Nga làm hòa giải xung đột Nagorno- Karabak- Sứ mệnh liệu có thành công?

Phạm Hà |

Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết, phía Nga đang liên lạc với cả Armenia và Azerbaijan, cùng với các bên liên quan ở các cấp độ khác nhau.

Nga ngày 30/9 cho biết đang thảo luận với các đại diện của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) để làm trung gian cho cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan. Từng là nhà hòa giải thành công cho cuộc xung đột Nagorno-Karabak năm 1994 với một lệnh ngừng bắn giữa hai bên, trong bối cảnh cuộc xung đột có nguy cơ trở thành điểm nóng quốc tế, liệu sứ mệnh này của Nga có một lần nữa thành công?

Tiếng súng vẫn không ngừng vang lên tại khu vực Nagorno-Karabak ngày 30/9 gây ra nhiều thương vong cho dân thường, cho thấy cuộc đụng độ nghiêm trọng nhất giữa hai bên kể từ năm 2016 không có dấu hiệu hạ nhiệt. Hiện có nhiều lo ngại đội ngũ lính đánh thuê nước ngoài bao gồm các tay súng Libya và Syria được triển khai đến khu vực có thể làm phức tạp thêm tình hình. Trước nguy cơ Nagorno-Karabak bùng phát bạo lực quy mô lớn, Nga cho biết sẵn sàng mời Ngoại trưởng các nước Armenia và Azerbaijan tới để thảo luận về tình hình hiện nay.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Phía Nga đang liên lạc với cả Armenia và Azerbaijan, cùng với các bên liên quan ở các cấp độ khác nhau. Chúng tôi đang xét mọi điều kiện để thống nhất các bên, trong đó có các đối tác Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu, xác định các bước đi tiếp theo để hạ nhiệt tình hình”.

Mặc dù tuyên bố không đề nghị sự trợ giúp của Nga vào thời điểm này nhưng Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cũng không bác bỏ khả năng. Hiện nay trong số các đối tác quốc tế, Nga được đánh giá là một trong những nhà hòa giải có tiềm lực nhất.

Xét khía cạnh các bên liên quan trực tiếp, Nga có mối quan hệ thân thiện với cả Armenia và Azerbaijan. Dù Nga ký Hiệp ước liên minh phòng thủ với Ác-mê-nia nhưng có mối quan hệ hợp tác với Azerbaijan trên nhiều lĩnh vực. Cả Armenia và Azerbaijan đều hiểu, nếu Nga đóng vai trò là một nhà hòa giải sẽ phải thúc đẩy một giải pháp có lợi cho hai bên vì đối đầu giữa hai quốc gia thuộc Liên xô cũ này đều buộc Nga phải đứng trước lựa chọn không có lợi cho chính mình.

Xét trên phương diện quốc tế, không giống như vai trò của Nga tại Ukraine hay Grudia, sự can dự của Nga trong cuộc xung đột này được cả Mỹ và Liên minh châu Âu nhìn nhận một cách tích cực. Lãnh đạo Nga và Pháp hôm qua có cuộc điện đàm kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, nhấn mạnh đối thoại là giải pháp hiệu quả để giải quyết bất đồng.

Đối với các quốc gia bên ngoài, Nga chắc chắn sẽ là một nhà hòa giải công bằng. Việc Nga chọn một bên trong cuộc xung đột sẽ gây đổ vỡ quan hệ với bên còn lại. Ngoài ra, một lựa chọn không hợp lý đều tạo ra những hệ lụy, khuấy động các cường quốc khác từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Mỹ và EU vào cuộc xung đột. Nga cũng vốn là một nhà hòa giải hiệu quả trong xung đột Nagorno-Karabak vào tháng 5/1994 và chấm dứt Chiến tranh 4 ngày vào tháng 4 năm 2016. Có khả năng lần này, Nga cũng giúp đưa hai bên trở lại bàn đàm phán.

Tuy nhiên so với những xung đột lần trước, đụng độ lần này được đánh giá nghiêm trọng và phức tạp hơn, với sự can thiệp của các quốc gia bên ngoài, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, với vai trò ngày càng lớn của Nga trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, nhiều nước phương Tây cũng không “mặn mà” để Nga tiếp tục thể hiện vị thế của mình. Vì vậy, một giải pháp khác được cho là khả thi và được các bên ủng hộ đó là thúc đẩy vai trò của nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), trong đó Nga đóng vai trò nòng cốt. Dư luận đang tiếp tục hi vọng Nagorno-Karabak sẽ là một trong những điểm hợp tác chung hiếm hoi giữa Nga và phương Tây giữa lúc đối đầu về một loạt vấn đề toàn cầu khác./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại