Hà Nội: Ghép lớp trên, 'làm đẹp' sĩ số lớp dưới

Hà Linh |

Tại Hà Nội, học sinh bậc tiểu học vì thiếu cơ sở vật chất đã phải dồn lớp, khiến sĩ số có nơi lên gần 60 em/ lớp. Phụ huynh lo lắng vì lớp học đông, chất lượng giảm trong khi giáo viên vô cùng vất vả để xoay xở.

“Mơ 45 em/lớp”

Lớp 2A3, Trường tiểu học Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) có 56 học sinh, vượt quá sĩ số quy định của Bộ GD&ĐT tới 21 em. Trường kê tới 4 dãy bàn hàng ngang, 7 dãy bàn hàng dọc. Lệ thường, mỗi bàn chừng 1m giáo viên xếp 2 học sinh, do lớp đông, có bàn phải xếp 3 em. Bàn chật, không tránh khỏi chuyện em này viết chữ hích vào tay em kia. Chưa kể, học sinh tiểu học ăn ngủ bán trú ngay tại lớp, lớp học đông, bất tiện đủ đường. Ở một số lớp khác, sĩ số là gần 60 em.

Trong giờ ôn tập lại môn toán, cô giáo Trần Thị Thanh Lâm liên tục đưa ra các tình huống để học sinh giải các phép toán vui có thưởng. Ở các dãy bàn phía trên học sinh hào hứng giơ tay để được lên trả lời câu hỏi. Ở góc cuối lớp, em Đinh Nguyễn Thái Ly, ngồi bàn thứ 7 nói em nhìn lên bảng có phần khó khăn.

Cô Lâm cho biết, giáo viên đứng lớp như cô mơ ước sĩ số khoảng 45 học sinh để thuận lợi trong dạy học. Cô bảo 30 năm làm nghề dạy học nhưng chỉ có 1-2 năm trường xây dựng, học sinh chuyển đi 1/3 thì lớp mới có sĩ số thấp, còn lại năm nào cũng quá tải. Lớp đông như hiện nay, rất khó quan tâm, chữa bài cho từng em nên phải thực hiện luân phiên hoặc chia tổ, nhóm.

Lớp đông, việc sắp xếp các em ngồi bàn trên hay bàn dưới luôn khiến phụ huynh thường xuyên gọi điện than phiền. Cô Lâm thường lọc những học sinh có khả năng tiếp thu, nghe nhìn chậm hơn bạn khác lên ngồi ở các dãy bàn trên để có sự quan tâm nhất định.

“Những em tiếp thu tốt, có ý thức tự giác cô cho ngồi bàn dưới vì đơn giản các con ngồi đâu cũng hoàn thành nhiệm vụ học tập. Hằng tháng, cô lại đổi chỗ ngồi từ bàn ngoài vào bàn trong để học sinh không bị lệch hướng nhìn”, cô Lâm nói.

Làm đẹp sĩ số

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên thực hiện chương trình GDPT mới từ lớp 1, yêu cầu học sinh được dạy học 2 buổi/ ngày. Để có phòng học, sĩ số đẹp thực hiện chương trình, có trường đã dồn, ghép lớp trên khiến sĩ số học sinh tăng vọt.

Điều 16, Điều lệ trường tiểu học mới của Bộ GD&ĐT quy định, mỗi lớp học không quá 35 học sinh do một giáo viên chủ nhiệm phụ trách. Ở những địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có thể tổ chức lớp ghép.

Chị Trần Thu Hương, có con học lớp 2, Trường tiểu học Đại Từ, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, năm học 2019-2020, con học lớp 1 với sĩ số 47 em/ lớp. Thiếu phòng học, con buộc phải nghỉ thứ 4, học cả ngày thứ 7. Đến năm học 2020-2021, sĩ số 53 em/lớp, vẫn phải học thứ 7. “Trước đây, con được bố trí ngồi bàn 3, năm nay để đủ chỗ cho học sinh mới, lớp đã kê thêm bàn ghế khiến dãy bàn đầu sát bục giảng. Em ngồi đầu cũng khổ, ngồi cuối lại càng khổ hơn”, chị Hương nói.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Đại Từ, quận Hoàng Mai (Hà Nội) Nguyễn Thuý Vân cho rằng, sĩ số học sinh ở trường như vậy là “lý tưởng” vì cả phường có khoảng 30 tòa nhà chung cư nhưng chỉ có 2 trường công lập, cơ sở vật chất không đáp ứng nổi. Trường Tiểu học Đại Từ hiện chỉ có 38 phòng học nhưng có 2.208 học sinh, co kéo lắm mới chia ra 45 lớp.

Trong đó học sinh lớp 1 được ưu tiên xếp lớp 45 - 48 em và học trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6, còn học sinh khối 2-5 phải nghỉ 1 ngày luân phiên trong tuần và học ngày thứ 7. Với chương trình GDPT mới, sĩ số như vậy giáo viên và phụ huynh đều vất vả. “Việc học thêm cả ngày thứ 7, phụ huynh cũng vất vả, nhà trường phát sinh tiền điện nước, nhân sự”, bà Vân nói.

Lý giải việc phình sĩ số lớp 2 năm nay, bà Vân cho rằng, buộc phải sáp nhập lớp 2 nếu không sẽ không đủ phòng cho học sinh lớp 1. Trường phải tận dụng cả phòng thể chất làm phòng học nhưng vẫn thiếu.

“Trước khi thực hiện, trường đã phải họp phụ huynh để thống nhất và chấp nhận phương án dồn lớp, học luân phiên thứ 7 như hiện nay. Nếu không, trường chỉ tổ chức 8 hoặc 9 buổi/ tuần, không tổ chức ăn bán trú, phụ huynh càng vất vả đưa đón con”, bà Vân nói.

Bà Vân cho biết trong các hội nghị, bà đã “kêu” với cấp trên về khó khăn trường lớp, cơ sở vật chất sẽ rất khó khăn trong tổ chức dạy học, nâng cao chất lượng. Trong thời gian tới, bà cũng sẽ tiếp tục có ý kiến về việc này. Tuy nhiên, xây trường mới cần có sự chuẩn bị lâu dài, nhất là quỹ đất.

Sửa chữa, cơi nới phòng học cũng khó khăn vì theo thiết kế quy mô trường học chuẩn quốc gia, mỗi trường chỉ có khoảng 30 phòng học và các phòng chức năng. Nhưng trường cũng không có đất để cơi nới, xây thêm các phòng học tạm giãn sĩ số.

Bà Dương Thu Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, năm học này do thiếu lớp nên trường phải dồn 8 lớp xuống thành 7 lớp 2 nên sĩ số trung bình tăng lên 54-55 học sinh/ lớp. Có những lớp do cô khối trưởng, giáo viên giỏi phụ trách, sĩ số cao hơn. Khối lớp 3 - 5 trung bình 50,5 em/ lớp, lớp cao nhất 53 học sinh.

Theo bà Hà, phường Minh Khai năm nay có 6 chung cư đi vào hoạt động với 54.000 dân, có 4 trường mẫu giáo công lập nhưng chỉ có 1 trường tiểu học. Điều tra dân số cho thấy có 822 học sinh vào lớp 1 năm nay nhưng cơ sở vật chất không đáp ứng hết con số này.

Hà Nội: Ghép lớp trên, làm đẹp sĩ số lớp dưới - Ảnh 3.

Học sinh các thành phố lớn thường bị áp lực về sĩ số. Ảnh: Huy Thịnh

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại