Cú "lách luật" ngoạn mục của Trung Quốc tiếp sức nghiên cứu quân sự, đối đầu lệnh cấm từ Mỹ

Thúy Khương |

Các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc tiếp tục sử dụng phần mềm của Mỹ - bao gồm những phát triển tiên tiến trong công nghệ vũ khí siêu thanh.

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho biết, động thái trên bất chấp nỗ lực nhằm hạn chế Bắc Kinh tiếp cận các công cụ thiết kế mạnh mẽ này của Washington.

Theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Hàng không Trung Quốc vào tuần trước, các nhà nghiên cứu đã sử dụng phần mềm của Mỹ để mô phỏng khí động lực học của tên lửa siêu thanh có khả năng tiêu diệt cực mạnh.

Giáo sư Đại học Quốc phòng Công nghệ tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc Zhang Feng, dẫn đầu nhóm nghiên cứu đã xác định cách kiểm soát khả năng cơ động ở tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh trở lên.

Theo tài liệu, nhóm nghiên cứu sử dụng phần mềm do Ansys - công ty của Mỹ có trụ sở tại Canonsburg, bang Pennsylvania cung cấp.

Các hạn chế của Mỹ chỉ có ảnh hưởng nhất định

Trường đại học của ông Zhang không phải là viện nghiên cứu quân sự duy nhất của Trung Quốc phát triển vũ khí tiên tiến với phần mềm của Mỹ. Công ty Ansys cũng không phải công ty Mỹ duy nhất cấp phép sản phẩm của mình cho các viện hoặc các công ty ở Trung Quốc trong "danh sách thực thể".

Theo SCMP, chính phủ Mỹ cố gắng can thiệp bằng cách hạn chế Trung Quốc tiếp cận các công cụ này, nhưng những can thiệp chỉ đạt được mức ảnh hưởng hạn chế.

Vào tháng 6, Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân - trường đại học nghiên cứu tham gia vào một loạt các chương trình quân sự từ tàu ngầm hạt nhân đến vệ tinh do thám - thông báo họ mất quyền truy cập vào phần mềm toán học phổ biến MatLab của Mỹ.

Lệnh cấm được đưa ra sau khi trường Viện Công nghệ này bị Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ liệt kê là thực thể đối đầu, không thể sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ vào của Mỹ mà không có sự cho phép đặc biệt. Phán quyết đã gây ra hỗn loạn trong khuôn viên trường, theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, lý do của sự hỗn loạn này là bởi giáo viên và học sinh của trường đã sử dụng phần mềm MatLab trong nhiều năm.

Theo một số ước tính trong ngành, hơn 80% các công cụ chính mà các nhà khoa học và kỹ sư Trung Quốc sử dụng đều đến từ nước ngoài - chủ yếu là Mỹ. Các sản phẩm thay thế sản xuất trong nước không có sẵn bởi việc phát triển những sản phẩm này cần thời gian dài và thị trường thích hợp.

Những cách "lách luật" được vận dụng

Tuy nhiên, Giáo sư đại học Hàng không Bắc Kinh Ma Baofeng cho biết, các công ty Mỹ không muốn đánh mất thị trường Trung Quốc khổng lồ và phát triển nhanh chóng với sự đầu tư rất mạnh.

"Ai cũng muốn kiếm tiền, vì vậy họ dùng nhiều cách khác," Giáo sư Ma nói.

Một số nhà nghiên cứu Trung Quốc sử dụng các công cụ này cho biết, những nhà cung cấp sử dụng chiến lược tạo ra các phiên bản khác nhau của cùng một phần mềm, phân biệt giữa mục đích quân sự và thương mại.

Phiên bản quân sự có thể chứa các thuật toán đặc biệt, tạo ra kết quả chính xác hơn, tuy nhiên phiên bản chủ yếu được bán ở Trung Quốc là bản thương mại. Có sự khác biệt giữa bản quân sự và dân sự, tuy nhiên, nguồn thạo tin nói với SCMP: "Đối với một số nghiên cứu, bản thương mại là đủ dùng."

Nhà nghiên cứu tại Thượng Hải nói các quy định kiểm soát của Mỹ cũng tạo cho các công ty phần mềm "cơ hội linh hoạt".

Ông nói: "Thông thường, các quy định sẽ không đi vào chi tiết, chẳng hạn như cấm bán một phần mềm cụ thể nào cho Trung Quốc."

Ansys và một số công ty phần mềm khác của Mỹ không trả lời yêu cầu bình luận.

Các nhà khoa học Trung Quốc tìm ra cách khác để đối phó với những hạn chế, bao gồm cách sử dụng phần mềm không có bản quyền. Đây vốn là cách làm phổ biến trước đó ở Trung Quốc khi chưa đủ kinh phí nghiên cứu để mua giấy phép.

Nhà nghiên cứu ở Nam Kinh, Giang Tô, Trung Quốc cho hay: "Phầm mềm khó bị cấm hơn phần cứng."

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại