Làm sao để biết một người trong tương lai có giàu có hay không? Đơn giản thôi, cứ nhìn 4 điểm

Như Nguyễn |

Trở nên có tiền, đây không phải là việc hão huyền. Những người có tiền đều có những đặc điểm khá tương đồng, những phẩm chất này không phải sau khi có tiền rồi mới có, ngược lại, chính vì những phẩm chất này mà họ mới trở nên giàu có.

Có một sự thật không thể chối cãi đó là:

Người giàu có lên nhờ trúng số, bất kể là có trúng tới chục tỷ đi chăng nữa thì sau cùng, họ vẫn sẽ quay trở lại với điều kiện sống trước khi mình trúng giải.

Trong khi những người dựa vào chính nỗ lực để trở nên giàu có thì lại không như vậy, họ có thể vì vô vàn nguyên nhân mà thất bại, thậm chí phá sản, nhưng họ luôn có thể kiếm trở lại, chẳng hạn như Donald Trump, sau khi kiếm được hàng tỷ đô la, ông đã từng mất tất cả trong một thời gian, nhưng sau đó ông đã làm việc chăm chỉ để kiếm lại tất cả và thậm chí còn kiếm được nhiều hơn.

Bởi lẽ những người làm giàu bằng chính sức lực của mình, dù có mất đi tiền bạc, họ cũng sẽ không đánh mất đi thứ khiến mình trở nên giàu có – cái đầu và thói quen của họ.

Người có tiền thường sở hữu 4 điểm sau:

01

Chơi trò chơi vì muốn thắng, người như vậy sẽ ngày một giàu có

Kiểu người này, vừa có tinh thần phòng thủ, vừa có tinh thần tiến công

Trò chơi ở đây là một phép ẩn dụ, nó có thể là một trò chơi thực sự, nó có thể là một môn thể thao như bóng rổ hoặc bi-a, nó có thể là một công việc, nó có thể là đầu tư, nó có thể là kinh doanh, thậm chí có thể là cuộc sống.

Mọi thứ đều có thể xem như một trò chơi, có người luôn nghĩ làm sao để thắng, có người lại nghĩ làm sao để không thua, hai kiểu người này suy cho cùng vẫn có sự khác biệt nhất định.

Vì sao?

Nghĩ mà xem, nếu bạn tham gia một trò chơi hay một cuộc thi nào đó bạn chỉ thủ chứ không công, vậy thử hỏi xem tỷ lệ bạn thắng là bao nhiêu?

Gần như là 0.

Lại nghĩ mà xem, người có tiền trải qua nhiều thất bại hơn hay là người không có tiền trải qua nhiều hơn?

Nhất định là người ở vế trước, mỗi một người thành công đều có vô số vết sẹo, họ muốn thắng, họ cầu tiến, họ chủ động tiến công, vì vậy họ thắng, mặc dù quá trình có phải trải qua rất nhiều thất bại.

Nhưng còn người ở vế sau có thể dùng một câu để miêu tả: chỉ cần không có mục tiêu xa vời sẽ không có thất bại, không có chuyện gì khó chỉ cần dám từ bỏ.

Raymond Dalio (nhà đầu tư, quản lý quỹ, và nhà từ thiện người Mỹ, người sáng lập công ty đầu tư Bridwater Associates, một trong số các quỹ đầu tư lớn nhất thế giới. Tính đến tháng 1 năm 2018, ông là một trong 100 người giàu nhất thế giới, theo Bloomberg) khi còn trẻ, đã từng trải qua một thất bại nhớ đời, khi đó ông có một đơn hàng thịt lợn ba chỉ, nhưng mấy ngày liên tiếp đều bị giới hạn giá.

Ông nói:

"Lúc đó chúng tôi có một bảng giao dịch hàng hóa khổng lồ, bất cứ khi nào giá cả thay đổi sẽ có một tiếng ting ting. Vì vậy, mỗi sáng khi thị trường mở cửa, tôi đều thấy và nghe thấy giá thị trường giảm 200 điểm, đó là mức giảm hàng ngày, và sau đó chỉ giữ ở mức giá đó.

Lúc đấy tôi biết rằng tôi đã mất rất nhiều tiền và khả năng thua lỗ tiếp theo là không chắc chắn. Đó là một trải nghiệm khó quên, trải nghiệm này khiến tôi nhận ra tầm quan trọng của việc kiểm soát rủi ro bởi vì tôi không bao giờ muốn trải qua cảm giác đau đớn như vậy một lần nữa.

Kinh nghiệm này củng cố nỗi sợ mắc sai lầm của tôi và khiến tôi hiểu rằng tôi phải đảm bảo rằng bất kỳ lần đặt cược đơn lẻ nào, thậm chí là kết hợp, không thể khiến khoản thua của tôi vượt quá giới hạn có thể chấp nhận được.

Trong giao dịch, bạn phải vừa phòng thủ vừa tấn công. Nếu không tiến công, bạn sẽ không kiếm được tiền, nếu không phòng thủ, tiền của bạn không thể được giữ.

Tôi tin rằng, bất cứ ai kiếm tiền từ giao dịch đều phải trải qua nỗi đau khủng khiếp. Giao dịch cũng giống như chơi với điện, bạn có thể bị sốc bất cứ lúc nào. Trong giao dịch này, tôi cảm thấy điện giật và sự sợ hãi kèm theo. "

Mỗi một người đều là một nhà đầu tư, vì vậy, câu nói này đáng để tất cả mọi người phải suy ngẫm.

Trong rất nhiều công ty, có nhiều người thuộc vào kiểu sợ xảy ra sai lầm, sợ mình làm không tốt vì vậy mà chỉ luôn ở trong thế phòng thủ, ở nguyên trong vùng an toàn của mình, không dám nhận nhiệm vụ mới, hay nhiệm vụ có tính thử thách. Trong khi có những người thì ngược lại, họ có tâm lý tiến công, họ luôn muốn có những đột phá mới trong sự nghiệp.

Không được mù quáng làm kẻ tiến công mạo hiểm, cũng đừng làm người chỉ biết phòng thủ, phải tiến công trong phòng thủ, trong khi tiến công, phải biết quản lý cho tốt các thách thức và rủi ro.

Nếu mục tiêu của bạn là đủ sống là được, vậy thì bạn vĩnh viễn sẽ không bao giờ có được nhiều tiền. Nếu bạn nhắm tới một ngôi sao nào đó, vậy thì ít nhất bạn cũng sẽ bắn trúng mặt trăng.

Làm sao để biết một người trong tương lai có giàu có hay không? Đơn giản thôi, cứ nhìn 4 điểm - Ảnh 1.

02

Người chú tâm đến cơ hội sẽ ngày một nhiều tiền; người chú tâm tới trở ngại sẽ rất khó giàu có

Có một câu hỏi rất kinh điển như này: cái cốc là nửa đầy hay nửa rỗng?

Một thầy giáo từng nói với tôi rằng: đây là sự khác biệt giữa người lạc quan với người bi quan.

Thực ra, mấy chốt ở đây chính là góc độ mà bạn nhìn nhận vấn đề.

Có một câu nói như này: thứ mà bạn tập trung sẽ mở rộng.

Thời gian, công sức, tinh thần của bạn đều đặt vào cơ hội, cơ hội sẽ được mở rộng, cơ hội bạn nhìn thấy sẽ ngày một nhiều, ngày một tốt hơn.

Nhưng nếu thời gian và sức lực của bạn đều tập trung cho trở ngại, vậy thì trở ngại sẽ trở nên lớn hơn, trở ngại bạn gặp phải sẽ ngày một nhiều hơn và lớn hơn.

Chúng ta sẽ phát hiện ra, bất kể khi nào tập hợp thành một nhóm, đi thảo luận một việc gì đó, thông qua quá trình thảo luận, nhóm đó sẽ chia thành 2 kiểu người: một kiểu sẽ luôn nói rằng chuyện này có làm thế nào cũng không thông được; kiểu còn lại sẽ nói cách làm sao để chuyện này thông được.

Kiểu thứ hai chính là kiểu người "tập trung vào cơ hội".

Rất nhiều người không dám chấp nhận bất cứ sự rủi ro nào, trong tay có 100 triệu, mất 10 triệu thôi cũng khiến họ ruột đau như cắt, đến cái dũng khí để tổn thất 1 tỷ họ cũng không có, thậm chí cả 5 triệu, 2 triệu cũng không có, bởi lẽ tốt nhất đừng đừng thiếu một xu nào.

Trên thế gian này, người có nhiều tiền nhất là những người khởi nghiệp, nhà đầu tư, người làm ăn kinh doanh, nhưng rủi ro mà họ phải gánh chịu cũng lớn hơn người bình thường rất nhiều.

Nếu họ chỉ chú tâm vào trở ngại mà không phải cơ hội, họ sẽ không khởi nghiệp, họ đã không đầu tư.

Có một kiểu đầu tư gọi là đầu tư mạo hiểm.

Thế nào là đầu tư mạo hiểm? Nói đơn giản thì là nguy cơ đầu tư nhưng không thu lại được gì là rất lớn, bởi lẽ họ đầu tư vào thời kì sơ khai nhất của một nhà khởi nghiệp.

Nhưng vì sao họ vẫn làm? Bởi vì họ tập trung vào cơ hội. Nếu thứ họ quan tâm là mạo hiểm, rủi ro, họ đã chẳng làm, bởi lẽ một nhà khởi nghiệp chân ướt chân ráo, từ sản phẩm, thương hiệu cho tới nghiệp vụ đều chưa đủ trưởng thành, vừa nhìn đã biết là mạo hiểm.

Sẵn sàng mạo hiểm, không đồng nghĩa với việc sẵn sàng thất bại.

Sự mạo hiểm của người có tiền, là sự mạo hiểm có trong kế hoạch, là sự mạo hiểm mà họ có thể chấp nhận.

Làm sao để biết một người trong tương lai có giàu có hay không? Đơn giản thôi, cứ nhìn 4 điểm - Ảnh 2.

03

Người thoải mái với việc tuyên truyền bản thân và giá trị của bản thân sẽ ngày một đáng tiền

Coi việc sale và tuyên truyền quảng cáo là không tốt sẽ rất khó có tiền

Ác cảm với "chào hàng" là trở ngại cản trở thành công lớn nhất. Người cảm thấy khó khăn với việc chào hàng và tuyên truyền quảng cáo sẽ rất khó có nhiều tiền.

Nếu bạn không sẵn sàng để người khác biết về bạn, sản phẩm của bạn, dịch vụ bạn cung cấp, bạn làm sao có thể tạo ra thu nhập khả quan cho doanh nghiệp mà bạn đang làm hoặc sở hữu?

Người giàu có thường là những nhà tuyên truyền rất ưu tú, họ sẵn sàng nhiệt tình quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ và cả ý tưởng mới mẻ của mình, họ cũng biết cách biến mình trở nên thu hút và hấp dẫn.

Người có tiền thường là kẻ lãnh đạo, và tất cả những nhà lãnh đạo đều là những người rất giỏi ăn nói, giỏi tuyên truyền. Nếu bạn muốn làm lãnh đạo, bạn phải có cấp dưới và những người ủng hộ mình, có nghĩa là, bạn bắt buộc phải giỏi thuyết phục, gợi mở và cổ vũ người khác tin vào quan điểm của mình.

Vì sao phải làm người đứng đầu? Vì người đứng đầu luôn kiếm được nhiều hơn.

Mọi vật thành công, bất kể là người hay sản phẩm, là doanh nghiệp hay tổ chức, không có một ai hay cái gì là không dựa vào tuyên truyền, quảng cáo cả, bạn làm sao vừa muốn thành công lại vừa muốn là ngoại lệ!

Làm sao để biết một người trong tương lai có giàu có hay không? Đơn giản thôi, cứ nhìn 4 điểm - Ảnh 3.

04

Người tán thưởng người có tiền và người thành công sẽ ngày càng nhiều tiền

Người đố kị ghen ghét với người giàu có, người thành công sẽ khó kiếm được tiền

Không ít người có tâm lý ghen ghét người giàu, cứ hễ nhìn thấy tin tức về một ai đó thành công là lập tức nảy sinh tâm lý đố kị, nói này nói nọ sau lưng người ta.

Những người như này có khuynh hướng tâm lý người bị hại, họ cho rằng mình nghèo, mình là người bị hại trong xã hội, và ai là người hại họ? Tất nhiên là những người có tiền, là họ đem tiền đi mất khiến người nghèo có làm lụng vất vả tới đâu cũng không kiếm ra được.

Kiểu người như vậy xác định là sẽ không bao giờ có thể giàu có.

Vì sao?

Vì bạn làm sao có thể trở thành người mà mình ghét được!

T. Harv Eker, một doanh nhân, diễn giả tài năng với lý thuyết về sự giàu có và động lực từng chia sẻ câu chuyện của mình.

Có một ngày, ông xem tivi, MC Oprah đang phỏng vấn minh tinh Halle Berry và nói về việc Halle nhận được mức lương hợp đồng nữ diễn viên cao nhất từ ​​trước đến nay: 20 triệu đô la Mỹ.

Halle nói: "Tôi không quan tâm tới tiền, tôi nỗ lực có được mức lương này là vì muốn mở đường cho những diễn viên phía sau."

Harv khi xem tới đoạn này, trong lòng liền nghĩ: "Cô đang nói cái gì vậy! Cô cho rằng khán giả chúng tôi đều là kẻ ngốc ư? Đó không phải là những lời tuyên truyền hoa mỹ nhất ư!"

Nhưng Harv đã rất nhanh chóng phát hiện ra suy nghĩ tiêu cực của mình, và cảm nhận được rằng những suy nghĩ này đang ngày một khuếch đại, kiểm soát bản thân. Sau khi nhận ra được điều này, ông lập tức chấn chỉnh lại, lớn tiếng nói với mình: "Dừng lại ngay! Dừng lại ngay! Cảm ơn Halle đã nói với tôi những điều này!"

Ông gạt những suy nghĩ tiêu cực ra khỏi đầu, rồi lớn tiếng nói: "Làm tốt lắm cô gái! Thật tuyệt vời! Cô còn đang dễ dãi quá đấy, cô nên được trả 30 triệu đô la mới đúng! Đó là điều cô xứng đáng được nhận!"

Harv nói mỗi người cần phải tự nhắc nhở mình như vậy!

Bởi lẽ: Bạn cần phải chúc phúc cho những thứ mà bạn muốn!

Những năm gần đây vì khởi nghiệp mà tôi quen được không ít người trong giới làm ăn, ở trong những nhóm chat, bạn sẽ phát hiện ra rằng mỗi khi bạn chia sẻ một thông tin tích cực hay một dự án thành công nào đó, mọi người đều rất chân thành chúc phúc, không hề phớt lờ hay nói cho qua loa đại khái mà sẽ cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, thông tin, số liệu… rất nhiệt tình, còn hỏi với rất nhiều vấn đề. Ai cũng mong muốn mình được chia sẻ một vài thông tin nào đó thay vì ghen tị với thành công của người còn lại.

Harv nói rằng, bạn cần phải có cho mình một tuyên ngôn như này: "Tôi tán thưởng những người thành công, người giàu có, tôi chúc phúc cho họ, và tôi cũng phải trở nên giống họ."

Cũng giống như Raymond Dalio từng nói: "Bạn cần phải hỏi xem mình muốn gì, xem những người đã đạt được điều đó như một tấm gương, cố gắng phân tích các mô hình quan hệ nhân quả làm cơ sở cho những thành tựu của họ, để bạn có thể áp dụng những mô hình này và giúp mình đạt được mục tiêu."

Vì vậy, có những người thích giao lưu với người giàu, nghe người giàu chia sẻ, và hỏi xin kinh nghiệm từ họ. Họ cảm kích những người đã thành công, vì những người thành công là những người đã chia sẻ những trường hợp, kinh nghiệm và thông tin để họ có cơ sở để học hỏi. Những người như vậy sẽ ngày càng giàu có.

Trong khi có những người lại chỉ thích giao lưu với những người không có tiền giống mình, vì ở đó họ tìm được sự đồng cảm, tìm được tiếng nói chung, không cảm thấy bị đánh vào sĩ diện hay lòng tự tôn, mà không biết rằng đó chỉ là biện pháp an ủi nhất thời, muốn chữa bệnh nghèo thì phải đi từ gốc chứ không phải chỉ biết đi tìm thứ xoa dịu cơn đau nhất thời như vậy. Càng là người sĩ diện, đố kị với người khác, càng khó để thành công.

Làm sao để biết một người trong tương lai có giàu có hay không? Đơn giản thôi, cứ nhìn 4 điểm - Ảnh 4.

Trên đây là 4 nét tướng của người càng làm càng giàu, nếu bạn có thì xin chúc mừng bạn, còn nếu bạn đang thiếu điều gì đó thì cũng đừng vội nản lòng, bởi những phẩm chất này có thể được rèn luyện và thay đổi một cách có chủ ý.

Có tiền là một loại kết quả, bạn trồng nhân gì, bạn sẽ gặt được quả nấy. Nếu bạn muốn thay đổi quả, trước tiên bạn phải thay đổi cái gốc của nó, nếu bạn muốn thay đổi thứ có thể nhìn thấy được, bạn bắt buộc phải thay đổi thứ không nhìn thấy được trước đã.

Chúc bạn ngày càng thành công!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại