Mỹ nghi Campuchia phá cơ sở tại cảng chiến lược vì TQ: Ông Hun Sen lên tiếng làm rõ "một lần và mãi mãi"

Hồng Anh |

"Campuchia không cho phép bất cứ nước nào sử dụng căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình. Đây là hành động trái với Hiến pháp", Thủ tướng Hun Sen khẳng định.

Gần đây, một số hình ảnh chụp bằng vệ tinh cho thấy Campuchia có động thái phá dỡ một cơ sở do Mỹ xây dựng ở quân cảng chiến lược Ream đã dấy lên nhiều đồn đoán trong dư luận rằng điều này có thể liên quan đến Trung Quốc.

Về phía Mỹ, Lầu Năm Góc ngày 2/10 vừa qua cũng đã bày tỏ lo ngại rằng "việc phá dỡ cơ sở quân sự này có thể gắn liền với kế hoạch của chính phủ Campuchia về việc lưu trữ các tài sản và nhân viên quân sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại căn cứ hải quân Ream".

Trước những suy luận và đồn đoán nói trên, Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 6/10 vừa qua đã đích thân lên tiếng làm rõ "một lần và mãi mãi", theo Khmer Times.

"Tôi xin được nói thật rõ ràng - một lần và mãi mãi - về vấn đề liên quan đến quân cảng Ream. Vài tuần trước, một đại sứ đã cáo buộc chúng tôi cho phép Trung Quốc 'độc quyền sử dụng' quân cảng Ream, và nói rằng Thủ tướng Hun Sen không hề hay biết về thỏa thuận này. Tôi xin trả lời người đó rằng, 'mọi vấn đề ở Campuchia đều được báo cáo với Thủ tướng'", ông Hun Sen mở đầu bài phát biểu của mình.

Nhà lãnh đạo Campuchia nhấn mạnh: "Campuchia không cho phép bất cứ nước nào sử dụng căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình. Đây là hành động trái với Hiến pháp. Tôi xin nhấn mạnh rằng Campuchia là một quốc gia độc lập và có chủ quyền, và chúng tôi không liên kết với bất cứ bên nào để chống lại bên khác, và cũng không cho phép quân đội nước ngoài đồn trú trong lãnh thổ của mình hay tại các căn cứ quân sự của chúng tôi".

"Chúng tôi có quyền làm những điều chúng tôi muốn, ví dụ như việc di dời Trung tâm Hàng hải - theo đề xuất của một nghiên cứu. Chúng tôi không đóng cửa cơ sở này, và chúng tôi cũng hoan nghênh tất cả các quốc gia quan tâm đóng góp, tài trợ cho dự án di dời, mở rộng tòa nhà. Chúng tôi hoan nghênh Mỹ, Pháp, Nhật, Trung Quốc và cả các nước khác tham gia.

Tòa nhà này không thể được coi là 'của Trung Quốc' chỉ vì nó được Trung Quốc tài trợ. Thực tế là chúng tôi cần sự hỗ trợ về tài chính của Trung Quốc để xây dựng nó, nhưng chúng tôi vẫn hoan nghênh sự đóng góp của tất cả những ai quan tâm", ông Hun Sen nói.

"Về vấn đề các tàu, thuyền được ra, vào quân cảng Ream, tôi xin khẳng định rằng chúng tôi chào đón các tàu, thuyền từ mọi quốc gia trên thế giới, trong đó bao gồm Mỹ, Pháp, Canada, Ấn Độ, Anh, Nhật Bản, Australia... chứ không chỉ các tàu, thuyền từ Trung Quốc. Các tàu quân sự cũng được hoan nghênh cập bến tại cảng này để tham gia tập trận với Campuchia.

Việc cáo buộc Campuchia cho Trung Quốc độc quyền sử dụng quân cảng Ream trong 50-90 năm là những lời nói vô căn cứ. [...] Chúng tôi không đóng cảng của mình đối với bất cứ ai. Chúng tôi hoan nghênh và sẵn sàng chào đón mọi quốc gia có mong muốn tập trận chung với Campuchia, nhưng hiện tại điều đó chưa khả thi do tình hình dịch COVID-19 vẫn chưa được giải quyết triệt để", nhà lãnh đạo Campuchia khẳng định trong bài phát biểu của mình.

Mỹ nghi Campuchia phá cơ sở tại cảng chiến lược vì TQ: Ông Hun Sen lên tiếng làm rõ một lần và mãi mãi - Ảnh 2.

Quân cảng Ream. Ảnh: Khmer Times

Bộ Quốc phòng Campuchia nói gì?

Trong một thông cáo được đăng tải trên Twitter ngày 4/10, văn phòng của Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã xác nhận việc phá dỡ tòa nhà do Mỹ xây dựng: "Campuchia đã phá dỡ cơ sở do Mỹ xây dựng ở căn cứ hải quân Ream do tòa nhà này cần được sửa chữa và nâng cấp".

Còn theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia, ông Chhum Socheat, cơ sở này sẽ được di dời đến địa điểm mới ở Koh Preap, gần cảng Sihanoukville để tạo điều kiện cho dự án mở rộng căn cứ Ream, vì "sẽ có rất nhiều tàu, thuyền cập bến tại cảng này" - ông Chhum Socheat nói.

Trước đó, hãng tin Nikkei Asian Review (Nhật Bản) đã dẫn lời một quan chức hải quân cấp cap Campuchia cho biết Trung Quốc có hỗ trợ nước này trong dự án mở rộng cảng Ream, tuy nhiên ông Chhum Socheat khẳng định rằng Campuchia không nhận được sự giúp đỡ của Bắc Kinh trong dự án này.

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại