Phát hiện ra 'siêu sức mạnh' mới của loài gấu nước: Một lá chắn cực tím bằng huỳnh quang

ĐÌNH THÀNH |

Gấu nước vẫn chưa thôi làm chúng ta bất ngờ.

Dù gấu nước sở hữu vẻ ngoài nực cười, không sinh vật nào có thể chế nhạo khả năng sống sót của nó tại những môi trường khắc nghiệt bậc nhất. Thế nhưng gấu nước vẫn chưa thôi làm chúng ta bất ngờ: hóa ra chúng còn mang trên mình một lớp vỏ huỳnh quang bảo vệ thân thể.

Gấu nước sống … dưới nước, có chiều dài chỉ từ 0,5-1 mm, với một thân hình nhăn nheo, trông giống một tờ giấy bị vò thành hình bắp ngô và gắn thêm tám cái chân. Nhưng nhìn vào danh sách dài những môi trường gấu nước tồn tại được, ta sẽ phải ngạc nhiên tột độ. Gấu nước sống được trong môi trường chân không của Vũ trụ, ở nơi có nhiệt độ và áp suất đạt mức cực đoan, thậm chí sống tốt trước bức xạ ion và bức xạ cực tím.

Phát hiện ra siêu sức mạnh mới của loài gấu nước: Một lá chắn cực tím bằng huỳnh quang - Ảnh 1.

Gấu nước.

Chúng có thể đưa cơ thể vào trạng thái “ngủ” để tồn tại chờ thời suốt vài thập kỷ. Trong giai đoạn này, gấu nước tạo ra một màng protein để bảo quản tế bào cơ thể. Trong nghiên cứu mới nhất, các nhà khoa học phát hiện ra thêm một cơ chế bảo vệ cơ thể nữa của gấu nước, thứ có thể giúp chống sống dưới ánh sáng cực tím có thể làm tổn hại mô sống: bảo bọc gấu nước là một lớp vật chất huỳnh quang có thể hấp thụ bức xạ và giải phóng năng lượng dưới dạng ánh sáng xanh.

Nói một cách đơn giản, thì chiếu tia UV gây chết người vào gấu nước, bạn sẽ thấy con vật này tỏa ra một màu xanh … đẹp đến lạ.

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những sinh vật này có thể tồn tại ở những môi trường khô nóng nhất Trái Đất”, giáo sư Sandeep Eswarappa, đồng tác giả nghiên cứu cho hay.

Phát hiện ra siêu sức mạnh mới của loài gấu nước: Một lá chắn cực tím bằng huỳnh quang - Ảnh 2.

Chiếu tia UV vào loài gấu nước này, chúng sẽ phát ra màu xanh.

Trong báo cáo được đăng tải trên tạp chí Biology Letters , Eswarappa và cộng sự nói rằng họ tìm thấy một loài gấu nước mới sinh sống trong mẫu rêu lấy được trên tường của khuôn viên trường đại học.

Khi chiếu ánh sáng cực tím lên loài gấu nước, được đặt tên là Paramacrobiotus, chúng không những sống sót được mà tỏa ra ánh sáng xanh dương. Cũng trong thử nghiệm chiếu tia UV này, một loài gấu nước được thử nghiệm khác là H. exemplaris đã không sống nổi.

Hòng tìm hiểu sâu hơn, nhóm nghiên cứu lấy mẫu vật chất huỳnh quang trên Paramacrobiotus để đắp lên người H. exemplaris thì nhận về kết quả khả quan: lớp huỳnh quang bảo vệ được phần nào cơ thể con gấu nước trước tia cực tím. Cho tới vài ngày sau, vẫn còn khoảng một nửa số gấu nước H. exemplaris sống sót khi được phủ lớp vật chất.

Nhóm các nhà khoa học ngạc nhiên vô cùng trước khám phá mới. “Trên đời có những loài sinh vật kháng được tia cực tím, nhưng loài gấu nước mới là sinh vật duy nhất sử dụng huỳnh quang làm cơ chế bảo vệ cơ thể trước lượng ánh sáng cực tím gây tử vong”, nhóm nghiên cứu kết luận.

Giáo sư Łukasz Kaczmarek, một chuyên gia gấu nước tới từ Ba Lan và không tham gia vào nghiên cứu trên, nhận định rằng nỗ lực của Eswarappa và cộng sự đã liên kết được những nghiên cứu trước đó, chỉ ra tiềm năng sử dụng vật chất do gấu nước tạo ra để bảo vệ sinh vật sống trước điều kiện khắc nghiệt.

Tuy nhiên, giáo sư Kaczmarek nói rằng nhóm nghiên cứu chưa chỉ rõ chất gì đã ngăn được bức xạ cực tím, và rằng có thể vật chất che chắn cho Paramacrobiotus không phải huỳnh quang, mà là một lớp protein ở dưới.

Nghĩa là ta cần có các nghiên cứu sâu hơn nữa, để có được một lớp giáp huỳnh quang làm từ gấu nước nhằm sống sót được ở những môi trường khó hỗ trợ sự sống phức tạp.

Tham khảo Guardian

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại