Lý giải nguồn cơn xung đột Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan

Hoàng Phạm |

Xung đột cuối tuần qua giữa Azerbaijan và nhóm sắc tộc Armenia ở Nagorno-Karabakh là đợt bùng phát mới nhất từ những căng thẳng kéo dài âm ỉ hàng chục năm qua.

Nagorno-Karabakh nằm ở đâu?

Nagorno-Karabakh là một vùng rừng núi nằm bên trong lãnh thổ của Azerbaijan – vốn thuộc Liên Xô trước đây, và được thừa nhận theo luật pháp quốc tế là một phần của Azerbaijan. Tuy nhiên, nhóm sắc tộc Armenia chiếm phần lớn ở vùng này với dân số 150.000 người. Nhóm này bác bỏ các quy tắc của người Azerbaijan. Lâu nay nhóm sắc tộc này điều hành các vấn đề riêng, với sự ủng hộ từ Armenia, kể từ khi binh sỹ Azerbaijan bị đẩy ra khỏi khu vực trong cuộc chiến những năm 1990.

Lý giải nguồn cơn xung đột Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan - Ảnh 1.

Xe thiết giáp của Azerbaijan trên đường ở Baku ngày 27/9/2020. Ảnh: Reuters

Một lệnh ngừng bắn được nhất trí năm 1994, nhưng ít nhất 200 người đã thiệt mạng trong một cuộc xung đột bạo lực năm 2016.

Nagorno-Karabakh vẫn tồn tại gần như hoàn toàn dựa vào hỗ trợ ngân sách từ Armenia và tài trợ từ cộng đồng người Armenia phân tán trên toàn thế giới.

Vì sao giao tranh bùng phát ở thời điểm này?

Căng thẳng hiện nay giữa 2 bên bùng phát trở lại từ mùa hè vừa qua và đã dẫn đến đụng độ trực tiếp hôm 27/9. Thời điểm này rất quan trọng vì các thế lực bên ngoài đứng ra làm trung gian hòa giải trước đây – có Nga, Pháp và Mỹ - đều đang bị chi phối bởi nhiều vấn đề khác như đại dịch Covid-19, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới và một loạt cuộc khủng hoảng khác trên thế giới từ Lebanon tới Belarus.

Các cuộc đụng độ mức độ nhỏ hồi tháng 7 cũng không nhận được sự phản hồi mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.

Thổ Nhĩ Kỳ, nước tổ chức các cuộc tập trận quân sự lớn với Azerbaijan trong tháng 7 và tháng 8/2020, đã công khai thể hiện sự ủng hộ với Azerbaijan nhiều hơn so với các cuộc khủng hoảng trước đây.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 28/9 nói rằng nước này ủng hộ Azerbaijan “với tất cả trái tim và các nguồn lực”. Ông không trực tiếp nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ có cung cấp chuyên gia quân sự, chiến cơ và UAV cho phía Azerbaijan như phía Armenia cáo buộc và phía Azerbaijan đã bác bỏ.

Nguy cơ của cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh

Các đợt bùng phát giao tranh trước đây kể từ năm 1988 đã khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Cuộc đụng độ mới nhất cuối tuần qua khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Olesya Vartanyan, nhà phân tích của Tổ chức Các cuộc khủng hoảng ngày 28/9 nói rằng, việc triển khai vũ khí hạng nặng như pháo, rocket đem lại nguy cơ thương vong cao hơn cho dân thường và sẽ càng khiến cả 2 bên khó rút khỏi cuộc chiến. Điều này thậm chí còn kéo thêm các thế lực bên ngoài vào cuộc và gây bất ổn cho khu vực Nam Caucasus - một hành lang vận chuyển dầu mỏ và khí đốt quan trọng.

Điều gì có thể chấm dứt đụng độ?

Một số nước, trong đó có Nga và Trung Quốc, đã kêu gọi dừng các hành động thù địch, nhưng tới nay vẫn chưa có tác động rõ rệt.

Nga có thể nắm giữ chìa khóa quan trọng: Nước này có hiệp ước quốc phòng song phương với Armenia và một căn cứ quân sự ở đó; đồng thời Nga cũng có mối quan hệ tốt với Azerbaijan và không có lợi ích gì khi xung đột leo thang.

Nếu nỗ lực ngoại giao thành công, Nga có thể giúp chấm dứt xung đột Nagorno-Karabakh ở thời điểm mà nước này đang vấp phải sự chỉ trích của các nước khác trong nhiều vấn đề như Belarus, vụ chính trị gia đối lập Alexei Navalny bị đầu độc ở Siberia hồi tháng tháng trước...

Tổng thống Vladimir Putin hôm 27/9 đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nhưng vẫn chưa rõ ông có trao đổi với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev hay không./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại