CNBC: Vì sao Trung Quốc càng mạnh về kinh tế - quân sự, giới đầu tư Mỹ càng "đau đầu"?

Thu Ngọc |

“Trung Quốc đang chuyển tăng trưởng kinh tế thành sức mạnh quân sự", ông Jonathan Ward, người sáng lập công ty tư vấn Atlas Organization, cho biết.

Khi Trung Quốc phát triển sức mạnh kinh tế và quân sự, các nhà đầu tư và các tập đoàn nước ngoài hoạt động ở nước này sẽ đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan, đài CNBC (Mỹ) trích dẫn bình luận của một nhà phân tích.

“Trung Quốc đang chuyển tăng trưởng kinh tế thành sức mạnh quân sự. Tôi nghĩ đây thực sự là tình thế tiến thoái lưỡng nan cho những ai muốn đầu tư vào Trung Quốc. Bạn cần phải hiểu chính xác những gì bạn đang đầu tư, những gì đang diễn ra tại đây”, ông Jonathan Ward, người sáng lập công ty tư vấn Atlas Organization, cho biết.

Phát biểu tại lễ khai mạc của Diễn đàn Châu Á Jefferies tuần trước, ông Ward cho biết có nhiều tập đoàn Trung Quốc - bao gồm cả những tập đoàn trong ngành hàng không vũ trụ, công nghệ và xây dựng - được “quân đội nước này hậu thuẫn”.

Theo ông Ward, khi ranh giới giữa nhà nước và doanh nghiệp mờ đi, các nhà đầu tư sẽ khó biết được mức độ kiểm soát của chính phủ Trung Quốc đối với công ty và mức độ độc lập của các doanh nghiệp.

Trung Quốc mong muốn xây dựng một lực lượng quân đội mạnh

Ông Ward cho biết chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã tăng lên và hiện lớn hơn mức tổng chi tiêu của tất cả các nước láng giềng trong khu vực. Ông này đã trích dẫn báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc về sự phát triển của quân đội Trung Quốc và cho biết quân chủng lục quân, hải quân, không quân và tên lửa của nước này hiện là một trong những lực lượng binh lính đông nhất trên thế giới.

“Vào năm 2019, Trung Quốc tuyên bố ngân sách quân sự hàng năm của nước này sẽ tăng 6,2%, tiếp tục chuỗi hơn 20 năm tăng chi tiêu quốc phòng thường niên và duy trì vị trí là nước chi tiêu quân sự lớn thứ hai trên thế giới” - theo báo cáo về Sức mạnh Quân sự Trung Quốc năm 2020.

Ông Ward cũng chỉ ra rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói rõ mục tiêu của Bắc Kinh là xây dựng một quân đội mạnh có thể chiến đấu và chiến thắng khi xảy ra chiến tranh.

"Chúng ta đang tiến gần hơn bao giờ hết đến việc hiện thực hóa sự trẻ hóa đất nước Trung Quốc và chúng ta cần xây dựng một quân đội mạnh hơn bao giờ hết trong lịch sử", ông Tập Cận Bình phát biểu tại lễ kỷ niệm thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA). “Quân đội phải đánh giá khả năng chiến đấu là một yêu cầu cần phải đạt được trong mọi công việc và tập trung vào cách giành chiến thắng khi chiến tranh xảy ra”.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng tuyên bố rằng Mỹ là mối đe dọa đối với hòa bình thế giới.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Ngô Khiêm đã phát biểu vào đầu tháng 9: “Bằng chứng trong nhiều năm qua cho thấy chính Mỹ là thủ phạm gây ra bất ổn trong khu vực, đồng thời là kẻ vi phạm trật tự quốc tế và phá hoại hòa bình thế giới”.

CNBC: Vì sao Trung Quốc càng mạnh về kinh tế - quân sự, giới đầu tư Mỹ càng đau đầu? - Ảnh 2.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Ngô Khiêm chỉ trích Mỹ "phá hoại hòa bình thế giới". Ảnh: AP

Thế tiến thoái lưỡng nan cho các công ty Mỹ

Theo ông Ward, Trung Quốc đang đối đầu công khai với Mỹ và khu vực. “Vậy câu hỏi đặt ra là mục đích của tất cả những hành động này là gì? Câu trả lời là để đạt được điều mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã gọi là ‘sự phục hưng vĩ đại’ của Trung Quốc”, ông Ward nói.

“Làm thế nào Trung Quốc có thể đạt được tất cả những điều này? Đó không chỉ là quân đội, mà thực sự là những đầu máy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Đó chính đội quân kinh tế hùng hậu gồm các tập đoàn do nhà nước sở hữu và hậu thuẫn”, chuyên gia này nhận định.

Ông Ward gợi ý rằng điều này sẽ tạo những tác động địa chính trị đối với các tập đoàn Mỹ, do đó các công ty đa quốc gia của Mỹ sẽ cần phải điều chỉnh cho phù hợp với các mục tiêu an ninh quốc gia dài hạn của chính phủ nước này.

Ông Kishore Mahbubani thuộc Viện Nghiên cứu Châu Á tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết một “yếu tố then chốt” quyết định kết quả của cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa cả hai siêu cường Mỹ-Trung sẽ là cách các nước khác phản ứng với sự cạnh tranh này.

“Trong cuộc Chiến tranh Lạnh đầu tiên giữa Mỹ và Liên Xô, hoàn toàn không nghi ngờ gì về việc Mỹ có các đồng minh mạnh hơn nhiều - họ có các đồng minh ở Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí cả các nền kinh tế lớn đang phát triển”, ông Mahbubani nói.

Ông Mahbubani cho biết cuộc đối đầu Mỹ - Trung hiện tại không giống như trong quá khứ.

“Điều khác biệt là lần này hầu hết các quốc gia trên thế giới - một phần vì họ còn đang phải giải quyết những vấn đề cấp bách khác. Hầu như không có nước nào nói rằng 'Này, chúng tôi đứng về phía Mỹ và chống lại Trung Quốc”, ông Mahbubani phát biểu tại Diễn đàn Châu Á Jefferies.

“Nhìn chung, phản ứng chung của hầu hết các quốc gia là: “Hai nước có thể vui lòng không khiến cuộc cạnh tranh địa chính trị này ảnh hưởng cho cả thế giới được không? Và điều này chắc chắn không nên xảy ra khi đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành trên toàn cầu", ông Mahbubani nói

Trong khi đó, ông Ward bình luận, để giành chiến thắng trước Trung Quốc, Mỹ cần phải duy trì vị thế cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Các công ty nước này cần phải giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh toàn cầu trước các đối thủ Trung Quốc. Ông Ward cũng nói thêm rằng điều cần thiết là Mỹ phải duy trì lợi thế quân sự đối với Trung Quốc.

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại