Coi nhau là "kẻ thù tưởng tượng", vậy nguy cơ bùng phát chiến tranh cục bộ Trung-Mỹ lớn chừng nào?

An An |

Khi cuộc chơi giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng trở nên gay cấn hơn, việc coi nhau như "kẻ thù tưởng tượng" sẽ ngày càng mãnh liệt hơn.

Do quan hệ song phương ngày càng xấu đi trong những năm gần đây, đặc biệt là chiến tranh thương mại và đại dịch Covid-19, quân đội Trun-Mỹ đang điều chỉnh chiến lược và liên tục phát tín hiệu đối phương là "kẻ thù tưởng tượng". Tuy nhiên, giới quan sát quân sự cho rằng, khả năng xảy ra xung đột và chiến tranh cục bộ giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông hay eo biển Đài Loan, vốn là điểm nóng của xung đột, là rất hạn chế và hai bên có cơ chế trao đổi và kiểm soát khủng hoảng.

Trung-Mỹ tung chiêu bài tuyên truyền

Theo Tạp chí Air Force (Mỹ) mới đây đưa tin, máy bay không người lái MQ-9 Reaper thuộc Phi đội tấn công UAV số 29 của không quân Mỹ đã tham gia diễn tập quân sự cùng hải quân Mỹ tại vùng biển ngoài khơi California từ ngày 3 đến 29/9.

Đáng chú ý, phù hiệu trên đồng phục cho binh sĩ tham gia cuộc tập trận này in hình máy bay không người lái MQ-9 Reaper đè trên nền màu đỏ có hình dáng giống bản đồ Trung Quốc.

Vụ việc ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc. Thời báo Hoàn cầu, phụ bản của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc gọi đây là một "hành động khiêu khích cực kỳ ngạo mạn" và cho rằng "quân đội Mỹ rõ ràng muốn sử dụng điều này để gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ".

Coi nhau là kẻ thù tưởng tượng, vậy nguy cơ bùng phát chiến tranh cục bộ Trung-Mỹ lớn chừng nào? - Ảnh 1.

Phù hiệu trên đồng phục tập trận của binh lính Mỹ. Ảnh: Tạp chí Air Force

Hoàn cầu cũng cho rằng, tín hiệu chiến lược mà không quân Mỹ gửi đi chính là Washington đang đẩy mạnh chuẩn bị cho cuộc chiến nhằm vào Trung Quốc.

Trong khi đó, giữa lúc Mỹ tổ chức cuộc tập trận Valiant Shield vào ngày 19/9, tài khoản Weibo của Không quân Trung Quốc đã đăng tải đoạn video tuyên truyền, cho thấy mục tiêu của chiếc máy bay ném bom H-6K mang đầu đạn hạt nhân dường như là Căn cứ Không quân Andersen ở Guam trên Thái Bình Dương.

Tướng Jeremy Sloane, chỉ huy căn cứ không quân Andersen hôm 25/9 nói rằng đoạn video của không quân Trung Quốc chỉ là tuyên truyền, mục đích là để đe dọa quân đội Mỹ và tạo ra sự thù địch.

Tăng cường cạnh tranh như kẻ thù tưởng tượng

Theo VOA (Mỹ), nhà bình luận quân sự Đài Loan Trịnh Kế Văn nhận định, bỏ qua cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hiện tại, chắc chắn sự cạnh tranh ngắn hạn hoặc dài hạn giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ trở nên mãnh liệt hơn trong tương lai và hai quân đội sẽ coi nhau là "kẻ thù tưởng tượng".

"Khi cuộc chơi giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng trở nên gay cấn hơn, việc coi nhau như kẻ thù tưởng tượng sẽ ngày càng mãnh liệt hơn. Với sự phát triển của vũ khí mới của quân đội Mỹ và Trung Quốc, mục tiêu kẻ thù tưởng tượng của họ đều coi đối phương là mục tiêu lớn nhất", ông Trịnh nói.

Tuy nhiên, chuyên gia Đài Loan cũng cho rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc rất phức tạp và liệu hai bên có thể hòa dịu ở một mức độ nào đó rất đáng để quan sát.

Trong khi đó, Trung tướng Đài Loan đã về hưu Ngô Tư Hoài cho rằng những hành động gần đây của hai bên là biểu hiện chính trị hay là sự "phô trương cơ bắp" về mặt quân sự nhưng không bên nào có ý niệm khơi mào chiến tranh.

Ông Ngô nói: "Tôi nghĩ đây chỉ là một tín hiệu chính trị, còn về mặt quân sự, đó là sự 'phô trương cơ bắp'. Tôi nghĩ rằng từ quan điểm Mỹ, họ không thực sự muốn bắt đầu một cuộc chiến tranh với Trung Quốc. Còn ở phía lập trường Trung Quốc, họ cũng không có mong muốn này. Bởi xét cho cùng, Bắc Kinh vẫn có khoảng cách với Mỹ về sức mạnh quân sự hiện đại. Hai cường quốc sẽ đều không muốn chiến tranh nổ ra nhưng biểu hiện đối đầu quân sự hoặc 'khoe cơ bắp' này đang diễn ra ngày càng khốc liệt hơn, có nguy cơ dẫn đến vô tình nổ súng".

Về khả năng xảy ra xung đột giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông, ông này cho rằng khả năng phát sinh chiến tranh cục bộ sẽ không quá lớn.

Ông nói: "Nguy cơ đã tăng lên nhưng cá nhân tôi đánh giá rằng sẽ không phát sinh cuộc chiến toàn diện, hoặc thậm chí là một cuộc chiến quy mô lớn. Điều đó là không thể. Thứ nhất, nó phụ thuộc vào vị trí hiện tại của một số nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ. Thứ hai, hai tàu sân bay của Trung Quốc cần phải được điều động về chiến khu phía Nam. Nếu muốn phát động chiến tranh cục bộ thì Bắc Kinh phải chuẩn bị sẵn. Như vậy, dưới sự theo sát của vệ tinh Mỹ và vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc, chiến trường giữa các bên đều bộc lộ rõ. Từ góc độ này, hiện tại không có khả năng nổ ra chiến tranh cục bộ".

Ông Trịnh Kế Văn cũng cho rằng, với tư cách là hai cường quốc hạt nhân, nếu xảy ra xung đột, hai bên rất khó khống chế quy mô ngày càng mở rộng của chuộc chiến, từ thái độ quân sự và phản ứng của cả hai bên cho thấy, cả hai bên đều không muốn kéo tình hình đi quá xa, vì thế, nguy cơ xảy ra xung đột là không lớn.

Coi nhau là kẻ thù tưởng tượng, vậy nguy cơ bùng phát chiến tranh cục bộ Trung-Mỹ lớn chừng nào? - Ảnh 2.

Máy bay không người lái MQ-9 của Mỹ. Ảnh: Reuters

Ông nói: "Tôi nghĩ rằng nếu xung đột và chiến tranh thực sự xảy ra trong ngắn hạn, nguy cơ có thể được kiểm soát được và giới hạn trong phạm vi tương đối nhỏ. Hiện tại, mặc dù Trung Quốc và Mỹ là đối thủ cạnh tranh về mặt quân sự, thậm chí là kẻ thù tưởng tượng của nhau nhưng hậu quả của một cuộc chiến tranh sẽ không chỉ gói gọn trong một phạm vi nhất định, tức là không thể đoán trước được. Gần đây, mặc dù hai bên đã có những hành động tuyên tuyên hoặc chiến tranh tâm lý nhưng cho đến nay, hai bên tương đối khách khí trong đối đầu thực tế".

Điểm nóng Đài Loan nóng nhưng không bùng nổ

Một điểm nóng khác mà xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc có thể xảy ra chính là vấn đề eo biển Đài Loan. Quan hệ Mỹ-Đài đang "nồng ấm" trong những năm gần đây, đặc biệt là chuyến thăm của Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar đến Đài Loan vào ngày 10/8. Ông Azar là quan chức nội các cấp cao nhất đến thăm Đài Loan trong 41 năm kể từ khi Mỹ chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach đến Đài Loan vào ngày 17/9, với tư cách là quan chức cấp cao nhất của Bộ Ngoại giao, càng khiến Bắc Kinh không hài lòng.

Sau đó, Bắc Kinh liên tục gia tăng đáng kể áp lực quân sự đối với Đài Loan như cử tàu chiến, máy bay quân sự đi qua eo biển, cũng như đồng thời tổ chức bốn cuộc tập trận thực chiến quy mô lớn ở bốn vùng biển xung quanh.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Trung Quốc tập trận quân sự ở eo biển Đài Loan là "hành động đe dọa quân sự". Cơ quan phòng vệ Đài Loan lên án các máy bay quân sự của PLA đã nhiều lần đi qua eo biển và vi phạm chính sách của đảo này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp trả rằng cuộc tập trận trên eo biển Đài Loan là nhằm vào tình hình hiện tại ở eo biển Đài Loan và là "một hành động hợp pháp và cần thiết được thực hiện để bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ".

Cả ông Trịnh Kế Văn và Ngô Tư Hòa đều nhận định, mặc dù gần đây Bắc Kinh đã tăng cường đe dọa quân sự đối với Đài Loan, nhưng trừ phi Đài Loan tuyên bố độc lập hoặc Mỹ triển khai lực lượng đóng quân tại Đài Loan để hỗ trợ phòng thủ, nếu không khả năng Bắc Kinh chủ động mở một cuộc chiến với Đài Loan là rất nhỏ.

Ngoài ra, bất chấp việc hai bên liên tục đối đầu, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa vào ngày 6/8 để thảo luận về mối quan hệ giữa quân đội hai nước.

Trong cuộc trò chuyện, ông Esper xác nhận các nguyên tắc và tầm quan trọng của việc thiết lập mối quan hệ quốc phòng mang tính xây dựng, ổn định và hiệu quả.

Ông vẫn hy vọng rằng một cuộc họp với người đồng cấp sẽ được tổ chức vào cuối năm nay để thiết lập hệ thống cần thiết cho việc liên lạc khủng hoảng. Hồi tháng 7, ông cũng từng bày tỏ ý định đến thăm Trung Quốc trong năm nay. Nếu có thể, đây sẽ là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng.

Về thực trạng quan hệ quân sự Mỹ - Trung, Trung tướng Đài Loan cho rằng, hai bên vẫn đang liên lạc thông qua cơ chế liên lạc và đều nỗ lực để tránh những đánh giá sai lầm và xung đột không đáng có.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại