Mổ xẻ thiên thạch rơi tại sa mạc Sahara, các nhà khoa học tìm thấy 'bí mật' của Sao Hỏa 4,4 tỷ năm trước

ANH VIỆT |

Quá trình phân tích thiên thạch được phát hiện ở sa mạc Sahara đã tiết lộ sự tồn tại của nước trên Sao Hỏa, xuất hiện sớm hơn nhiều so với các ước tính trước đây, theo một nghiên cứu vừa được các nhà khoa học tại Đại học Tokyo công bố mới đây.

Vào năm 2011 và 2012, một cặp thiên thạch sẫm màu đã lần lượt được các nhà khoa học phát hiện ở sa mạc Sahara, châu Phi. 

Cặp thiên thạch được đặt tên là NWA 7034 và NWA 7533. Quá trình phân tích sau đó đã cho thấy, những thiên thạch này đều có nguồn gốc từ Sao Hỏa, với niên đại lên tới 4,4 tỷ năm tuổi.

Theo đó, vào thời điểm Sao Hỏa mới hình thành được 200 triệu năm, một vụ va chạm gây ra bởi sao chổi hoặc tiểu hành tinh có thể đã xảy ra, khiến một lượng lớn đất đá trên bề mặt Hành tinh Đỏ văng ra ngoài không gian.

Sau khi ‘lưu lạc’ một thời gian rất dài trong Thái dương hệ, một trong mảnh vỡ của Sao Hỏa đã bị lực hấp dẫn của Trái Đất ‘thu hút’ vào khoảng 600 triệu năm trước.

Trong quá trình lao vào bầu khí quyển của Trái Đất, thiên thạch này đã phát nổ và phân tán thành ít nhất 10 mảnh nhỏ rơi xuống khu vực sa mạc Sahara. Hai trong số những mảnh thiên thạch được tìm thấy chính là NWA 7034 và NWA 7533.

Mổ xẻ thiên thạch rơi tại sa mạc Sahara, các nhà khoa học tìm thấy bí mật của Sao Hỏa 4,4 tỷ năm trước - Ảnh 1.

Thiên thạch NWA 7533 có nguồn gốc từ Sao Hỏa, là một trong những thiên thạch có niên đại lâu đời nhất từng được tìm thấy

Trong nghiên cứu mới được xuất bản trên tạp chí Science Advances hôm 30/10, các nhà nghiên cứu tại Đại học Tokyo (Nhật Bản) đã công bố những phát hiện thú vị về Sao Hỏa sau khi phân tích chi tiết 50 gram mẫu vật từ NWA 7533.

Sau khi phân tích thành phần khoáng chất của NWA 7533, các chuyên gia nhận thấy dấu hiệu hóa học của quá trình oxy hóa, vốn thường xảy ra khi nước hình thành. 

Điều này có nghĩa, nước có thể đã xuất hiện trên bề mặt ‘người hàng xóm’ của Trái Đất từ thời điểm cách đây 4,4 tỷ năm, sớm hơn tới 700 triệu năm so với những ước tính trước đây của giới khoa học.

"Đá dăm hay đá phân mảnh trong thiên thạch được hình thành từ magma, thường do tác động của va chạm và quá trình oxy hóa gây ra"

"Quá trình oxy hóa này có thể xảy ra nếu nước hiện diện trên bề mặt sao Hỏa cách đây 4,4 tỷ năm, trong một sự kiện va chạm làm tan chảy một phần của lớp vỏ. 

Phân tích của chúng tôi cũng cho thấy vụ va chạm như vậy sẽ giải phóng rất nhiều hydro, góp phần vào sự nóng lên của sao Hỏa vào thời điểm hành tinh này đã có bầu khí quyển dày đặc chứa đầy carbon dioxide", giáo sư Takashi Mikuchim, tới từ Đại học Tokyo, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.

Thông qua kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học Nhật Bản cho rằng nước có thể là một sản phẩm phụ tự nhiên của một số quá trình hình thành hành tinh từ thuở sơ khai. 

Phát hiện này cũng giúp các nhà khoa học dần làm sáng tỏ nguồn gốc của nước, từ đó có thể tác động đến các lý thuyết về nguồn gốc của sự sống ngoài Trái Đất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại