Nghề vớt xác trên sông kỳ bí bậc nhất Trung Quốc: Những điều cấm kỵ và công việc "chạy giữa 2 bờ sinh - tử" mà không phải ai cũng thấu hiểu

NGUYỆT AN TT |

Ở Trung Quốc có một công việc mang nặng áp lực tinh thần, nguy hiểm luôn cận kề, ngay cả công ty bảo hiểm cũng từ chối bán bảo hiểm cho những người làm nghề này, đó chính là nghề vớt xác trên sông.

Người xưa có câu: "360 nghề, nghề nào cũng có trạng nguyên", ý muốn nói nghề nghiệp không phân cao thấp sang hèn, cho dù làm bất cứ nghề gì chỉ cần chuyên tâm và kiên trì nhất định sẽ thu hoạch được thành tựu như mong đợi. Tuy vậy, ở Trung Quốc có một nghề áp lực tinh thần vô cùng nặng nề, nguy hiểm luôn cận kề, bị nhiều người xa lánh, ngay cả công ty bảo hiểm cũng từ chối bán bảo hiểm cho những người làm nghề này, đó chính là nghề vớt xác trên sông.

Nghề "chạy giữa 2 bờ sinh - tử"

Nghề vớt xác trên sông kỳ bí bậc nhất Trung Quốc: Những điều cấm kỵ và công việc chạy giữa 2 bờ sinh - tử mà không phải ai cũng thấu hiểu - Ảnh 1.

Người vớt xác trước tiên cần tách thi thể khỏi đống rác thải bao quanh

Giống như ở nhiều nước châu Á, người Trung Quốc có truyền thống "nhập thổ vi an", tức là "về với đất mẹ là bình yên", thế nên cho dù là vì nguyên nhân gì thì cũng phải đem người đã khuất về quê cũ an táng. Bởi vậy mới sinh ra nghề vớt xác trên sông, họ sẽ thay người thân của những người không may vong mạng dưới nước vớt di thể lên để chôn cất.

Nhìn chung, những người tình nguyện làm nghề vớt xác ở Trung Quốc đều là những người nghèo khó. Rất ít người chủ động chọn làm cái nghề "chạy giữa 2 bờ sinh - tử" này, hơn nữa một khi đã làm thì phải làm cả đời không thể bỏ ngang được, vì không nơi nào nhận người đã từng làm nghề vớt xác vào làm việc cả. Thậm chí, trước đây ngay đến công ty bảo hiểm cũng không nguyện ý bán bảo hiểm cho họ.

Quy tắc của nghề vớt xác

Nghề vớt xác trên sông kỳ bí bậc nhất Trung Quốc: Những điều cấm kỵ và công việc chạy giữa 2 bờ sinh - tử mà không phải ai cũng thấu hiểu - Ảnh 2.

Chân dung một người vớt xác chuyên nghiệp trên sông Hoàng Hà

Tuy sở hữu tinh thần thép và luôn quan niệm "đối xử tử tế với người chết", thế nhưng việc liên tục tận mắt chứng kiến thi thể trôi nổi trên sông trong nhiều trạng thái thảm khốc khác nhau, thì người vớt xác dù có gan dạ đến mấy cũng sẽ hình thành bóng ma tâm lý. Hơn nữa, những thi thể nổi lên thường là đã rơi xuống nước 4-5 ngày rồi, cho dù can đảm đến mấy cũng không tránh được những lúc sợ toát mồ hôi.

Vì để trấn an tinh thần bản thân, trước khi làm việc, người vớt xác thường buộc vải đỏ ở đầu thuyền, ngón tay giữa cũng buộc 1 dải vải đỏ tươi rộng khoảng 3cm để "trừ tà". Mỗi lần xuống thuyền đi vớt xác, họ đều đem theo một con gà trống khỏe mạnh để cúng tế Hà Bá, cúng tế xong thì vặn cổ gà rồi ném xuống sông làm "vật tế".

Sau đó, người vớt xác chuẩn bị vải bố trắng, móc câu được chế tạo đặc biệt và dây thừng được tết bằng lông chó. Lúc gặp phải thi thể, trước tiên họ phải dùng móc câu xua hết rác rưởi bám xung quanh đi rồi câu thi thể lại gần, khi vớt lên phải lập tức dùng vải bố trắng bó trụ lại, rồi dùng dây thừng lông chó buộc vào bên hông người chết. Tiếp đó, thi thể sẽ được đặt tại nơi khuất ánh mặt trời, chờ người nhà đến nhận.

Những cấm kỵ của nghề vớt xác

Nghề vớt xác trên sông kỳ bí bậc nhất Trung Quốc: Những điều cấm kỵ và công việc chạy giữa 2 bờ sinh - tử mà không phải ai cũng thấu hiểu - Ảnh 3.

Hình minh họa

Người làm nghề vớt xác có "3 cấm vớt":

Thứ nhất là "không vớt thi thể đang dựng đứng". Xác người sau khi ngâm một thời gian trong nước sẽ trương và nổi lên, nhưng trường hợp hiếm cũng có thi thể giữ nguyên trạng thái đứng thẳng trong nước, người ta cho là người chết "oán khí quá sâu", không muốn rời đi 1 mình, cho nên người vớt xác nhìn thấy xác chết như vậy đều quay thuyền bỏ đi.

Thứ 2 là "không vớt thi thể đã vớt qua 3 lần không được". Mỗi 1 lần vớt xác là 1 lần tâm lý căng thẳng, thế nên nếu có 1 thi thể vớt mãi không được thì ắt rằng người chết không muốn "đi", người vớt xác cũng không thể "cưỡng ép".

Thứ 3 là "không vớt xác các thiếu nữ tóc dài". Người vớt xác cho rằng những cô gái vong mạng đáy sông trong độ tuổi thiếu nữ đa phần là tự sát vì tình, cho nên họ chết trong tư thế khá khó coi. Mặt khác, theo quan niệm dân gian thì "nam úp, nữ ngửa", tức là thi thể đàn ông đều úp xuống, thi thể phụ nữ đều ngửa lên, mà phụ nữ để tóc dài theo sóng lay động trên mặt nước, cùng với thân thể trắng toát vì ngâm nước lâu ngày sẽ tạo ra khung cảnh thực sự rất đáng sợ. Bên cạnh đó, khi vớt nữ thi, dụng cụ vớt rất dễ bị tóc cuốn lấy, nếu người vớt xác vô ý hoặc phân tâm dù chỉ trong tích tắc thôi cũng có thể bị cuốn vào dòng nước xoáy, hậu quả khó mà lường trước được.

Những thay đổi trong nghề vớt xác ngày nay

Nghề vớt xác trên sông kỳ bí bậc nhất Trung Quốc: Những điều cấm kỵ và công việc chạy giữa 2 bờ sinh - tử mà không phải ai cũng thấu hiểu - Ảnh 4.

Người vớt xác dùng móc câu chuyên dụng vớt thi thể bị đang ngập trong rác thải

Một khi đã làm nghề vớt xác là phải làm cả đời, vì khi đi xin việc làm khác hầu như sẽ không nơi nào nhận nữa. Tuy vậy, xã hội hiện đại kéo theo nghề vớt xác cũng có nhiều chuyển biến tích cực.

"Người vớt xác" được đổi "chức vụ" thành "đội viên đội trục vớt" do Ủy ban nhân dân các cấp quản lý. Nhưng cũng có những đội do dân tự phát, không thuộc quản lý của chính quyền, ví dụ như ông Trần - 1 người vớt xác chuyên nghiệp ở sông Triều Dương, quận Giang Bắc, thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc). Mỗi ngày, tại một khoảng thời gian cố định, ông Trần đều chạy thuyền dọc theo tuyến sông mình phụ trách, nếu nhìn thấy thi thể thì tiến hành vớt lên, chờ người nhà đến nhận. Ông Trần hàng năm vớt được khoảng 200 thi thể từ dưới sông lên.

Tuy rằng công tác trục vớt thi thể ngày càng được tiêu chuẩn hóa, nhưng chính bởi vậy mà lại nảy sinh mâu thuẫn mới - vấn đề thu phí. Người chịu làm công việc này rất hiếm, càng hiếm thì lại càng quý, thu phí đương nhiên không hề rẻ.

11 năm trước, có 3 sinh viên trẻ vì muốn cứu 2 em nhỏ đuối nước mà nhảy xuống sông Trường Giang, không ngờ tất cả đều bị nước sông cuốn đi. Người nhà các nạn nhân liên hệ với đội trục vớt mới hốt hoảng biết được giá vớt 3 thi thể là 360 nghìn tệ (gần 130 triệu đồng). Sự việc bỗng chốc được nhiều người biết đến, tranh luận nổ ra trên không gian mạng, phần đông mọi người cho rằng người vớt xác vô tình, hét giá trên trời, cố tình lợi dụng hoàn cảnh éo le của người khác để trục lợi.

Hiện nay, người ta vẫn đang chờ đợi sự chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa các đội vớt xác, quản lý bằng pháp chế, thành lập đội cứu viện và trục vớt công cộng. Nhiều người hi vọng trong tương lai ngành nghề này sẽ được đánh giá đúng vai trò và được tôn trọng hơn, bởi người vớt xác là những người duy nhất tình nguyện tìm lại thi thể người chết, giúp cho người chết cũng như người nhà của họ một tia an ủi cuối cùng. Những người vớt xác có tâm luôn phải đánh cược mạng sống của chính mình trong hành trình lênh đênh trên sóng nước, nhặt lại thi thể của những người xa lạ không may bỏ mạng mà thậm chí không bao giờ có người thân đến nhận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại