Biển Đông: PLA gầm ghè tàu sân bay trực thăng Mỹ, Hoàn Cầu cảnh báo "gắt" về chính quyền Biden

Hải Võ |

Quân đội Trung Quốc tổ chức tập trận bắn đạn thật ở biển Đông giữa lúc các chiến hạm Mỹ di chuyển qua khu vực này, và Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công du châu Á.

Các chiến hạm Trung Quốc trong cuộc tập trận 7 ngày ở biển Hoa Đông, được Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo ngày 29/11/2020 (Ảnh: 81.cn)

Các chiến hạm Trung Quốc trong cuộc tập trận 7 ngày ở biển Hoa Đông, được Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo ngày 29/11/2020 (Ảnh: 81.cn)

Tàu sân bay trực thăng Mỹ đến biển Đông, Trung Quốc tập trận dằn mặt

Quân giải phóng nhân dân (PLA) tổ chức tập trận bắn đạn thật ở khu vực biển Đông trong khi các chiến hạm Mỹ di chuyển qua vùng biển này vào ngày Chủ nhật, 6/12.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, các chiến hạm Type 056A gồm Enshi, Yongzhou và Guangyuan đã tham gia các bài tập tác chiến tầm xa, cường độ cao "không theo kịch bản sẵn".

Sáng kiến thăm dò Biển Đông (SCSPI), cơ quan nghiên cứu ở Bắc Kinh theo dõi các hoạt động của hải quân Mỹ, nói nhóm tàu sân bay trực thăng USS Makin Island (LHD-8) và tàu vận tải đổ bộ USS Somerset (LPD 25) đã tiến vào biển Đông hôm mùng 6, cùng thời gian với chuyến công du châu Á của Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chistopher Miller.

Đồ họa của SCSPI cho thấy tàu USS Makin Island di chuyển vào biển Đông qua eo biển Bashi, trong khi tàu USS Somerset đi qua Philippines.

Trang tin js7tv của PLA, do Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV vận hành, đưa tin cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc bao gồm bài tập đánh chặn tên lửa và tiêu diệt tàu địch [mô phỏng]. Báo cáo đăng tải kèm video cho thấy các chiến hạm Trung Quốc bắn đạn thật ở ngoài khơi phía nam nước này.

Thời báo Hoàn Cầu, tờ báo diều hâu hàng đầu Trung Quốc do báo đảng Nhân dân Nhật báo quản lý, nhấn mạnh các cuộc tập trận của PLA diễn ra giữa lúc hải quân Mỹ di chuyển qua biển Đông - động thái mà Bắc Kinh mô tả là "khoe cơ bắp", làm tổn hại ổn định khu vực.

"Trung Quốc cần sẵn sàng đối đầu với Mỹ tại biển Đông và eo biển Đài Loan, bất kể ai ngồi trong Nhà Trắng," Hoàn Cầu dẫn phân tích của các chuyên gia nước này trong bài viết tiêu đề Cần cảnh giác cao độ với chính quyền [Joe] Biden trên biển Đông và eo biển Đài Loan.

Bắc Kinh cáo buộc sự hiện diện thường xuyên của Mỹ tại các vùng nước trên biển Đông làm xói mòn ổn định khu vực, trong khi Washington khẳng định quân đội Mỹ thách thức những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại đây và bảo đảm quyền tự do lưu thông bằng những chiến dịch Tự do hàng hải (FONOP).

Chuyến công du châu Á của ông Miller bao gồm chuyến thăm Indonesia ngày 7/12 và Philippines ngày 8/12, kết thúc tại Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ở Hawaii. Hành trình của ông Miller - người được bổ nhiệm thay thế cựu Bộ trưởng Mark Esper bị Tổng thống Donald Trump sa thải - đánh dấu một trong những nỗ lực ngoại giao cuối cùng của chính quyền Trump nhằm thách thức ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực.

"Quyền Bộ trưởng Miller gặp những người đồng cấp cùng các quan chức cấp cao khác để thảo luận tầm quan trọng của các quan hệ quốc phòng song phương và bảo đảm khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở," thông cáo của Lầu Năm Góc cho hay.

Biển Đông: PLA gầm ghè tàu sân bay trực thăng Mỹ, Hoàn Cầu cảnh báo gắt về chính quyền Biden - Ảnh 2.

Tàu sân bay trực thăng Mỹ USS Makin Island (Ảnh: U.S. Navy/YouTube)

Sức ép với Trung Quốc theo cách của đảng Dân chủ

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt nhận định với Hoàn Cầu, chính quyền Trump đặt mục tiêu duy trì răn đe quân sự chống lại Trung Quốc trong khoảng 50 ngày còn lại, cho thấy Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện quân sự tại biển Đông và eo biển Đài Loan về dài hạn.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố số liệu nói rằng các máy bay quân sự Mỹ tiến hành hơn 2,000 hoạt động ở biển Đông trong nửa đầu năm 2020. Đến giữa tháng 10, các chiến hạm Mỹ đã di chuyển qua eo biển Đài Loan 10 lần - theo báo cáo của cơ quan quốc phòng đảo Đài Loan.

Nhà nghiên cứu cấp cao Trương Quân Xã tại Viện Nghiên cứu hải quân PLA, dự đoán Mỹ nhiều khả năng tổ chức tập trận đổ bộ tại biển Đông, cũng như tập luyện điều động lực lượng giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Biển Đông: PLA gầm ghè tàu sân bay trực thăng Mỹ, Hoàn Cầu cảnh báo gắt về chính quyền Biden - Ảnh 3.

Tàu đổ bộ đệm khí (LCAC) tham gia cuộc tập trận của Chiến khu miền Nam PLA trên biển Đông, ngày 18/11/2020 (Ảnh: eng.chinamil.com.cn/Photo by Ze Tianyu)

Đề cập kịch bản chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden nhậm chức vào tháng 1/2021, nhiều chuyên gia Trung Quốc tin rằng đảng Dân chủ Mỹ nhiều khả năng sẽ gây sức ép với Trung Quốc nhiều hơn bằng "các quy tắc và quy định, liên minh và sự quyết liệt trong khu vực" như đã thể hiện trước đây.

Ví dụ, vào tháng 4/2014, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama và chính quyền Philippines của Tổng thống Benigno Aquino đã ký thỏa thuận quân sự cho phép Mỹ mở rộng hiện diện tại nước đồng minh này.

Dương Hi Vũ, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, đánh giá Mỹ và Trung Quốc khó có khả năng va chạm về quân sự tại biển Đông sau khi ông Biden nhậm chức, nhưng có rủi ro tại eo biển Đài Loan. Bất kể tình hình chính trị trong nước của Mỹ thay đổi ra sao, Bắc Kinh đều cần củng cố sự sẵn sàng [tác chiến] ở cả hai khu vực này - các nhà phân tích Trung Quốc nêu.

Ông Biden vẫn đang tìm kiếm nhân tuyển cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng. Truyền thông Mỹ mới đây đưa tin ông cân nhắc đề cử tướng 4 sao Lloyd Austin, trong khi cựu Thứ trưởng phụ trách chính sách quốc phòng Michele Flournoy là một ứng viên tiềm năng khác. Theo báo Hoàn Cầu, cả hai nhân vật này được xem là những "diều hâu" của Mỹ, thậm chí bà Flournoy từng có bài viết đề cập kịch bản "đánh chìm hạm đội Trung Quốc trong 72 giờ".

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại