Sự thật về thực lực của Thục Hán ở thời kỳ đỉnh cao: Thừa khả năng đánh bại cả Tào Tháo?

Trần Quỳnh |

Nhiều ý kiến cho rằng ở vào thời kỳ đỉnh cao, thực lực của Thục Hán hoàn toàn đủ để tập đoàn chính trị này thực hiện khát vọng đánh bại Tào Tháo, thống nhất thiên hạ.

Năm 219 sau Công nguyên, Lưu Bị chiếm được Hán Trung và danh chính ngôn thuận trở thành Hán Trung vương.

Đây cũng được xem là cột mốc đánh dấu thời kỳ đỉnh cao trong cuộc đời của nhân vật này nói riêng và tập đoàn chính trị Thục Hán nói chung.

Như vậy ở vào thời kỳ đó, thế lực của Lưu Bị rốt cục mạnh tới mức nào?

Thục Hán trong thời kỳ đỉnh cao: Địa lợi - nhân hòa đều có đủ

Sự thật về thực lực của Thục Hán ở thời kỳ đỉnh cao: Thừa khả năng đánh bại cả Tào Tháo? - Ảnh 1.

Hình ảnh nhân vật Lưu Bị trên phim.

Năm 219, Lưu Bị thành công chiếm được Hán Trung, sau đó phái Lưu Phong, Mạnh Đạt tiếp tục chiếm được khu vực Thượng Dung.

Cũng trong năm ấy, Quan Vũ dùng kế  khiến nước ngập bảy đạo quân Tào, bắt Vu Cấm, trảm Bàng Đức, vây khốn Tào Nhân ở Phàn Thành, thậm chí còn khiến Tào Tháo sợ hãi tới mức thiếu chút nữa phải dời đô.

Những chiến thắng liên tiếp này đã chứng minh uy vọng và thực lực đạt tới đỉnh cao của tập đoàn chính trị dưới tay Lưu Bị lúc bấy giờ.

Khi đó, không ít người cho rằng Lưu Bị hoàn toàn có thể thực hiện khát vọng đánh bại Tào Tháo, phục hưng Hán thất.

Tới thời điểm này, nếu chiếu theo "Long Trung đối sách", Thục Hán bấy giờ cũng đã có trong tay cả Kinh Châu và Ích Châu, đồng nghĩa với việc đã thực hiện được một bước trọng yếu trong chiến lược mà Khổng Minh đề ra.

Mặc dù lúc ấy Tào Tháo vẫn nắm trong tay toàn bộ phương Bắc. Thế nhưng từ sau khi Đổng Trác loạn chính tới lúc đó, thảm cảnh chinh chiến liên miên đã khiến cho dân chúng nơi đây rơi vào cảnh lầm than, hậu quả là dân số tụt dốc nhanh chóng.

Ngược lại, Lưu Bị khi ấy có trong tay hai châu Kinh – Ích, chẳng những chiếm được vùng đất địa lợi mà còn nắm trong tay khu vực ổn định nhất, giàu có bậc nhất thiên hạ.

Hơn nữa, hai châu này còn sở hữu diện tích lớn nhất trong số 13 châu thời Đông Hán (theo Qulishi). Vì vậy Lưu Bị lúc bấy giờ có thể xem là muốn tiền có tiền, muốn địa bàn có địa bàn, muốn nhân lực cũng có thừa nhân lực.

Nhân tài đông đúc - Yếu tố giúp Thục Hán phất lên như diều gặp gió

Sự thật về thực lực của Thục Hán ở thời kỳ đỉnh cao: Thừa khả năng đánh bại cả Tào Tháo? - Ảnh 3.

Hình ảnh nhân vật Gia Cát Lượng và các văn, võ tướng trên phim.

Thời kỳ đỉnh cao này cũng là lúc tập đoàn chính trị Thục Hán sở hữu số lượng nhân tài dồi dào hơn cả.

Về võ tướng nói riêng, ngoài Ngũ hổ Thượng tướng bao gồm Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu, Hoàng Trung, phía dưới còn có những tướng quân cốt cán như Mạnh Đạt, Lưu Phong, Quan Bình…

Hàng ngũ này bất luận bàn về số lượng hay chất lượng đều không hề thua kém so với hai phe là Tào Ngụy và Đông Ngô.

Về mưu sĩ, Lưu Bị có trong tay Gia Cát Lượng, Pháp Chính, Tưởng Uyển, Mã Lương… Những nhân vật ấy dù là bấy cứ ai cũng đều là nhân tài nổi bật một phương.

Vì vậy, có thể nói ở vào thời kỳ đỉnh cao, dưới trướng Lưu Bị hoàn toàn có thể dùng cụm từ "nhân tài đông đúc" để hình dung.

Hơn nữa điểm mấu chốt còn nằm ở số lượng quân đội của Thục Hán lúc bấy giờ.

Theo Qulishi thống kê, khi đó trên đất Ích Châu có 4 vạn quân, Hán Trung có 6 vạn, Kinh Châu 5 vạn, tổng cộng là 15 vạn binh mã.

Số lượng binh mã này tập hợp đủ bộ binh, kỵ binh và thủy binh, bất cứ lúc nào cũng có thể phát động một cuộc chiến diệt quốc.

Từ những minh chứng kể trên, không khó để nhận thấy thời điểm xưng Hán Trung vương cũng là lúc Lưu Bị bước lên đỉnh cao huy hoàng trong cuộc đời. Chỉ tiếc rằng sự nghiệp của ông cuối cùng lại nhanh chóng rơi vào đà suy thoái.

Kể từ sau khi Quan Vũ bị giết, dường như mọi tai ương đều đổ dồn xuống đầu Thục Hán. Văn thần võ tướng lần lượt ra đi, Kinh Châu thất thủ, Di Lăng đại bại, cuối cùng thế lực này chỉ có thể cắm rễ lại ở đất Ích Châu mà đối kháng với chư hầu trong thiên hạ.

Sự thật về thực lực của Thục Hán ở thời kỳ đỉnh cao: Thừa khả năng đánh bại cả Tào Tháo? - Ảnh 5.

Hình ảnh nhân vật Gia Cát Lượng trên phim.

Lưu Bị cả đời lang bạt khắp nơi, đánh trận khi bại khi thắng, từ sau chiến thắng ở Xích Bích thì bắt đầu nghênh đón mùa xuân mới trong sự nghiệp, tới chiến thắng tại Hán Trung thì đạt đến đỉnh cao huy hoàng.

Thế nhưng sau đó, Thục Hán lại nhanh chóng trượt dốc trên đà suy vong đến nỗi chỉ còn lại một mảnh đất để đặt chân.

Tình cảnh ấy có lẽ cũng giống như những câu thơ trong bài "Lâm Giang Tiên" của Dương Thận và cũng là từ khúc mở đầu cho "Tam Quốc diễn nghĩa":

"Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông,

Bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng,

Thị phi thành bại theo dòng nước,

Sừng sững cơ đồ bỗng tay không".

*Dịch từ báo nước ngoài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại