Tổng thống đắc cử Biden có động thái chính thức với Iran

Minh Thu |

Các quan chức nằm trong bộ máy chính quyền mới ông Biden đã bắt đầu đối thoại với Iran về việc Mỹ có thể trở lại thỏa thuận hạt nhân lịch sử JCPOA.

Động thái từ chính quyền của ông Joe Biden diễn ra trong bối cảnh, chỉ còn vài ngày nữa ông Biden sẽ chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1.

Thậm chí, các quan chức Mỹ được cho đã thông báo cho Tel Aviv về vấn đề Mỹ có thể sẽ trở lại thỏa thuận JCPOA. Đây là những thông tin được kênh Channel 12 của Israel công bố vào ngày 16/1.

Cụ thể, Channel 12 cho biết, những người “thay mặt ông Biden” đã bắt đầu tiếp cận Iran về khả năng trở lại JCPOA. Tuy nhiên, Channel 12 không nhắc tới chi tiết nội dụng mà các quan chức của ông Biden thảo luận với Iran.

Tổng thống đắc cử Biden có động thái chính thức với Iran - Ảnh 1.

Chính quyền của ông Biden đang tiếp cận và thảo luận với Iran về khả năng Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân JCPOA. (Ảnh: AP)

Trước đó, một số nguồn tin cho rằng đại diện của các nước Ả Rập và Israel đã hối thúc ông Biden cho phép họ tham gia những cuộc đàm phán trong tương lai liên quan tới thỏa thuận hạt nhân JCPOA.

Theo Channel 12, Israel quan tâm tới “một thỏa thuận hạt nhân lâu dài và được cải thiện” bao gồm các lệnh cấm liên quan tới chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và các hoạt động bị cho là dính líu tới khủng bố của Iran.

Dù ông Biden đã nhiều lần bắn tín hiệu về khả năng Washington sẽ trở loại JCPOA, nhưng Tổng thống Mỹ đắc cử cũng nhấn mạnh nếu trở lại thỏa thuận, chính quyền của ông sẽ “thắt chặt và mở rộng các hạn chế về chương trình hạt nhân của Iran, cũng như chương trình phát triển tên lửa”.

Tuy nhiên, phía Iran cho hay họ chưa có ý định trở lại bàn đàm phán và Tổng thống Iran Rouhani cũng nhấn mạnh, ông Biden “hoàn toàn biết về điều này”.

Ngoài ra, Iran còn yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hà khắc chống lại Tehran trước khi hai nước tham gia đàm phán lại về JCPOA.

Thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được Iran ký kết vào năm 2015 với Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, Mỹ, Đức và Liên minh châu Âu (EU) nhằm giới hạn chương trình hạt nhân của Tehran và đổi lại những lệnh trừng phạt chống lại quốc gia này được gỡ bỏ. Tuy nhiên, vào năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã đơn phương rút Mỹ ra khỏi JCPOA và quay trở lại áp đặt liên tiếp lệnh trừng phạt với Iran.

Kể từ đây, quan hệ Mỹ - Iran lại rơi vào vòng xoáy căng thẳng. Đỉnh điểm, vào ngày 3/1/2020, Mỹ đã dùng máy bay không người lái (UAV) tấn công khiến Tướng Qassem Soleimani, Chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), thiệt mạng ở Baghdad.

Chưa dừng lại, quan hệ giữa Iran với Mỹ và các quốc gia khác tiếp xấu trầm trọng sau cái chết hồi tháng 11/2020 của nhà khoa học hàng đầu Iran là ông Mohsen Fakhrizadeh. Ông Fakhrizadeh được xem là người khoa học cấp cao đứng đầu chương trình phát triển hạt nhân của Iran. Ông Fakhrizadeh bị sát hại vào ngày 27/11/2020 trong một vụ xả súng ở thành phố Absard gần thủ đô Tehran.

Sau vụ tấn công, Iran đã lên tiếng cáo buộc Israel là thủ phạm và vụ ám sát nhà khoa học Fakhrizadeh có sự chấp thuận từ phía Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại