Nghe thử các âm thanh đầy kỳ lạ phát ra từ các vật thể khổng lồ trong vũ trụ

ANH VIỆT |

Các nhà nghiên cứu tại NASA đã chuyển đổi các tần số ánh sáng khác nhau phát ra từ tinh vân, vụ nổ siêu tân tinh hay các cụm thiên hà thành cao độ khác nhau của âm thanh.

Âm thanh chỉ có thể truyền trong môi trường vật chất bởi bản chất của nó là sóng. Nhưng ở trong môi trường chân không, vốn không có vật dẫn để truyền, âm thanh sẽ không thể tồn tại.

Nhưng giờ đây, nhờ vào chương trình "âm thanh hóa" của NASA, ít nhất bạn có thể nghe được âm thanh của những hiện tượng thiên văn kỳ thú của vũ trụ, khi chúng được thể hiện bởi những loại nhạc cụ trên Trái Đất.

Theo đó, các nhà nghiên cứu tại NASA đã chuyển đổi các tần số ánh sáng khác nhau phát ra từ tinh vân, vụ nổ siêu tân tinh hay các cụm thiên hà thành cao độ khác nhau của âm thanh. Tổng cộng, có 3 video âm thanh được NASA công bố, dựa theo hình ảnh quan sát được bằng Đài quan sát tia X Chandra.

Hãy xem thử video âm thanh đầu tiên của Tinh vân con cua được NASA công bố:

Âm thanh phát ra từ tinh vân Con Cua  

Trong dữ liệu của NASA, ánh sáng tia X (xanh lam và trắng) được thể hiện bằng các dụng cụ bằng đồng; ánh sáng quang học (màu tím) được chơi bởi các nhạc cụ dây; và ánh sáng hồng ngoại (màu hồng) được thể hiện bằng các nhạc cũ gỗ. 

Cao độ của mỗi loại nhạc cụ tăng từ phần dưới đến phần trên cùng của hình ảnh, cho phép bạn có thể nghe cùng lúc nhiều âm thanh khác nhau. Các âm thanh này sẽ hội tụ gần trung tâm của tinh vân, nơi một ngôi sao neutron quay rất nhanh đang thổi khí và bức xạ theo mọi hướng.

Ở video tiếp theo, NASA đã cho chúng ta được nghe thử âm thanh phát ra từ Quần tụ Viên Đạn (Bullet Cluster) – nơi hai cụm thiên hà cách Trái đất khoảng 3,7 tỷ năm ánh sáng đang từ từ va chạm với nhau.

Âm thanh phát ra từ Quần tụ Viên Đạn (Bullet Cluster)  

Vụ va chạm này đã cung cấp bằng chứng trực tiếp đầu tiên về sự tồn tại của vật chất tối. Sự xuất hiện của loại vật chất bí ẩn này khiến các thiên hà ở xa trong hai vùng màu xanh của bức ảnh có vẻ lớn hơn và gần hơn thông qua một quá trình gọi là thấu kính hấp dẫn.

Các vùng chứa vật chất tối có màu xanh lam được biểu thị bằng tần số âm thanh thấp nhất trong video bên dưới, với ánh sáng tia X được biểu thị với tần số cao nhất.

Đoạn video cuối cùng được NASA công bố cho thấy một vụ nổ siêu tân tinh Supernova 1987A. Tên của vụ nổ siêu tân tinh này dựa trên mốc thời gian con người phát hiện ra tín hiệu của nó, vốn được phát ra từ ​​Đám mây Magellan Lớn (một thiên hà vệ tinh cách chúng ta khoảng 168.000 năm ánh sáng).

Âm thanh phát ra từ vụ nổ siêu tân tinh Supernova 1987A  

Thay vì âm thanh chạy từ trái qua phải như 2 video ở trên, trong video này, âm thanh của vụ nổ siêu tân tinh được thể hiện bằng hiệu ứng chụp "tua nhanh" thời gian (time lapse). Khi dấu thập trong video chạy quanh rìa của vầng hào quang tạo ra từ khí của vụ nổ siêu tân tinh, hình ảnh dần dần biến đổi để thể hiện sự ‘tiến hóa’ của vụ nổ từ năm 1999 đến năm 2013. 

Vầng hào quang càng sáng thì âm thanh càng cao và to hơn. Theo NASA, vòng hào quang độ sáng cực đại khi sóng xung kích của vụ nổ siêu tân tinh tràn qua, dẫn đến âm thanh to nhất, cao nhất ở cuối video.

Tham khảo LiveScience

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại