tập đoàn Viettel tự sản xuất. Trong năm, Việt Nam cử 5 đoàn tham dự các kỳ thi Olympic dành cho học sinh và tất cả thí sinh đều giành được huy chương và bằng khen, gồm 9 huy chương vàng, 8 huy chương bạc, 5 huy chương đồng và 2 bằng khen, theo Bộ GD&ĐT. Đặc biệt, tất cả 4 thành viên đội tuyển Hóa học đã đoạt huy chương vàng tại cuộc thi Olympic Hóa học quốc tế, đứng thứ 2 trên thế giới (sau Mỹ).
Việt Nam là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 3 thế giới. Trong ảnh: Một nhà máy may ở Hà Nội. Ảnh: EPA.
Các nhân tố đóng góp
Việt Nam đang bước vào thập kỷ mới với khát vọng phát triển và trở thành một xã hội thịnh vượng. Đất nước kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/2020 và sự phát triển kinh tế ngoạn mục là thước đo quan trọng sự lãnh đạo thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và dẫn dắt công cuộc Đổi mới, bắt đầu từ thay đổi tầm nhìn kinh tế. Việc chuyển đổi nền kinh tế từ mô hình tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy công nghiệp hóa và hiện đại hóa, tích cực hội nhập quốc tế là một thành công lớn của Việt Nam. Đó là nhận định của ông Võ Trí Thành, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Hội đồng Tư ván chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia.
Theo ông Thành, trong 35 năm qua, Việt Nam đã đạt được 4 bước chuyển đổi lớn trong lịch sử phát triển kinh tế của mình. Thứ nhất, từ một nước nghèo, thu nhập thấp, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2010. Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước có thu nhập cao vào năm 2045. Thứ hai, kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi theo hướng công nghiệp và dịch vụ. Cuối thập niên 80, nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP – khoảng 50%, nhưng giờ đây, tỷ lệ này dưới 15%. Thứ ba, từ một nền kinh tế đóng, Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới xét về thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thứ tư, Việt Nam đã áp dụng mô hình định hướng thị trường. Khu vực kinh tế tư nhận đã chứng kiến những thay đổi lớn, hiểu sâu hơn về các nguyên tắc thị trường.
Dù vẫn đang đối mặt các thách thức liên quan thể chế, cơ sở hạ tầng, nhân lực và phát triển bền vững, Việt Nam có khát vọng lớn chuyển đổi kinh tế sang hướng năng suất và dựa trên đổi mới sáng tạo, thúc đẩy cải cách để phát triển bao trùm, bắt kịp và đi cùng các xu hướng toàn cầu, ông Thành nói.
Theo các chuyên gia quốc tế nổi tiếng, trong đó có GS Carlyle Thayer và James Borton (Đại học Tufts, Mỹ), các thành tựu kể trên có được là nhờ nhiều nhân tố. Năm 2020, toàn bộ hệ thống chính trị, tầng lớp nhân dân, thành phần kinh tế nỗ lực hết sức để đạt được mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Trên mặt trận kinh tế, Việt Nam tích cực tham gia, thực hiện các cam kết và dần dần khai thác các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bao gồm Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh Châu Âu. Trên mặt trận kỹ thuật số, Việt Nam đã tăng tốc chuyển đổi số quốc gia, với Cổng Dịch vụ Công quốc gia đã tích hợp và cung cấp hơn 2.650 dịch vụ công trực tuyến, trên 6.700 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền.
Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm thực hiện các định hướng và chính sách của chính phủ để phát triển nền kinh tế dựa trên các công nghệ kỹ thuật số. Trong khi đó, Việt Nam đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, xét xử nghiêm minh theo luật pháp Việt nam và tập quán quốc tế, đồng thời thúc đẩy hiện đại hóa, cải cách toàn diện nhiều lĩnh vực khác, như giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ…
Theo các chuyên gia trong và ngoài nước, sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam (diễn ra từ ngày 25/1 tới 2/2/2021) và các phiên họp Quốc hội sau đó, Việt Nam sẽ có đội ngũ lãnh đạo mới đủ đức đủ tài. Các nhà lãnh đạo sẽ đưa đất nước tới những thành công mới, từng bước và cuối cùng hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đặt ra cho năm 2021 và những năm tiếp theo, đóng góp cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới”.
Ba chị em người dân tộc Mông ở bản Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu) chuẩn bị ăn tết cộng đồng. Ảnh: Thái An.